Mượn CMND có phạm luật?
Đầu tháng 10-2016, một nhóm người Đài Loan thuê chị H. (ngụ Cần Đước, Long An) vận động một số người dân sống tại khu vực này đem CMND lên TP.HCM cho thuê 2 triệu đồng/cái.
Mượn CMND có phạm luật?
Đầu tháng 10-2016, một nhóm người Đài Loan thuê chị H. (ngụ Cần Đước, Long An) vận động một số người dân sống tại khu vực này đem CMND lên TP.HCM cho thuê 2 triệu đồng/cái.
Những người này ký vào 4-5 loại giấy tờ mở tài khoản và thẻ ATM. Chị N. (sống gần nhà chị H.) cho biết: “Từ đầu tháng đến giờ đã có nhiều người được H. trả tiền như vậy. Họ đều là bà con nghèo, làm nghề chài lưới, không biết mình đã ký vào những loại giấy tờ gì, có phạm luật hay không?”.
Theo luật sư Lê Trung Phát, trong trường hợp trên, nếu các đối tượng đã bắt người dân đưa CMND và ký tên để thực hiện giao dịch (mở tài khoản, mua hàng trả góp…) thì có thể xem xét hành vi vi phạm pháp luật của những đối tượng này.
Trong một số giao dịch luôn đòi hỏi người tham gia phải có CMND nhằm xác định nhân thân. Vì vậy nếu hồ sơ giao dịch thể hiện đủ thông tin bao gồm chữ ký xác nhận giao dịch, CMND đính kèm thì các giao dịch này được xem là hợp pháp.
Thế nhưng một số giao dịch có thủ tục bắt buộc người đứng tên trên CMND phải trực tiếp đến giao dịch, có thủ tục ghi nhận lại hình ảnh của họ tại điểm giao dịch thì hồ sơ dù có chữ ký cùng với CMND vẫn chưa đủ điều kiện đáp ứng giao dịch có hiệu lực.
Đối với những giao dịch có quy trình như vậy, nếu không đáp ứng đủ có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tuyên giao dịch đó vô hiệu.
Do đó những người dân trong trường hợp trên chỉ cần chứng minh việc họ không có mặt tại thời điểm thực hiện giao dịch, họ vì thiếu hiểu biết mà ký vào các giấy tờ do người khác yêu cầu trong khi không nhận thức được các giao dịch đó nhằm phát sinh quyền và nghĩa vụ gì cho mình.
Họ có thể yêu cầu tòa tuyên giao dịch vô hiệu do bị “lừa dối” theo điều 132 Luật dân sự.
Còn đối với người sử dụng CMND của người khác sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền 1-2 triệu đồng theo quy định tại điều 9 nghị định 167/2013 (sử dụng CMND của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật).
Theo các chuyên gia pháp lý, nghị định 05/1999 quy định CMND là một loại giấy tờ tuỳ thân của công dân do công an cấp. Giấy này chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân.
CMND nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ VN. Bên cạnh đó, công dân được sử dụng CMND của mình làm giấy tờ tùy thân trong việc đi lại và thực hiện các giao dịch.
Mọi công dân phải có trách nhiệm mang theo CMND và xuất trình khi có người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra, kiểm soát. Luật cũng không cho phép việc cho thuê hoặc mượn CMND của người khác.
Nhằm tránh bị kẻ xấu lợi dụng thông tin cá nhân trên CMND để làm chuyện xấu, vi phạm pháp luật, mọi người không nên giao CMND của mình cho bất kỳ ai để phục vụ các giao dịch mà mình không ý thức được, dù CMND không phải là yếu tố duy nhất làm phát sinh các giao dịch. |