Cùng Tuổi Trẻ lấp đầy “hố trách nhiệm”
Đối với anh Vương Văn Mạnh (huyện Bảo Thắng, Lào Cai), những “ổ trâu, ổ gà” trên quốc lộ 70 không chỉ là “bẫy” nguy hiểm đối với người đi đường mà còn là “hố trách nhiệm” của ngành cầu đường cần được lấp đầy.
Cùng Tuổi Trẻ lấp đầy “hố trách nhiệm”
Đối với anh Vương Văn Mạnh (huyện Bảo Thắng, Lào Cai), những “ổ trâu, ổ gà” trên quốc lộ 70 không chỉ là “bẫy” nguy hiểm đối với người đi đường mà còn là “hố trách nhiệm” của ngành cầu đường cần được lấp đầy.
|
Anh Vương Văn Mạnh – Ảnh: THÂN HOÀNG |
Anh Mạnh là một trong năm bạn đọc báo tin nóng đã được Tuổi Trẻ trân trọng trao giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” tháng 7-2016.
Bốn bạn đọc còn lại đã báo các tin: “Mắc bệnh bạch hầu, 3 người chết” ở Bình Phước (TTO ngày 12-7), “Đánh bạc ở nhà phó công an xã” (Tuổi Trẻ ngày 14-7), “Trung tá Campuchia bắn chết người” (TTO ngày 17-7) và “Sập bè tại vịnh Vĩnh Hi, hàng trăm khách rơi xuống biển (TTO ngày 23-7).
Việc nhỏ không lên tiếng, dân còn khổ lâu
Anh Vương Văn Mạnh kể sau khi anh đăng hình ảnh người dân tự mang ximăng, sỏi cát ra lấp “ổ trâu” trên đường lên mạng xã hội với mục đích “tuyên truyền hành động sống đẹp”, thì cả một đoàn của cơ quan chức năng tìm đến nhà người dân sửa đường để truy xem động cơ gì và doạ “công an sẽ đến nhà xử lý”.
Rất bức xúc trước chuyện này nên khi báo Tuổi Trẻ gọi cho anh, do đọc báo thường xuyên và thấy Tuổi Trẻ luôn đi đến cùng sự việc, anh đã thông tin về vụ việc.
Theo anh Mạnh, “ổ trâu” được người dân lấp lại rộng hơn 1m, nằm trên quốc lộ 70 đoạn đi qua huyện Bảo Thắng và là nỗi ám ảnh đối với người đi đường từ hơn hai năm nay vì đã có nhiều tai nạn đau thương xảy ra do người dân bị lao xe xuống hố.
“Từ thông tin phản ánh của Tuổi Trẻ, Cục Quản lý đường bộ 1 đã yêu cầu thanh tra viên phải đến nhà xin lỗi người dân sau khi có hành động không đúng mực. Không chỉ vụ việc trên được giải quyết mà một số ổ gà, ổ trâu tồn tại trên quốc lộ 70 cũng được ngành cầu đường cho người đi lấp ngay sau đó. Nỗi ám ảnh của người dân ở đây đã được xoá, chúng tôi không phải chứng kiến những tai nạn đau thương nữa. Hiệu quả từ bài báo là giải thưởng lớn nhất dành cho tôi”, anh Mạnh bày tỏ.
Anh Mạnh cho biết thêm sau vụ việc này, người dân ở nhiều nơi thấy ở đâu có “ổ gà” trên đường, ở đâu có tiêu cực là liên hệ với anh qua Facebook để “nhờ anh lên tiếng”. “Có thể là những việc rất nhỏ nhưng nếu không lên tiếng thì người dân sẽ còn khổ rất lâu.
Với những kết quả trước mắt, tôi nghĩ là mình cùng với Tuổi Trẻ đã góp phần lấp đầy dần những “hố trách nhiệm” của ngành cầu đường” – anh Mạnh chia sẻ.
Ông Võ Thành Hiệp – Ảnh TR.TÂN |
Để không còn tai nạn sập bè…
“Tôi đang làm công trình gần đó thì thấy nhà hàng bè nổi chìm, hàng trăm người chới với ngoài biển, tôi liền gọi cho Tuổi Trẻ” – ông Võ Thành Hiệp (Ninh Thuận) nhớ lại sự kiện sập bè nổi ở vịnh Vĩnh Hi (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) ngày 23-7.
