Việt Nam học được gì từ Nobel kinh tế năm nay?
Các lý thuyết của Oliver Hart – Giải Nobel kinh tế năm nay cho phép chúng ta xây dựng được các mô hình chuẩn cho việc phân tích tầm quan trọng của vấn đề sở hữu, quyền tài sản, quyền kiểm soát và kể cả tác quyền.
Việt Nam học được gì từ Nobel kinh tế năm nay?
Các lý thuyết của Oliver Hart – Giải Nobel kinh tế năm nay cho phép chúng ta xây dựng được các mô hình chuẩn cho việc phân tích tầm quan trọng của vấn đề sở hữu, quyền tài sản, quyền kiểm soát và kể cả tác quyền.
GS Bengt Holmström, 67 tuổi, sinh trưởng ở Helsinki (Phần Lan). Ông lấy bằng tiến sĩ ở ĐH Stanford năm 1978. Ông là thành viên của nhiều ban lãnh đạo các viện khoa học và từng là thành viên ban lãnh đạo Tập đoàn Nokia (ảnh trái) và Giáo sư Oliver Hart, 68 tuổi, sinh trưởng ở London (Anh), đến giảng dạy ở ĐH Harvard từ năm 1993. Ông từng là chủ tịch của Hiệp hội Kinh tế & luật Mỹ và là phó chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Mỹ – Ảnh: REUTERS |
Giải Nobel kinh tế năm nay được trao cho hai nhà kinh tế đến từ Massachusetts – cái nôi của nền giáo dục Hoa Kỳ: GS Oliver Hart của Trường ĐH Harvard và GS Bengt Holmström của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) – vì những đóng góp của họ liên quan đến lý thuyết hợp đồng (contract theory).
Các nguyên lý và ý nghĩa của lý thuyết hợp đồng thậm chí còn vượt xa các hiểu biết thông thường của chúng ta.
Trong kinh tế, lý thuyết hợp đồng nghiên cứu cách thức mà ở đó các bên có liên quan trong hợp đồng tìm cách thoả thuận và dàn xếp các điều khoản hợp đồng nhằm ràng buộc các quyền lợi và trách nhiệm của nhau trong điều kiện xảy ra bất cân xứng thông tin giữa các bên. Kenneth Arrow – giáo sư ĐH Stanford, Nobel kinh tế 1972 – được xem là người đã đặt các nền tảng đầu tiên cho lý thuyết này vào thập niên 1960.
Ứng dụng to lớn
Tại sao lý thuyết này là quan trọng? Có quá nhiều ý nghĩa mà lý thuyết này mang lại không chỉ cho sự hiểu biết của chúng ta, mà còn là các ứng dụng to lớn trong quản trị kinh doanh, quản lý kinh tế và cả quản trị nhà nước.
Chẳng hạn như trong quản lý kinh tế, lý thuyết hợp đồng gợi ý các nguyên tắc cho việc thiết kế Luật phá sản sao cho mang lại hiệu quả. Trong quản trị nhà nước, các nguyên tắc của lý thuyết hợp đồng sẽ gợi ý các mô hình tổ chức tập trung hay phân cấp sẽ mang lại hiệu quả hơn.
Tương tự, trong vấn đề cung cấp dịch vụ công, câu hỏi là nhà nước có nên luôn luôn là người cung cấp hay có thể tư nhân hoá? Lý thuyết hợp đồng đưa ra nhiều hàm ý cho câu trả lời về vấn đề này. Đối với việc cung cấp dịch vụ công, nhà nước vừa muốn dịch vụ được cung cấp có chất lượng nhưng cũng đặt mục tiêu chi phí thấp.
Nếu có thể thiết kế được một hợp đồng giúp đạt được cả hai mục tiêu này thì đương nhiên nhà nước không cần phải trực tiếp cung cấp dịch vụ công làm gì, mà có thể thuê tư nhân cung cấp thông qua các hợp đồng. Ngược lại, nếu không thể đánh giá được các kết quả thông qua hợp đồng, nhà nước có cơ sở để sở hữu các nhà cung cấp.
Tuy nhiên, vấn đề là sở hữu nhà nước thường không tạo ra động cơ đủ mạnh, hay nói đúng hơn là động cơ khuyến khích yếu cho việc cải thiện chất lượng và giảm chi phí. Vậy tư nhân hoá có tốt hơn không? Câu trả lời tùy thuộc vào việc liệu giảm chi phí có làm giảm chất lượng không. Cạnh tranh giữa các nhà cung cấp khác nhau sẽ giúp xác định được điểm tối ưu thoả mãn cả hai mục tiêu đó. Mấu chốt của hợp đồng chính là đảm bảo duy trì được tính cạnh tranh đó.
Một ý nghĩa khác của lý thuyết hợp đồng được ứng dụng trong quản trị kinh doanh, chẳng hạn như các nhà quản trị (CEO) phải thiết lập các quan hệ hợp đồng với nhiều bên liên quan như người lao động, nhà cung cấp, khách hàng.
