23/12/2024

Ngày thể thao VN được ngước nhìn

Một chiến thắng quá tuyệt vời, không chỉ đưa lịch sử thể thao VN sang trang tại Olympic mà còn ghi tên Hoàng Xuân Vinh vào Olympic với kỷ lục mới được thiết lập: số điểm 202,5. Đó là một chiến thắng không chỉ đến từ tài năng, mà còn là bản lĩnh, tinh thần thép của một sĩ quan quân đội.

 

Ngày thể thao VN được ngước nhìn

 

Là phóng viên thể thao, tôi may mắn được chứng kiến thời khắc không thể nào quên của thể thao VN khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành chiến thắng ở nội dung 10m súng ngắn hơi hôm 7-8 (giờ VN), qua đó mang về tấm HCV Olympic đầu tiên trong lịch sử thể thao VN.

Ngày thể thao VN được ngước nhìn

Hoàng Xuân Vinh chia sẻ niềm vui cùng HLV Nguyễn Thị Nhung sau khi đoạt HCV Olympic. Ảnh: H.Đ

 

Lin Xia, một phóng viên người Trung Quốc, vẫn chưa hết ngạc nhiên khi hỏi Hoàng Xuân Vinh sau cuộc họp báo: “Trước giải, chúng tôi không hề nghe tên anh trong danh sách những ứng cử viên hàng đầu. Làm thế nào mà anh lại có thể vô địch?”. Trả lời, xạ thủ mang quân hàm đại tá này cho biết: “Tôi nghĩ đã đến với đấu trường Olympic thì ai cũng đều có đẳng cấp cao. Và trong một cuộc đấu như vậy, đặc biệt là ở môn bắn súng, mọi chuyện đều rất khó lường. Những đánh giá của người ngoài chưa chắc đã đúng”.

Tinh thần thép của sĩ quan quân đội

Dễ hiểu cho thắc mắc của Lin Xia cùng nhiều phóng viên Trung Quốc khác. Pang Wei, xạ thủ người Trung Quốc bị Xuân Vinh đánh bại (chỉ giành HCĐ), được đánh giá cao hơn anh nhiều khi từng giành HCV Olympic Bắc Kinh 2008 cũng ở nội dung này. