14/11/2024

Tiếp nối những hỗ trợ cho miền Trung

Tiếp tục công tác hỗ trợ bà con vùng lũ miền Trung, trong ngày 30-10, báo Tuổi Trẻ chuyển 800 phần quà của bạn đọc và nhà tài trợ đến người dân ba xã ở Hà Tĩnh gồm: Phúc Trạch (huyện Hương Khê), Cẩm Duệ và Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên).

 

Tiếp nối những hỗ trợ cho miền Trung

Tiếp tục công tác hỗ trợ bà con vùng lũ miền Trung, trong ngày 30-10, báo Tuổi Trẻ chuyển 800 phần quà của bạn đọc và nhà tài trợ đến người dân ba xã ở Hà Tĩnh gồm: Phúc Trạch (huyện Hương Khê), Cẩm Duệ và Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên).

 

 

 

Tiếp nối những hỗ trợ cho miền Trung
Bà Cao Thị Hoa nói: “Được nhận thêm gạo thì những ngày mưa gió, rét mướt sẽ đỡ lo đi nhiều” – Ảnh: VĂN ĐỊNH

Tại xã Phúc Trạch, một trong những xã của huyện Hương Khê chịu ảnh hưởng nặng của đợt lũ vừa qua, báo Tuổi Trẻ đã cùng với Nhà máy phân bón Ong Biển thuộc Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam (Vũng Tàu) và Tỉnh đoàn Hà Tĩnh trao 500 suất quà đến người dân.

Mỗi phần quà là 20kg gạo do nhà tài trợ – Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam – sản xuất hoàn toàn theo công nghệ hữu cơ, có giá hơn 600.000 đồng.

Nhận phần quà, bà Cao Thị Hoa (67 tuổi, ở xóm 10, xã Phúc Trạch) kể rằng bà còn nhớ như in lúc nước lũ chạm mái nhà, bà phải đi lánh nạn. Trở về, bà thấy nhà trống hoác, đi vòng quanh nương tìm mới thấy những tài sản có giá trị như chiếc xe đạp, tivi, bếp gas nằm vùi dưới lớp bùn non.

“Tôi sống độc thân nên lũ ập về có kịp di dời tài sản được mô. Mấy hôm rồi cũng có nhận mì gói, gạo cứu trợ nhưng ăn gần hết. Giờ nhận được gạo nữa thì đỡ đi nhiều đó” – bà Hoa nói.

Còn bà Nguyễn Thi Dần (72 tuổi, ở xóm 8, xã Phúc Trạch) lẩm bẩm tính đợt lũ vừa qua cuốn trôi của nhà bà 40 con gà và 1 con lợn, hơn 600 quả bưởi thì bị ngâm nước lũ nên không bán được. Vừa qua, gia đình bà cũng nhận được hàng cứu trợ là 10kg gạo, 3 thùng mì gói và 500.000 đồng.

“Gạo cứu trợ không nhiều nên phải ăn dè sẻn. Giờ nhận được thêm 20kg gạo này, tui phải về nấu cho mấy đứa cháu ăn một bữa thật no” – bà Dần nói.

Bà Trần Thị Hiền, cán bộ chính sách xã Phúc Trạch, cho biết người dân nơi đây chủ yếu sống nhờ vào trồng bưởi, gió trầm, giờ thì cây bưởi, cây gió đang héo chết dần do ngâm nước lũ quá lâu.

Ông Nguyễn Văn Nghệ, phó tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam, chia sẻ rằng những phần quà bằng gạo đã được trao là rất nhỏ, nhưng công ty ông cũng mong mang đến một bữa ấm no cho người dân nơi đây.

Ở xã Cẩm Duệ và Cẩm Mỹ, đoàn công tác xã hội báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã chuyển 300 phần quà (quần áo, nhu yếu phẩm, gạo và 200.000 đồng) đến người dân.

Ông Lê Quang Nghĩa, chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ, nói rằng đợt lũ vừa qua làm cho người dân địa phương thiệt hại rất nặng nên dù đã có nhiều đoàn về cứu trợ người dân, nay có thêm phần quà là nhu yếu phẩm của bạn đọc báo Tuổi Trẻ thì với người dân vẫn rất thiết thực.

Trong những ngày qua, ngay trong lúc lũ ở miền Trung chưa kịp rút, báo Tuổi Trẻ đã phối hợp cùng các tỉnh đoàn Hà Tĩnh, Quảng Bình nhanh chóng triển khai cứu trợ khẩn cấp đến bà con với những nhu yếu phẩm cần thiết nhất như gạo, mì gói, dầu ăn, đường sữa…

Thời gian gần đây, báo Tuổi Trẻ đã chuyển qua giai đoạn hỗ trợ căn cơ hơn cho bà con, như hỗ trợ gạo, tiền mặt… để bà con trang trải cuộc sống. Tính đến nay, báo Tuổi Trẻ đã trao đến bà con vùng lũ hơn 4,3 tỉ đồng từ đóng góp của bạn đọc và nhà tài trợ.

