IMF: Hệ thống tài chính toàn cầu đang giống như giai đoạn tiền khủng hoảng
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã cảnh báo rằng những đe doạ đối với hệ thống tài chính toàn cầu đang tăng lên, với việc định giá quá cao tài sản rủi ro, gợi nhớ lại thời điểm trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
IMF: Hệ thống tài chính toàn cầu đang giống như giai đoạn tiền khủng hoảng
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã cảnh báo rằng những đe doạ đối với hệ thống tài chính toàn cầu đang tăng lên, với việc định giá quá cao tài sản rủi ro, gợi nhớ lại thời điểm trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Ông Tobias Adrian, Giám đốc tiền tệ và vốn của IMF trong buổi họp báo công bố Báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu
IMF cho biết hôm thứ Tư, trong Báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu mới nhất, rủi ro đối với sự ổn định tài chính thế giới đã “tăng phần nào” trong sáu tháng vừa qua.
Theo đó, các lỗ hổng về tài chính đã tích luỹ trong những năm qua, với lãi suất và mức độ biến động cực kỳ thấp, có thể làm cho con đường phía trước trở nên gập ghềnh và có thể gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng toàn cầu.
IMF cũng cho rằng “định giá tài sản rủi ro vẫn đang bị kéo giãn, với một số động lực của giai đoạn cuối chu kỳ tín dụng bắt đầu xuất hiện, gợi lại giai đoạn tiền khủng hoảng năm 2008”. Điều này khiến thị trường phải đối mặt với các điều kiện tài chính thắt chặt, có thể dẫn đến việc thay đổi và tái định giá lại các tài sản rủi ro một cách bất ngờ.
Theo IMF, giá cả đang bắt đầu “bong bóng” trên nhiều loại tài sản khác nhau. Giá cổ phiếu trên toàn thế giới đang cao hơn giá trị nội tại của chúng, đặc biệt là ở Mỹ. Trái phiếu doanh nghiệp dường như cũng đang được định giá quá cao, với dấu hiệu quá tải trong nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp có xếp hạng tín dụng thấp.
Cảnh báo được đưa ra khi các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương từ 189 nước thành viên của IMF tham dự cuộc họp hàng năm vào mùa xuân của Quỹ tại Washington DC, Hoa Kỳ. Thị trường chứng khoán toàn cầu đã chịu sự điều chỉnh mạnh vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang chững lại, với chứng khoán Mỹ sụt giảm hơn 10%.
Theo Tobias Adrian, Giám đốc tiền tệ và vốn của IMF, việc điều khiển lãi suất về mức bình thường sẽ là “một nhiệm vụ khó khăn”. Việc này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ và cẩn thận từ phía các Ngân hàng trung ương và các nhà hoạch định chính sách, nhằm “giảm thiểu rủi ro từ việc thắt chặt các điều kiện tài chính”.
“Căng thẳng thương mại leo thang cũng gây ra sự lo lắng cho các nhà đầu tư, và việc tăng cường các biện pháp bảo hộ có thể làm ảnh hưởng đến kinh tế và ổn định tài chính toàn cầu”, ông Adrian cho biết.
Bên cạnh đó, IMF cũng lưu ý rằng việc định giá của hầu hết nhà đầu tư hiện tại đang không tính đến nguy cơ lạm phát tăng mạnh trong vài năm tới. Điều đó khá nguy hiểm khi khiến cho thị trường bị sốc mạnh trước “lạm phát bất ngờ”.
Bàn về vấn đề tiền ảo, ông Adrian nói thêm rằng sự xuất hiện của loại hình tài sản mới này cũng tạo ra một nguồn gây tổn thương mới đối với hệ thống tài chính nếu thị trường sụp đổ. “Rủi ro lớn nhất phát sinh từ việc sử dụng đòn bẩy của phần lớn nhà đầu tư với các loại tài sản kỹ thuật số đầy biến động này. Ngoài ra, tồn tại nguy cơ tiềm ẩn trong điểm yếu về cơ sở hạ tầng của các sàn giao dịch tiền ảo, cũng như việc những tài sản này dễ dàng bị lợi dụng trong các hoạt động gian lận và phạm pháp”.
Mặc dù ngành ngân hàng đã trở nên linh hoạt hơn kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra đúng một thập kỷ trước, IMF cho rằng các quốc gia vẫn phải tuân theo những cam kết về cải cách sau cuộc suy thoái, nhằm điều chỉnh và giữ cho thị trường ở trong một trạng thái ổn định.