MC Phan Anh: Người Việt không được khuyến khích sống với đam mê
“Tôi nghĩ rằng nhiều người Việt không được khuyến khích sống với đam mê của mình. Dường như môi trường sống của chúng ta đã tạo ra những con người giống nhau, sự khác biệt không được ủng hộ” – MC Phan Anh nói.
MC Phan Anh: Người Việt không được khuyến khích sống với đam mê
”Tôi nghĩ rằng nhiều người Việt không được khuyến khích sống với đam mê của mình. Dường như môi trường sống của chúng ta đã tạo ra những con người giống nhau, sự khác biệt không được ủng hộ” – MC Phan Anh nói.
MC Phan Anh – Ảnh: FBNV |
Phan Anh là MC nổi tiếng, nhưng gần đây việc xuất hiện với tư cách MC của Phan Anh dường như đã nhường chỗ cho hình ảnh một Phan Anh khác với những chia sẻ về các vấn đề môi trường và xã hội.
Tuổi Trẻ đối thoại với Phan Anh giữa những chuyến đi mà Phan Anh cho là “tìm cách làm mới” mình, trên tinh thần chia sẻ. Anh không ngại nói và nói đầy bình tĩnh.
MC không phải là đam mê
* Nhiều người đang quan tâm clip Phan Anh kêu gọi bảo vệ môi trường. Ý tưởng clip đó là của ai?
– Đó là một nhóm các bạn trẻ chủ động liên hệ với tôi. Với họ, đây là một trong những dự án mang tính khởi nghiệp, họ rất nhiệt tình, cứ gửi ý tưởng đến, tôi thấy thích, thấy họ tâm huyết, có lý tưởng, có ước mơ.
Tôi đồng cảm với những hoài bão đó, trân trọng họ mà nhận lời, bắt tay vào chỉnh sửa khá nhiều câu chữ.
Tuy là một clip quảng bá, nhưng tôi gửi gắm được những gì tôi muốn nói về môi trường. Môi trường phải hiểu rộng hơn đâu chỉ có thực phẩm bẩn, mà còn bao gồm bao nhiêu thứ khác như văn hóa, chính trị, xã hội.
Chúng ta không vô can trong vấn đề này, chúng ta không thể ngồi im, chúng ta phải lên tiếng, chúng ta phải cùng hành động.
* Phan Anh đã từng nói không muốn làm MC nữa vì phải nói theo ý người khác dù đôi khi cũng là việc nói đôi câu mà được rất nhiều tiền. Câu hỏi là cái gì đưa Phan Anh đến nghề này, ngoài tiền ra là gì và nếu rời bỏ nó thì ngoài tiền ra sẽ là gì?
– MC là một cái duyên, một sự may mắn, nghề chọn mình và trong suốt thời gian đó tôi đã nhận được thành công nhất định. Nhưng đây không phải là đam mê nên đôi khi tôi không tìm được niềm vui trong công việc.
Nổi tiếng không phải là mục đích sống của tôi. Thời gian này tôi đang dừng lại, nhắm mắt để cảm nhận thật sâu con người mình.
Tôi nghĩ rằng nhiều người Việt không được khuyến khích sống với đam mê của mình. Dường như môi trường sống của chúng ta đã tạo ra những con người giống nhau, sự khác biệt không được ủng hộ
“Chúng ta phải lên tiếng, chúng ta phải cùng hành động” – MC Phan Anh |
MC Phan Anh – Ảnh: T.T.D. |
Nếu hỏi tôi ước mơ của tôi là gì, tôi không trả lời được. Và tôi nghĩ đó là một bất hạnh, tôi cảm thấy đau lòng.
Những giấc mơ thời thơ bé giống như những hạt mầm mà thời gian giống lớp bụi cát đã phủ dày lên, những giấc mơ chìm sâu xuống, giờ tưởng như có điều kiện để thực hiện thì mình cứ cố bới, cứ cố tìm mà không thấy.
Tôi luôn ngưỡng mộ những người đã nuôi, đã tìm, đã dưỡng được đam mê như chính việc tìm được ý nghĩa của cuộc sống để cháy hết mình với nó.
* Vậy nghĩa là bây giờ, Phan Anh vẫn cảm giác mắc nợ những giấc mơ cũ?
– Tôi suy nghĩ tích cực hơn như thế. Tôi vẫn thấy yêu và hài lòng với những gì đang có. Tôi chưa thấy đam mê thì tôi cho mình cách tận hưởng hạnh phúc trong việc lựa chọn làm những gì mình muốn.
Như việc có thể ngồi đây với chị 3 tiếng mà không sợ mất một công việc gì khác có thể nhiều tiền, không ngại chạy từ Bến Tre về đầy vất vả rồi sáng mai 5g sáng quay lại.