Những ngày sắp tới, báo Tuổi Trẻ sẽ thực hiện các chương trình hỗ trợ bền vững hơn với bà con bị lũ lụt miền Trung như trao học bổng “Ngăn dòng bỏ học” giúp học sinh trở lại trường, hỗ trợ cho gia đình giáo viên bị ảnh hưởng bởi cơn lũ để tiếp tục bám lớp.

Đối với người dân bị ảnh hưởng nặng và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, báo Tuổi Trẻ sẽ phối hợp cùng địa phương và tỉnh đoàn hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà, xây nhà mới, đồng thời trao vốn, con giống… để giúp bà con có điều kiện nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Tiếp nối những hỗ trợ

“Phải tính đến chuyện xây nhà chống lũ để sống chung với lũ giống như Nhật Bản sống chung với động đất mới được” – đó là chia sẻ của chị Hồ Lan Hương khi đi cùng với ông Yang Pil Suk – chủ tịch Hội Người cao tuổi Hàn Quốc tại Việt Nam, và ông Chung Hak Song – phó chủ tịch của hội, góp 15 triệu đồng cho người dân vùng lũ.

Sống ở Việt Nam nhiều năm, thông thạo tiếng Việt nên ông Chung thường xuyên đọc Tuổi Trẻ và tin tưởng vào những chương trình xã hội mà báo đã thực hiện. Ông bày tỏ sẽ tiếp tục gắn kết, đồng hành với Tuổi Trẻ để thực hiện những chương trình học bổng cho học sinh vùng lũ hay nhà chống lũ…

Một lá thư tay ngắn với những lời động viên còn chút vụng về nhưng ấm lòng được các em học sinh lớp 7A1 Trường THCS Lam Sơn 
(TP.HCM) gửi đến để chia sẻ với các em học sinh vùng lũ với ước mong các bạn không phải nghỉ học. Các em còn mang theo số tiền 4.300.000 đồng do cả lớp đóng góp giúp đỡ các bạn.

Trong thư các em viết: “Chúng mình biết rằng các bạn phải chịu nhiều đau thương và thiệt thòi về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng đừng vì bất kỳ lý do gì mà nghỉ học nhé, hãy cố gắng học thật giỏi để cha mẹ vui lòng và có thể tương lai của các bạn xán lạn hơn”.

Hơn hai tuần sau cơn lũ ở miền Trung, những khoản hỗ trợ, đóng góp từ bạn đọc dành cho bà con bị lũ lụt vẫn tiếp tục chuyển đến báo Tuổi Trẻ. Đại diện Công ty TNHH sản xuất cân Nhơn Hòa đến trao 200 triệu đồng, một quỹ xã hội tại Hà Nội chuyển khoản 1 tỉ đồng, một tổ chức tại Đà Nẵng chuyển khoản 500 triệu đồng, chú Nguyễn Văn Dẫn (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cùng con trai góp 10 triệu đồng…

Những tấm lòng hỗ trợ vẫn đang nối tiếp nhau để giúp người dân miền Trung gượng dậy sau lũ, giúp trẻ em vùng lũ tiếp tục đến trường.

Vũ Thuỷ – Duyên Phan

Kêu gọi ủng hộ miền Trung 
bằng tin nhắn

Tối 29-10, chương trình “Ấm áp tình người trong thiên tai” do Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung (tại TP Đà Nẵng) phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM đã được tổ chức để kêu gọi hỗ trợ người dân miền Trung bị thiên tai.

Từ ngày 20-10 đến 18-12-2016, quỹ phát động ủng hộ người dân miền Trung bằng tin nhắn. Mỗi tin nhắn cú pháp “HM” gửi 1405 sẽ đóng góp 15.000 đồng ủng hộ đồng bào.

Đến dự có ông Trương Hòa Bình, ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng thường trực Chính phủ; ông Đinh La Thăng, uỷ viên Bộ Chính trị, bí thư Thành uỷ TP.HCM, cùng các vị nguyên là lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ 
và TP.HCM.

Từ năm 2009 tới nay, quỹ đã vận động hơn 230 tỉ đồng hỗ trợ các địa phương xây dựng 87 công trình phòng tránh thiên tai, hỗ trợ trang thiết bị trường học, trồng rừng ngập mặn, lập đội cứu trợ và tổ chức nhiều đợt cứu trợ khẩn cấp… Trong đợt lũ lụt vừa qua, quỹ cũng đã gửi quà cứu trợ đến 1.500 hộ bị thiệt hại trong cơn lũ.

Ngọc Loan

VĂN ĐỊNH – PHAN ĐẮC