Đem ‘Bầu sữa yêu thương’ lên đỉnh Ngọc Linh
Xót xa trước tiếng khóc đói cơm, khát sữa của trẻ con đồng bào Ca Dong trên đỉnh núi Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), hàng chục giáo viên, tình nguyện viên chung tay làm chương trình “Bầu sữa yêu thương” nhằm giúp các bé cắt cơn thèm khát.
Đem ‘Bầu sữa yêu thương’ lên đỉnh Ngọc Linh
Xót xa trước tiếng khóc đói cơm, khát sữa của trẻ con đồng bào Ca Dong trên đỉnh núi Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), hàng chục giáo viên, tình nguyện viên chung tay làm chương trình “Bầu sữa yêu thương” nhằm giúp các bé cắt cơn thèm khát.
Niềm vui của những đứa trẻ khi được uống sữa – Ảnh: THANH BA |
Theo bước các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Kết nối yêu thương Nam Trà My và các thầy cô giáo bao năm trèo đèo, lội suối gieo chữ, chúng tôi nuôi quyết tâm đặt chân đến nóc Răng Dí (thôn 4, xã Trà Tập).
Dù đã được anh Nguyễn Trần Vỹ (cán bộ Phòng giáo dục huyện kiêm chủ nhiệm CLB Kết nối yêu thương) cảnh báo những gian truân, hiểm trở xuyên suốt lộ trình, thế nhưng quãng đường 14 cây số từ trung tâm xã đến khu dân cư Răng Dí với dốc cao gập ghềnh, hố sâu lầy lội, rừng rậm giăng kín đã làm mất của chúng tôi 3 giờ cuốc bộ.
Anh Vỹ cho biết chính nóc Răng Dí là nơi đã khai sinh chương trình hành động vì trẻ em “Bầu sữa yêu thương”.
Anh Vỹ kể: “Đêm đầu tháng 10 vừa qua, tôi cùng một số anh em ở lại nóc này để khảo sát xây dựng thêm phòng học cho học sinh. Bất chợt đêm khuya, tiếng trẻ đồng thanh khóc nấc văng vẳng bên tai khiến chúng tôi không tài nào ngủ được.
Khi âm thanh ấy kéo dài dai dẳng, chúng tôi và các thầy cô giáo mới trở giấc, lọ mọ gõ cửa nhà một số hộ dân hỏi han thì mới hay bọn trẻ khóc vì khát sữa”.
Chính hình ảnh các bà mẹ Ca Dong ăn uống kham khổ và thiếu chất nên không thể tạo bầu sữa đủ cho con bú đã lay động nhóm của anh Vỹ.
“Chứng kiến trẻ dăm ba ngày tuổi cầm cự sự sống bằng nước chắt từ bún khô, ắt hẳn ai cũng phải quặn lòng. Trở về sau chuyến tiền trạm, chúng tôi đã lên kế hoạch và bắt tay xây dựng chương trình “Bầu sữa yêu thương” nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay ủng hộ.
Từ đó đến nay, chương trình đã nhận tổng cộng gần 1.000 lon sữa các loại và 45 triệu đồng tiền mặt” – anh Vỹ cho biết.
Hơn một tháng nay, tầm 6g sáng, điểm trường tiểu học Răng Dí trở nên chộn rộn. Từng tốp người lớn ẵm bồng theo con nhỏ xếp hàng ngay ngắn trước những thùng sữa pha sẵn và tập trung đông đúc ở mỏm sân rộng nhô cao trước trường. Đó là kết quả của những chuyến cõng sữa lên tới nóc của các thầy cô.
Vừa ngơi tay sau khi pha đầy bảy lon sữa đặc cho vào một thùng, cô Trà Thị Thu (giáo viên tiểu học nóc Răng Dí) nói: “Cuối tuần, thầy cô giáo tình nguyện xuống trung tâm xã nhận sữa và vác lên đây để chia nhỏ thành từng bữa sữa cho các cháu.
Toàn nóc hiện có 30 trẻ sơ sinh và 68 em học sinh thấp còi, suy dinh dưỡng được cấp sữa uống miễn phí đều đặn 2 lần/ngày”.
Bà mẹ Ca Dong cho con bú bằng sữa của chương trình ”Bầu sữa yêu thương” – Ảnh: THANH BA |
Trong số hàng trăm trẻ nhỏ háo hức chờ nhận “bữa sữa sáng”, năm đứa con nheo nhóc của vợ chồng ông Hồ Văn Lâm thuộc diện đầu danh sách mà thầy cô liệt kê.
Gương mặt rạng ngời niềm vui sướng khi hai nách nựng hai con sinh đôi 8 tháng tuổi cùng ba đứa con đang học bậc tiểu học tiến đến vị trí nhận sữa, ông Lâm nói:
“Gia đình có bảy đứa con thì có đến năm đứa bị suy dinh dưỡng. May thay có sữa của các cô chú giúp đỡ mà con tui no cái bụng. Từ ngày uống sữa, tụi nhỏ không khóc nữa, mạnh khỏe lắm”.
Đề cập đến việc nhân rộng chương trình “Bầu sữa yêu thương”, anh Vỹ cho biết: “Không riêng gì nóc Răng Dí, hiện tại đã có tổng cộng 12 điểm trường trên địa bàn huyện với tổng số 668 em đang được thụ hưởng sữa từ chương trình.
Trong đó, hai nóc Tắk Vinh (xã Trà Nam) và Tu Lung (xã Trà Tập) cùng với Răng Dí là ba điểm nóc đặc biệt được tài trợ 1,5 triệu đồng hằng tháng để mua sữa cho các cháu.
Hi vọng trong thời gian tới, chương trình sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ ngày một lớn từ các nhà hảo tâm gần xa để gùi hàng chất đầy sữa được cõng lên tất cả các nóc”.
Ông Nguyễn Văn Xuân, phó Phòng giáo dục huyện Nam Trà My, nói: “Chương trình “Bầu sữa yêu thương” đã tạo nên một tín hiệu tích cực, góp phần mang lại sức khỏe cho thế hệ măng non ở vùng đất nghèo khó này. Phòng giáo dục luôn đồng hành và khuyến khích các thầy cô giáo địa phương tích cực tham gia, đồng hành với CLB Kết nối yêu thương để chương trình trở thành phong trào đi vào cuộc sống”. |