Như việc cho mình thực hiện trách nhiệm đừng im lặng, nói lên những điều mình quan tâm mà chẳng sợ mình sẽ bị làm sao như nhiều người lo lắng.
Tôi thấy mình cần phải lên tiếng
* Phan Anh đã thấy sự trả giá nào cho việc “nói và làm những gì mình muốn” chưa?
– Chưa, chắc là chưa. Cũng đã có một chương trình truyền hình họ đã làm việc với tôi xong, nhưng sau đó lại đưa ra những lý do “trớt quớt” để từ chối rằng lãnh đạo đài bảo giọng miền Bắc không hợp với người miền Tây.
Tôi có trêu lại “sao đường lối thế?”, nhưng cũng không bận lòng. Thực tế, tôi vẫn lên sóng cả trực tiếp lẫn ghi hình trên đài quốc gia.
Để ý thì thấy tôi đề cập đủ thứ từ đúng quy trình, lỗi đánh máy, việc ô nhiễm biển, việc phán quyết Biển Đông… Có sao đâu? Nhiều người hay thần hồn nát thần tính và lo sợ mơ hồ.
Tôi không lo kiểu trả giá rằng mình không được lên sóng nữa. Không có nghề này thì mình còn nghề khác. Không có nghề khác thì còn có gia đình. Nên việc mình thấy đúng mình cứ làm thôi.
Nói có vẻ sách vở nhưng càng ngày tôi càng nghĩ về trách nhiệm của mình với xã hội với cộng đồng, đặc biệt khi nghĩ về con cái.
Nếu mình không làm, mình thờ ơ, mình nghĩ mình vô can, mình im lặng thì không ai hết, chính con mình, chính bạn bè của chúng, chính thế hệ tương lai sẽ lãnh đủ hậu quả.
* Tôi nhận ra dù Phan Anh rất bận nhưng bạn lại rất tận tình trong việc giao tiếp trên Facebook cá nhân. Tại sao vậy?
– Facebook là một kênh kết nối cộng đồng cởi mở. Trước đây, tôi chủ yếu chỉ đăng những câu chuyện vui hay sự lạc quan với ý muốn những năng lượng tích cực ít nhiều cũng truyền được đến bạn bè, nên bình luận qua lại cho vui.
Nhưng sau này tôi thấy mình cần lên tiếng về một số vấn đề thiết thực của xã hội và nó đôi lúc gây ra phản ứng trái chiều. Tôi đưa ra quan điểm, nhận được sự phản biện thì tôi phải có nghĩa vụ tranh luận.
Tất nhiên, tôi cũng luôn cân nhắc cái gì đáng tranh luận, cái gì không đáng vì không thể đủ thời gian cho tất cả. Có thể có những phản biện gay gắt, nhưng nếu được viết một cách có văn hoá thì tôi sẽ trả lời bởi tôi nghĩ xã hội chỉ tiến bộ và thay đổi khi có sự phản biện qua lại từ mọi phía.
“Nếu mình không làm, mình thờ ơ, mình nghĩ mình vô can, mình im lặng thì không ai hết, chính con mình, chính bạn bè của chúng, chính thế hệ tương lai sẽ lãnh đủ hậu quả” - Ảnh: FBNV |
* Phan Anh nói bạn là người nóng tính, vậy cách nào để giữ bình tĩnh trên mạng xã hội khi mà ở đó dường như người “điên” nhiều hơn người tỉnh?
– Tôi chọn cách ứng xử là luôn dừng lại một chút trước khi bấm nút đăng. Có lúc tôi để chế độ một mình, có lúc tôi xoá đi những gì mình định nói.
Dừng lại một nhịp, một nhịp ấy có thể là hai ba tiếng đồng hồ hoặc 1, 2 ngày để quan điểm, ý tứ của cá nhân được định hình rõ ràng, kiểm tra lại các nguồn tin cho khách quan.
Tôi không đuổi theo việc trở thành một hot Facebooker bằng cách cố gắng cập nhật nhanh các sự kiện xảy ra hằng ngày trong cuộc sống. Tôi chỉ lên tiếng với những gì mình thực sự bức xúc hoặc có cảm xúc.
Làm cái gì mình thích
* Một quan điểm khác của Phan Anh mà tôi chú ý, rằng bạn nói từ nay sẽ hạn chế nhận các chương trình giải trí và ít từ chối với chương trình vì môi trường. Tại sao?
– Vì tôi cho phép mình làm cái gì mình thích. Ví dụ như trước đây chương trình Thần tượng âm nhạc tôi rất thích vì luôn được tạo mọi điều kiện để chủ động kịch bản. Nhưng khi thấy công việc này đang cũ dần đi, êkip cũng không còn những sáng tạo mới mẻ thì tôi dừng lại. Đây sẽ là năm cuối cùng tôi nhận lời dẫn.