Ngay cả bản thân CEO cũng phải thiết lập một hợp đồng điều hành doanh nghiệp với các cổ đông công ty. Câu hỏi là làm cách nào để có thể thiết kế được một hợp đồng trả lương cho các CEO, để các CEO này hành xử dựa trên lợi ích của cổ đông thay vì lợi ích cá nhân trong điều kiện bất cân xứng thông tin làm nảy sinh vấn đề uỷ quyền – thừa hành?
Lý thuyết hợp đồng của Bengt Holmström đưa ra một số nguyên tắc để giải quyết tình huống này, chẳng hạn (i) nguyên tắc đa thông tin như không trả lương cho CEO chỉ đơn giản dựa trên sự may mắn, (ii) nguyên tắc đa nhiệm là cần phải cân bằng giữa các khuyến khích phù hợp giữa lợi ích ngắn hạn với dài hạn và (iii) nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, tức là nên có cơ chế khuyến khích trả lương nhiều hơn cho những CEO ở cuối nhiệm kỳ của họ.
Các nguyên tắc này không chỉ có ý nghĩa đối với cổ đông tư nhân mà còn đối với cổ đông nhà nước như ở Việt Nam.
Yếu kém của các DNNN ở Việt Nam có một phần nguyên nhân quan trọng là “cổ đông” nhà nước đã không thiết kế được một cơ chế khuyến khích phù hợp đối với các nhà quản lý doanh nghiệp. Nói khác đi, các nguyên tắc của lý thuyết hợp đồng mà Bengt Holmström chỉ ra là hoàn toàn xa lạ đối với các DNNN ở Việt Nam.
Cơ sở xây dựng các mô hình chuẩn
Bên cạnh lý thuyết hợp đồng của Bengt Holmström, lý thuyết hợp đồng không hoàn chỉnh (incomplete contracts) của Oliver Hart cũng mang lại nhiều giá trị không kém. Rõ ràng khi ký kết hợp đồng, không phải bao giờ các bên liên quan cũng có thể lường trước hết được các vấn đề nảy sinh.
Trong bối cảnh đó, lý thuyết hợp đồng không hoàn chỉnh nhấn mạnh vai trò của quyền quyết định, tức là ai quyết định điều gì phải làm khi tình huống nảy sinh không được mô tả chính xác trong hợp đồng.
Lý thuyết của Oliver Hart đề ra nguyên tắc quan trọng trong việc xác lập quyền quyết định của các bên trong hợp đồng, theo đó bên giữ quyền quyết định lớn hơn phải là bên nắm giữ tỉ phần giá trị nhiều hơn trong hợp đồng.
Nói chung, các lý thuyết của Oliver Hart cho phép chúng ta xây dựng được các mô hình chuẩn cho việc phân tích tầm quan trọng của vấn đề sở hữu, quyền tài sản, quyền kiểm soát và kể cả tác quyền.
Nói tóm lại, như đại diện Viện hàn lâm Khoa học hoàng gia Thuỵ Điển nhận xét, lý thuyết hợp đồng đã có ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài trên nhiều lĩnh vực liên quan đến kinh tế và khoa học xã hội, từ phương diện quản trị doanh nghiệp đến thể chế, luật pháp và chính trị. Chúng ta biết ơn Bengt Holmström và Oliver Hart vì đã giúp chúng ta có thêm hiểu biết về những nguyên tắc vận hành của những hợp đồng trong thực tiễn từ đơn giản đến phức tạp, cả trong lĩnh vực tư nhân lẫn trong khu vực công.
Hợp đồng không phải là cái tên xa lạ đối với mỗi chúng ta, khi nó xuất hiện ở hầu khắp các lĩnh vực mà chúng ta có thể dễ dàng nhận biết, chẳng hạn từ hợp đồng kinh doanh, hợp đồng lao động, hợp đồng cho thuê, hợp đồng vay vốn… đến các dạng khó nhận biết hơn như quyền tài sản, giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và kể cả bản Hiến pháp. |
Từ thực tiễn của Việt Nam, giờ đây các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam có thêm được các công cụ để vận dụng và phân tích các nguyên lý phân bổ quyền kiểm soát nguồn lực kinh tế và quyền lực chính trị như thế nào, cách phân chia quyền tài sản, chẳng hạn như quyền sử dụng đất ra sao, thiết lập quyền quyết định của các bên liên quan thông qua các hợp đồng cung cấp dịch vụ công, quản lý DNNN và xã hội hoá các tài nguyên chung… Tất cả những vấn đề này đều mang tính thời sự ở Việt Nam. Không phải đến bây giờ lý thuyết hợp đồng mới được phát kiến, nhưng đã đến lúc chúng ta – đặc biệt là các nhà quản lý kinh tế Việt Nam – cần phải đọc Bengt Holmström và Oliver Hart. |