23/12/2024

Tuổi Trẻ phải đi cùng người yếu thế

LTS: Những đòi hỏi, kỳ vọng từ bạn đọc luôn là động lực của Tuổi Trẻ trong suốt chặng đường 41 năm hình thành và phát triển. Kỷ niệm ngày thành lập báo năm nay (2-9-2016), Tuổi Trẻ lại được đón nhận những yêu cầu, kỳ vọng mới.

 41 NĂM THÀNH LẬP BÁO TUỔI TRẺ

Tuổi Trẻ phải đi cùng người yếu thế

 

 LTS: Những đòi hỏi, kỳ vọng từ bạn đọc luôn là động lực của Tuổi Trẻ trong suốt chặng đường 41 năm hình thành và phát triển. Kỷ niệm ngày thành lập báo năm nay (2-9-2016), Tuổi Trẻ lại được đón nhận những yêu cầu, kỳ vọng mới.

 

 

 

 

Tuổi Trẻ phải đi cùng người yếu thế
Đạo diễn Hữu Luân – Ảnh: NVCC

Khoảng đầu năm 2016, ở nhiều tỉnh miền Tây và miền Trung, Tây nguyên hứng chịu thiên tai hạn mặn nặng nề.

Tôi tự hỏi: Mình ăn gạo miền Tây, ăn trái cây miền Tây, uống cà phê Tây nguyên, vậy mà giờ họ khó khăn như vậy, mình sao nỡ lòng ngồi yên. Đúng lúc ấy tôi nhận được tin nhắn của một khán giả ở miền Tây, hỏi tôi có thể làm gì để giúp họ không?

Tôi có thể làm gì? Suy nghĩ mãi, giữa trưa tôi gọi điện cho tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, đề nghị anh phối hợp với trung tâm tổ chức một chương trình biểu diễn nghệ thuật để kêu gọi sự quan tâm, đóng góp của mọi người giúp bà con vùng hạn mặn.

Ban đầu tôi mới chỉ hình dung sơ bộ sẽ làm một đêm diễn “Giọt nước nghĩa tình”. Nhưng khi bàn bạc với Tuổi Trẻ, nó trở thành chủ đề “Nước cho vùng hạn mặn”.

Một tuần sau đó, chỉ một tuần cho tất cả công đoạn, từ lên ý tưởng, xin phép, mời nghệ sĩ, tổ chức biểu diễn, đêm 8-4 chương trình “Kết nối yêu thương 3 – Nước cho vùng hạn mặn” đã diễn ra thành công ngoài mong đợi, đem về mười mấy tỉ đồng.

Sau này, một bạn đọc người miền Tây nói rằng: “Cái tên “Nước cho vùng hạn mặn” nghe như là giọt nước mát nhỏ xuống cánh đồng khô nứt nẻ của miền quê tôi”.

Thật sự quá cảm động. Tôi cảm ơn Tuổi Trẻ thật nhiều, vì đã đồng cảm và phát triển ý tưởng đó của tôi. Ý tưởng dù có hay hoặc thiết thực đến đâu, nhưng nếu chỉ một mình tôi, hay một mình giới nghệ sĩ thì không thể làm được.

Sau ba chương trình “Kết nối yêu thương”, tôi càng nhận ra rằng điều thành công nhất không phải là ở số tiền thu được sau chương trình, mà ở chỗ nó đã lay động được những điều tốt đẹp nhất trong mỗi con người, đó là lòng trắc ẩn. Nghệ sĩ đến diễn không lấy catsê, còn ủng hộ thêm tiền. Người đến xem không phải để giải trí, mà để chia sẻ.

Chương trình dự kiến chỉ hai tiếng đồng hồ, nhưng tới 2g sáng vẫn còn biểu diễn, vẫn còn khán giả. Tôi nghĩ việc làm của mình cùng Tuổi Trẻ hợp với lòng trời, lòng người nên mới được ủng hộ như vậy.

Tuổi Trẻ đang có được lòng tin yêu từ bạn đọc thì nên tiếp tục có những cú đột phá để xứng đáng với niềm tin yêu đó. Nhiều chương trình xã hội đã lay động lòng người, khiến con người tin rằng những điều tốt đẹp vẫn nổi trội trong bối cảnh xã hội tốt, xấu, thật, giả, vàng thau lẫn lộn.

Tôi mong rằng với cái đà ấy, Tuổi Trẻ sẽ có nhiều chương trình đột phá hơn, góp phần phát triển thành phố này.

