Bộ Y tế không chủ trương cổ phần hoá bệnh viện
Khi được tổ công tác của Thủ tướng ‘đòi nợ’ về vấn đề đánh giá hiệu quả đề án cổ phần hoá Bệnh viện Giao thông Vận tải T.Ư, Bộ trưởng Y tế cho biết đây không phải chủ trương của ngành nên đánh giá sẽ rất khó có kết quả.
Bộ Y tế không chủ trương cổ phần hoá bệnh viện
Khi được tổ công tác của Thủ tướng ‘đòi nợ’ về vấn đề đánh giá hiệu quả đề án cổ phần hoá Bệnh viện Giao thông Vận tải T.Ư, Bộ trưởng Y tế cho biết đây không phải chủ trương của ngành nên đánh giá sẽ rất khó có kết quả.
Buổi làm việc giữa tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Y tế hôm qua (18.10) không chỉ để kiểm điểm những công việc mà Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ giao cho ngành này từ đầu năm đến nay, mà những nội dung được dư luận quan tâm gần đây cũng được “cập nhật”, trong đó có hai vấn đề Thanh Niênphản ánh là đồ uống nhiễm chì và câu chuyện nước mắm trộn hóa chất.
“Ngành đánh giá sẽ không ra sản phẩm được”
Nội dung được đề cập đầu tiên và nhận được nhiều ý kiến nhất là vấn đề nhìn nhận kết quả của việc thí điểm cổ phần hoá cơ sở y tế công lập đầu tiên – Bệnh viện (BV) Giao thông Vận tải (GTVT) T.Ư (Hà Nội). Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng tổ công tác, đây là một trong 7 vấn đề quá hạn mà đúng ra ngành y tế đã phải có báo cáo đánh giá gửi về Chính phủ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết BV này thuộc quản lý trực tiếp của Bộ GTVT, không phải của ngành y tế. “Vấn đề này thuộc Ban Đổi mới doanh nghiệp của Bộ GTVT, Bộ Tài chính, nên Bộ Y tế sẽ cố gắng phối hợp để đánh giá về chỉ số đầu ra của chất lượng dịch vụ, đào tạo cán bộ thôi, chứ cổ phần hoá liên quan đến tài chính, đối tác chiến lược thì ngành đánh giá sẽ không ra sản phẩm được”, bà Tiến chia sẻ. Đáng chú ý, Bộ trưởng Y tế cho biết trong quá trình được lấy ý kiến trước khi cổ phần hóa BV này, Bộ Y tế đã hai lần có văn bản thể hiện không có chủ trương cổ phần hoá BV công lập. Do đó, ngành y tế đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ này cho Bộ GTVT hoặc Bộ Tài chính.
Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, việc xã hội hóa các đơn vị công lập là chủ trương quan trọng của Chính phủ, nên rất cần đánh giá, tổng kết để xây dựng cơ sở pháp lý cao hơn. Việc đánh giá chuyên môn y tế xem có thể nhân rộng ra được không là rất quan trọng nên vẫn nên để Bộ Y tế chủ trì. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhìn nhận việc giao Bộ Y tế đánh giá là đúng, mà cụ thể là để nhìn thấy cái gì được, chưa được trong chủ trương cổ phần hóa BV công.
BV GTVT T.Ư là cơ sở y tế công lập đầu tiên được cổ phần hóa vào năm 2015, chính thức trở thành công ty cổ phần hồi đầu năm nay với nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn T&T. Sau khi cổ phần hoá BV này, Bộ GTVT cũng đã lên kế hoạch tiếp tục thoái vốn tại nhiều cơ sở y tế công lập khác như BV Nam Thăng Long (Hà Nội), BV GTVT Vinh, BV GTVT Đà Nẵng.
Ngày 22.10 có kết quả kiểm tra nước mắm
Tại buổi làm việc, tổ công tác cũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, yêu cầu lãnh đạo Bộ Y tế giải trình về những vấn đề mà dư luận bức xúc trong thời gian qua, như nước mắm trộn hoá chất, nước ngọt nhiễm chì hay việc lùm xùm quanh công tác cán bộ tại một số đơn vị thuộc ngành y.
Liên quan đến câu chuyện nước mắm trộn hoá chất mà Thanh Niên phản ánh, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho hay các đoàn kiểm tra liên ngành gồm 3 bộ: Y tế, NN-PTNT và Công thương đang làm việc tại Hà Nội, TP.HCM và Phú Quốc để kiểm tra toàn bộ các khâu từ thu mua nguyên liệu, sản xuất, đóng gói, ghi nhãn.
Kết quả cuối cùng sẽ được Bộ Y tế tổng hợp để báo cáo lên Chính phủ trước ngày 22.10. Ông Phong cũng phân trần, thế giới không tách bạch chuyện nước mắm công nghiệp hay thủ công, mà tất cả đều có công thức gồm “phụ gia thực phẩm + nước + nước mắm”. “Nếu tỷ lệ phụ gia đúng nồng độ, hàm lượng thì đảm bảo sức khoẻ. Các loại nước mắm được cấp phép thì đều có kiểm nghiệm công bố và đảm bảo an toàn”, ông Phong nói, nhưng cũng thừa nhận vẫn có trường hợp các lô hàng nguyên liệu mang đi kiểm nghiệm thì đạt, đến khi sản xuất sản phẩm lại không đạt và “trách nhiệm chính là của doanh nghiệp”.
Dẫn lại câu chuyện nước uống Rồng Đỏ và C2 của Công ty TNHH URC VN có hàm lượng chì quá tiêu chuẩn, ông Đặng Văn Chính, Chánh thanh tra Bộ Y tế, cho hay các lô nguyên liệu dùng cho sản phẩm trước đó mang đến kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm quốc gia thì đạt chất lượng, nhưng khi phát hiện sản phẩm ra lò có chì vượt quá tiêu chuẩn cho phép thì doanh nghiệp thừa nhận sai sót trong sản xuất và chấp nhận nộp phạt gần 7 tỉ đồng, cam kết thu hồi rồi tiêu huỷ từng chai sản phẩm.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay công tác tổ chức cán bộ cũng là vấn đề Thủ tướng muốn nhắc nhở Bộ Y tế, khi Chính phủ đã nhận được đơn thư tố cáo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
Giải trình về những “lùm xùm” trong công tác cán bộ thời gian qua như bổ nhiệm các giám đốc BV Việt Đức, BV Mắt trung ương (cùng ở Hà Nội)… Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng trước hết do các BV này không tìm ra được ai hơn ai sau nhiều vòng lấy phiếu có kết quả tương đương nhau giữa các ứng viên. Bộ từng trình Bộ Chính trị đề án thí điểm thi tuyển cán bộ chủ chốt tại các đơn vị trực thuộc, đã được đồng ý nhưng khi xin văn bản hướng dẫn thì Chính phủ nói phải chờ. “Chúng tôi đã chờ hơn một năm nhưng không được duyệt nên sau đó xin bổ nhiệm lại theo quy trình cũ”, Bộ trưởng nói.
Về vụ việc tố cáo ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ liên quan việc bổ nhiệm lãnh đạo BV Mắt trung ương, Bộ Y tế đã lập đoàn thanh tra. Sau gần 2 tháng kiểm tra, Bộ Y tế ra kết luận, chưa công bố thì có thêm đoàn thanh tra của Đảng ủy khối các cơ quan T.Ư cùng vào cuộc nên Bộ tạm chờ kết luận chính thức từ đoàn kiểm tra này.
|
Chí Hiếu