Ông Hiệp kể hôm đó nhiều canô, tàu cá được huy động để cứu người và công ty của ông Hiệp cũng cử một chiếc thuyền ra ứng cứu. Ông là một trong những người đầu tiên ra cứu hộ và sớm ghi nhận những hình ảnh vụ việc.
“Lúc đó vẫn còn rất nhiều người chới với trong biển nước. Tôi đi trên canô rung lắc kinh khủng, hơn nữa lại đang làm công tác cứu người nên không thể dừng tay chụp ảnh, quay phim được nhiều. Tuy nhiên lúc đó nếu tôi không chụp, không quay thì khoảnh khắc sẽ qua đi trong khi tôi muốn Tuổi Trẻ có hình ảnh sống động ở hiện trường để chuyển tải đến bạn đọc” – ông Hiệp cho biết.
Nói về lý do gọi cho Tuổi Trẻ, ông Hiệp cho biết muốn công luận phản ánh về một hình thức kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là chưa có quy chuẩn kỹ thuật nào trong thiết kế nhà bè.
Ông bày tỏ: “Tôi đi Thái Lan thấy người ta làm nhà bè sàn rộng khoảng 500m2, bên dưới toàn khung sắt chịu lực và sử dụng thùng phuy để làm bè nổi rất an toàn. Còn bè nổi ở Ninh Thuận thiếu an toàn nhưng lại kinh doanh với lượng khách lớn hơn nhiều so với khả năng chịu lực của nhà bè. Tôi muốn Tuổi Trẻ lên tiếng về tình trạng này để không còn các tai nạn tương tự có thể xảy ra”.
Cùng mong muốn báo chí phản ánh những điều chưa đúng, bạn đọc Đ.T.M. (Đồng Nai) đã báo tin cho Tuổi Trẻ về chuyện nhà một phó Công an xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) chứa sòng bạc, bị công an bắt.
Ngay sau đó, câu chuyện này được đăng tải trên Tuổi Trẻ và Công an huyện Vĩnh Cửu cũng xác nhận đang yêu cầu vị phó công an xã tường trình vụ việc.
“Có những điều dân tâm tư, bức xúc những chuyện tiêu cực ngay nơi mình sống mà không dám phản ảnh. Khi nghe, tìm hiểu rõ ràng sự việc mà dân than vãn thì tôi gọi đến báo Tuổi Trẻ để mong báo lên tiếng góp phần chấn chỉnh hiện tượng tiêu cực, làm cho xã hội càng tốt hơn”, anh M. bày tỏ.
Giữ lại nét văn hóa xưa Giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” tháng 7 cũng trao đến thầy giáo Trần Văn Tám (Trường tiểu học Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM), tác giả bài viết “Quen với người chết hay sao mà cúi đầu chào tiễn họ” (Tuổi Trẻ ngày 2-7). Bài viết này thu hút hơn 700 lượt bình luận từ bạn đọc, qua đó Tuổi Trẻđã triển khai thêm bốn bài viết khác về văn hóa ứng xử của người xưa, đưa những câu chuyện đối nhân xử thế vào trường học và vào đời sống như thế nào… Nói về bài viết này, thầy Tám cho hay: “Sáng uống cà phê, giở báo ra xem thấy vui vui nhưng khi mở mạng thì giật mình vì có nhiều bạn đọc bình luận, có cả ý kiến của các thầy cô, các chuyên viên xã hội học… Tôi hiểu rằng mình đã đề cập đến một nét văn hóa xưa vẫn cần trong thời đại ngày nay như thấy đám tang thì ngả mũ cúi đầu, nghe quốc ca thì dừng mọi hoạt động và đứng trang nghiêm chào, thấy người bị nạn thì cứu… Tôi nghĩ nên đưa những cách ứng xử này vào trường học và người lớn thực hành thường xuyên trước con trẻ để làm gương cũng là một cách tốt góp phần tạo cuộc sống văn minh hơn, tình người hơn”. |