Bây giờ là thời của hành động, không phải chỉ dừng ở bàn luận. Tôi cho rằng Tuổi Trẻ hoàn toàn có thể kết nối giữa người dân và các cấp chính quyền để giải quyết những vấn đề xã hội dân sinh. Chẳng hạn vấn đề chống ngập. Làm sao để kêu gọi được người dân, thanh niên ở mỗi địa phương tham gia khơi thông các kênh rạch, gìn giữ môi trường…

Tuổi Trẻ hãy làm, với tinh thần vốn có của mình: Máu lửa, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hi sinh.

Giữ nhiệt huyết chống tham nhũng

Tuổi Trẻ phải đi cùng người yếu thế
Ông Cù Tất Dũng – Ảnh: NVCC

Chính từ khả năng phát hiện vấn đề, phản ánh kịp thời, sinh động, hấp dẫn… các sự kiện, hiện tượng xảy ra trong xã hội mà báo Tuổi Trẻ có nhiều bạn đọc, nhiều công chúng yêu mến.

Ngoài việc tuyên truyền, phản ánh những thành tựu kinh tế – xã hội, nêu gương các điển hình, các nhân tố mới, báo Tuổi Trẻ còn tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí thông qua các bài viết, bài điều tra.

Những ảnh hưởng xã hội từ các bài báo của Tuổi Trẻ là rất quý. Hãy xứng đáng với cái tên “Tuổi Trẻ”, cùng với bầu nhiệt huyết không bao giờ cạn, trở thành tiếng nói của nhân dân, đứng về phía nhân dân, bảo vệ quyền lợi của nhân dân và giữ gìn uy tín, nâng cao vai trò của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, xây dựng đất nước.

CÙ TẤT DŨNG (Ban Nội chính Trung ương)

Tiếp tục dấn thân vì sự thật

Tuổi Trẻ phải đi cùng người yếu thế
Ông Trần Quốc Bảo – Ảnh: GIA TIẾN

Tôi nghĩ để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, cần phải tôn vinh những giá trị sống cao đẹp hơn, ở đó sự thật cần được tôn trọng.

Sự thật sẽ là công cụ đẽo gọt làm cho con người ngày càng trở nên hoàn thiện, đồng thời giúp những người yếu thế được bảo vệ và sống bình yên hơn.

Ngày nay, sự thật thường được che giấu có khi rất tinh vi bởi động cơ danh vọng, quyền lực, tiền tài. Do vậy, báo chí với mục tiêu muốn nâng cao dân trí, tăng cường nhận thức, lẽ phải, giúp đỡ những người yếu thế, tạo công bằng xã hội thì cần phải nỗ lực hơn nữa để hành động vì sự thật.

Tôi kỳ vọng báo Tuổi Trẻ giữ vững và phát huy sự dấn thân, đồng hành cùng những người yếu thế trên con đường đi tìm và bảo vệ sự thật.

TRẦN QUỐC BẢO (tiến sĩ khoa học môi trường)

Kết nối những giá trị cộng đồng

Tuổi Trẻ phải đi cùng người yếu thế
Ông Nguyễn Quế Diệu – Ảnh: T.ĐẠM

Tháng 8 vừa rồi, khu chung cư nơi tôi đang ở bỗng dưng bị chủ đầu tư rào bịt lối đi.

Ngay sau khi biết tin, Tuổi Trẻ đã vào cuộc và khi báo đăng, lối đi đã được mở trở lại trong niềm vui khôn tả của cả một cộng đồng dân cư.

Là độc giả của báo Tuổi Trẻ hơn 20 năm qua, tôi thấy tờ báo luôn hướng về cộng đồng, đặc biệt là những bộ phận cư dân thiệt thòi bằng những bài báo, những chương trình hành động thiết thực mang đậm tính nhân văn sâu sắc.

Ngày nay, vấn đề làm sao để khơi dậy, kết nối những giá trị cộng đồng một cách sâu rộng chính là đòi hỏi của bạn đọc đối với Tuổi Trẻ – món ăn tinh thần của nhiều người.

NGUYỄN QUẾ DIỆU (TP.HCM)

Dành thêm “đất” cho học sinh

Tuổi Trẻ phải đi cùng người yếu thế
Ông Nguyễn Hoàng Chương – Ảnh: H.C.