Tôi không muốn lãng phí như những lãng phí đầy rẫy mà tôi nhận ra xung quanh. Sự lãng phí tuổi trẻ của nhiều bạn bè, lãng phí tài nguyên, lãng phí thời gian, lãng phí tiền bạc…
Những sự lãng phí phổ biến và kinh khủng đang diễn ra ở nước ta, tôi thấy nó còn ghê hơn cả tham nhũng. Nhưng ít người để ý.
MC Phan Anh và con gái tham gia Bố ơi mình đi đâu thế – Ảnh: VTV3 |
* Và khi lên mạng xã hội, làm cách nào để sống với các quan điểm khác nhau, hay đơn giản hơn thuyết phục vợ con mình cách nào để họ đồng quan điểm với mình nhỉ?
– Chị biết không, sống chấp nhận những quan điểm khác nhau chính là điều tôi sẽ dạy cho con mình. Các con tôi sẽ phải luôn vui vẻ chấp nhận và tôn trọng mọi sự khác biệt.
Biết chấp nhận sự khác biệt sẽ bớt định kiến, khách quan hơn và cảm xúc của chính chúng ta cũng tích cực hơn.
Một điều đơn giản nhé: tôi trước đây luôn nghĩ rằng trẻ con phải chào người lớn, nếu không làm thế thậm chí tôi nghĩ đó là những đứa trẻ thiếu văn hoá.
Nhưng sau đó tôi nhận ra bọn trẻ con vẫn có thể là những đứa trẻ ngoan dù chúng có thể chưa chào. Mình định kiến quá thì khó sống.
* Phan Anh có tự tin bảo vệ được gia đình mình khi bạn là người nổi tiếng không? Vì đã có một người nổi tiếng nói rằng bi kịch của họ sẽ luôn bị mổ xẻ tàn nhẫn bởi đám đông nhân danh dư luận và vì thế những hàn gắn cũng khó khăn hơn?
– Gần 10 năm hôn nhân, tôi chưa bao giờ chủ động chia sẻ với truyền thông về gia đình mình. Chỉ đến khi “Bố ơi mình đi đâu thế?”, tôi quyết định mở toang cánh cửa của mình, tôi có thể khóc, có thể giận dữ, quát tháo…
Tôi không muốn con thấy mình phải khác ở nhà, đó là tôi đời thường nhất. Và trong sự chân thành đó, chương trình muốn có sự xuất hiện của vợ tôi, khi tôi hỏi, cô ấy đồng ý xuất hiện.
Tất nhiên ngay lập tức hệ luỵ cũng đã có, dù chỉ là những phiền nhiễu xôn xao. Nhưng vợ tôi đã phải đóng Facebook, đặt chế độ riêng tư. Rồi cô ấy quen dần, chúng tôi xuất hiện thường xuyên hơn trên mặt báo.
Song đó không phải là điều chúng tôi cùng thích, thế nên cả nhà sẽ hạn chế dần. Để cuộc sống của chúng tôi là của chúng tôi chứ không phải mệt mỏi về những mổ xẻ nếu chẳng may xảy ra.
10 câu hỏi ngắn * Lý do gì sẽ lôi được Phan Anh dậy sớm mỗi ngày? – Đêm qua vợ giận, nên dậy sớm đưa con đi học làm lành. * Facebook hiện tại có phải là việc chiếm nhiều thời gian nhất của Phan Anh? – Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ. * Làm MC là nghề chọn hay mình chọn? – Nói nghề chọn mình chỉ là cách trân trọng sự may mắn mà thôi! * Thời điểm khó khăn nhất với Phan Anh, là gì? – Lúc bố mất. * Nguyên tắc nào để bảo vệ gia đình khi mình là người nổi tiếng? – Càng kín tiếng càng tốt. * Theo Phan Anh, rác văn hóa và rác môi trường, cái gì đáng sợ hơn? – Sợ nhất là nước bẩn. * Sau chương trình “60 phút mở”, bài học (nếu có) cho mình là gì? – Khi gặp chỉ trích hãy mỉm cười! Khi gặp thuận lợi hãy mỉm cười! Khi bị đặt điều hãy mỉm cười! Khi được công nhận hãy mỉm cười! Người tốt với ta hãy mỉm cười! Người xấu với ta cũng mỉm cười! Sự chân thành tử tế là điều không cần phải cảm nhận bằng lý lẽ! * Những ưu tiên lớn nhất cho trẻ con ở nhà, xếp lần lượt là gì? – Sống sạch. * Điều gì khó chịu nhất với Phan Anh khi đọc báo mỗi sáng? – Những tít bài gây sốc rẻ mạt. * Động cơ chấp nhận trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ lần này, sau khi đã chọn cách im lặng từ sự cố “60 phút mở” đến nay, là gì? – Trân trọng những gì mà Tuổi Trẻ đã làm được. |