Hãy cân nhắc trước mỗi bài đăng trên Facebook
Trên thế giới, những người trẻ có hành vi quá khích nhằm lôi kéo sự chú ý trên mạng xã hội không phải là chuyện lạ. Vấn đề của người lớn là không thể phớt lờ chuyện này.
Hãy cân nhắc trước mỗi bài đăng trên Facebook
Trên thế giới, những người trẻ có hành vi quá khích nhằm lôi kéo sự chú ý trên mạng xã hội không phải là chuyện lạ. Vấn đề của người lớn là không thể phớt lờ chuyện này.
Tiến sĩ Sarah Gumbley – Ảnh: NVCC |
Năm 2013, cảnh sát New Zealand đã vào cuộc điều tra hàng loạt nam thanh niên vì tội quay lén cảnh nhạy cảm với các cô gái rồi đăng tải lên Facebook.
Lệ thuộc mạng xã hội
Thông thường, những bạn trẻ cảm thấy thiếu an toàn hoặc thiếu lòng tự tôn thường có xu hướng đăng tải những dạng nội dung “gây sốc” để tìm kiếm sự chú ý. Thay vì nghĩ đến hậu quả của các hành vi này, họ lại tập trung quan tâm xem người khác sẽ thay đổi cách nhìn về mình ra sao.
Hiện nay, có rất nhiều người bị nghiện sử dụng Facebook nhưng thậm chí không nhận ra điều này. Tôi thường xuyên thấy những nhóm bạn hoặc gia đình đi uống cà phê hoặc ăn tối cùng nhau nhưng mỗi người đều im lặng và chỉ chăm chú xem điện thoại.
Đối với những người trẻ luôn đắm chìm trên thế giới trực tuyến, khả năng bị lệ thuộc vào Facebook càng cao hơn. Họ có xu hướng kiểm tra trang cá nhân mỗi ngày hoặc thậm chí mỗi tiếng đồng hồ.
Người dùng cần phải biết tự giới hạn mức độ sử dụng Facebook của mình. Có một vài cách thiết thực như xóa ứng dụng khỏi điện thoại và chỉ đăng nhập mỗi khi ngồi trên máy tính, hoặc tắt điện thoại vào buổi tối.
Thế giới trực tuyến là nơi người sử dụng thường có xu hướng phát ngôn những lời nặng nề hoặc hành xử quá khích vì ít phải chịu hậu quả. Hãy nghĩ xem bao nhiêu lần bạn đã viết ra trên Facebook những câu mà bình thường không bao giờ nói trực tiếp với người khác.
Bên cạnh đó, chức năng của mạng xã hội ưu tiên các nội dung ngắn gọn, có tính chất kịp thời, nhanh chóng. Nơi đây thường không thích hợp để đăng tải các thông tin quá chuyên sâu về một vấn đề nào đó.
Chính vì các chức năng này nên người dùng cũng thường có xu hướng hành động ít cần cân nhắc hơn, ví dụ như nhấn nút “thích” đối với các bài đăng gây sốc bởi thao tác này quá đơn giản.
Hãy tìm hiểu thay vì phớt lờ
Thay vì phớt lờ Facebook, cách tốt nhất mà phụ huynh và giáo viên cần làm là kịp thời cập nhật những gì đang diễn ra trên mạng xã hội, từ đó biết khi nào sự việc tiêu cực bắt đầu lan rộng và có biện pháp ứng phó để giảm thiểu hậu quả.
Theo tôi, các bậc phụ huynh nên có Facebook cá nhân và có thể truy cập vào tài khoản Facebook của con mình khi các bé còn ở độ tuổi quá nhỏ. Điều này giúp bạn hiểu rõ bọn trẻ đang làm gì và có biện pháp uốn nắn thích hợp khi trẻ có những hành vi không đúng.
Ngoài ra, khi tình cờ thấy các bài đăng hoặc bình luận có nội dung không phù hợp, bạn hoàn toàn có thể báo cáo với Facebook để yêu cầu gỡ bài. Tuy nhiên, tôi nghĩ hiện nay cả người trẻ lẫn người trưởng thành đều không có xu hướng dùng chức năng này.
Bên cạnh đó, người dùng cũng nên cân nhắc chỉnh sửa chế độ bảo mật trên Facebook cá nhân. Đây là yếu tố rất quan trọng khi tương tác trên môi trường trực tuyến. Hiện nay, không chỉ người trẻ mà cả trẻ em ở độ tuổi còn rất nhỏ cũng đã có Facebook cá nhân.
Về lý thuyết, trẻ phải từ 13 tuổi trở lên mới được đăng ký tài khoản. Tuy nhiên, thực tế là phần lớn các bé khoảng 10 tuổi đã có Facebook. Theo kinh nghiệm của tôi, nếu cha mẹ càng cấm đoán, bọn trẻ sẽ càng tìm cách lén sử dụng Facebook.