Tuổi Trẻ hãy dành thêm “đất” cho khoảng 15 triệu học sinh từ tiểu học đến THPT, giúp các em đọc – chia 

sẻ, mạnh dạn khởi nghiệp – sống khoan dung. Không chỉ đọc, hãy tập cho các em kỹ năng diễn đạt. Thói quen viết của học sinh phổ thông hiện nay vì nhiều lý do đang bị lãng quên, hãy giúp các em “tập viết” cùng Tuổi Trẻ.

Các vấn đề nóng như: bạo lực học đường, giáo dục giới tính, quan hệ bạn bè… nếu thêm một kênh trên Tuổi Trẻ sẽ rất bổ ích cho cả thầy và trò. 

Thầy giáo NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG (Lâm Đồng)

Chỗ dựa tin cậy của người trẻ

Tuổi Trẻ phải đi cùng người yếu thế
Chị Triệu Ngọc Diệp – Ảnh: N.D.

Là người trẻ, tất nhiên tôi cũng đòi hỏi ở Tuổi Trẻ “sức trẻ và chất trẻ”. Tôi mong muốn Tuổi Trẻ là một trong những tác nhân dựng xây hình mẫu người trẻ tiến bộ, văn minh hôm nay và mai sau cho đất nước, cho sự phồn vinh của dân tộc, giống nòi.

Tuổi Trẻ phải luôn khơi nguồn, đồng hành cùng giới trẻ trên mọi phương diện, là chỗ dựa tin cậy để người trẻ gửi gắm, phát huy, tạo dựng niềm tin, thể hiện quan điểm, chính kiến trên mọi lĩnh vực. Có lẽ cái cần ở đây là tạo dựng niềm tin: niềm tin của người trẻ với tờ báo cũng như Tuổi Trẻ phải thật sự tin vào người trẻ.

TRIỆU NGỌC DIỆP (Trà Vinh)

Có niềm tin hơn vào công lý

Tuổi Trẻ phải đi cùng người yếu thế
Anh Dương Trọng Tiến vui vẻ và an tâm với công việc sửa chữa, bán điện thoại cũ – Ảnh: ÁI NHÂN

Những ngày này, nhịp sống bình thường đã trở lại trong gia đình anh Dương Trọng Tiến, nhân vật chính trong loạt tin bài liên quan đến vụ bán điện thoại “cùi bắp” bị doạ khởi tố bị can về tội kinh doanh trái phép. Vừa loay hoay sửa điện thoại, anh Tiến vừa cười nói: “Nhờ nhà báo mà tôi tai qua nạn khỏi”. Nhớ lại thời điểm bị công an lập biên bản quả tang và khám xét rồi được đưa cho xem quyết định khởi tố bị can về tội danh kinh doanh trái phép, anh Tiến vẫn còn bần thần. “Những ngày đó, gia đình tôi thật sự hoảng loạn. Riêng tôi hằng đêm nằm lo không ngủ được. Mình là trụ cột gia đình, nếu lỡ vướng vòng lao lý thì vợ con ai lo? Rồi cái tiền án, tiền sự này sẽ đeo bám tương lai của mình, con cái mình đến trọn đời. Ba tôi từng tham gia cách mạng, là thương binh, đảng viên mấy mươi năm tuổi Đảng, làm sao ông chịu nổi cú sốc này?” – anh Tiến nhớ lại.

Anh Tiến kể ngày Tuổi Trẻ khởi đăng vụ việc này cũng là lúc anh nhận được nhiều chia sẻ, đồng tình, động viên của hàng xóm, bạn bè và cả những người không quen biết. Có khách gửi điện thoại sửa mà không thấy anh giao (do điện thoại bị tịch thu) nên tưởng anh lừa đảo, tới chừng đọc báo biết chuyện lại gọi điện an ủi, động viên anh cố gắng kiên trì chờ một kết quả tốt đẹp. Và cuối cùng câu chuyện đã có một kết thúc có hậu. Gặp lại anh Tiến những ngày này, anh cho biết bản thân không gặp bất cứ vướng mắc nào. Anh được cán bộ địa phương tận tình giải thích, hướng dẫn các quy định của pháp luật về thủ tục đăng ký kinh doanh. Hiện anh đã đăng ký kinh doanh xong và đóng thuế đầy đủ, yên tâm làm ăn. Anh Tiến chia sẻ là sau vụ việc lần này, anh có niềm tin nhiều hơn vào tinh thần cầu thị của cơ quan công quyền, đặc biệt là càng có niềm tin vào công lý.

MAI HƯƠNG – ÁI NHÂN

Đạo diễn HỮU LUÂN (giám đốc Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM) – MAI HOA ghi