Vì vậy, hãy nhẹ nhàng tiếp cận để có thể truy cập vào tài khoản của trẻ và biết rõ con mình đang làm gì trên mạng. Theo một nghiên cứu tại Mỹ, khoảng 70% thanh thiếu niên kết bạn với cha mẹ mình trên Facebook.
Thông thường, cha mẹ thường cảm thấy ngại vì không biết cách sử dụng Facebook, từ đó không thể kết nối được với con mình. Cách tốt nhất trong trường hợp này là cùng ngồi lại với bọn trẻ để học cách dùng.
Nhìn chung, mạng xã hội có nhiều tính năng tích cực dành cho người trẻ như giúp họ kết nối với bạn bè, tìm kiếm thông tin và giải trí.
Tuy nhiên, người dùng ở độ tuổi thanh thiếu niên cần phải hiểu rõ khái niệm bảo mật thông tin và biết đánh giá những nội dung nên hoặc không nên đăng tải trên trang cá nhân của mình để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Cô Lena Bucatariu (người Romania, giảng viên Trường quốc tế ERC ở TP.HCM): Trao bản đồ, thay vì chỉ đường Sinh sống ở Việt Nam chín năm nay, tôi quan sát thấy một thực tế rằng nhiều phụ huynh Việt Nam quản lý con cái khá chặt, thường áp đặt suy nghĩ cho con cái và quyết định thay chúng. Tôi lớn lên ở Romania. Khi còn bé, cha mẹ tôi không bao giờ nói: “Không được làm điều này” mà thay vào đó họ bảo: “Nếu con làm vậy, có thể bạn bè con sẽ buồn lắm, sức khỏe của con sẽ bị tổn hại, thầy cô sẽ mắng con, hoặc bà sẽ không cho con kẹo”. Do đó, tôi nghĩ không nên giáo dục con cái bằng cách bảo chúng những gì không làm và không nên làm. Thay vào đó, cần phải dạy cho chúng cách nghĩ về bản thân, khuyến khích chúng nghĩ về bản thân, và giúp chúng hình thành thói quen tự nhận biết những gì tốt và không tốt cho bản thân chúng. Ví dụ, nếu con bạn muốn chạy xe từ quận 5 sang quận 7, thay vì cầm tay chỉ dẫn từng bước thì hãy đưa cho chúng tấm bản đồ và hướng dẫn chúng cách sử dụng. Tôi có một học sinh đã 20 tuổi rồi nhưng hằng ngày vẫn được cha mẹ đưa đón đi học khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Nếu bạn ôm chặt con bạn trong tay quá, khi bạn mở ra chúng sẽ chạy đi và không ai biết là chúng sẽ làm gì sau khi chạy đi. Do vậy, hãy bỏ vòng tay của bạn ra, cho chúng thấy những gì xung quanh chúng. Hãy cho chúng sự tự do nhưng là sự tự do có giới hạn, cho chúng lời khuyên làm sao sử dụng tự do này một cách đúng đắn. Nhiều phụ huynh không tin tưởng con cái và do đó con cái cũng không tin tưởng họ. Theo tôi, nếu bạn trao cho con bản đồ chỉ đường, sau này bạn sẽ không phải lo lắng nhiều. Bởi khi cha mẹ đưa con bản đồ nghĩa là bạn đã trao niềm tin của mình cho con cái. Khi bạn đủ tin tưởng con cái, con cái bạn sẽ hiểu được giới hạn của chúng ở đâu… Với Facebook cũng vậy, muốn ngăn con cái bạn làm những điều dại dột trên Facebook, đừng nên cấm chúng mà hãy hướng dẫn chúng cách sử dụng một cách thông minh, hoặc tìm cách theo dõi chúng sử dụng Facebook để có sự can thiệp và uốn nắn kịp thời. |
Nhiều bạn trẻ đã sử dụng mạng xã hội rất có ý nghĩa bằng cách thông qua đây để liên kết, quyên góp giúp đỡ cộng đồng. Đó là nhóm bạn Tuổi Trẻ Quảng Nam (Quảng Nam) với những chuyến đi khám bệnh từ thiện cho người dân vùng sâu vùng xa, những đợt vận động “heo đất yêu thương” giúp trẻ em nghèo ăn tết… Đó là nhóm Tim Hồng (TP.HCM) với những đợt vận động quà tặng, bánh trung thu cho con em đồng bào thiểu số; những đợt phát khăn ấm, thức ăn cho trẻ đường phố, người vô gia cư, người khuyết tật mùa Giáng sinh… Trong ảnh là các bạn trẻ thuộc nhóm Tuổi Trẻ Quảng Nam đang khám chữa bệnh miễn phí cho người dân ở Nam Trà My, Quảng Nam. |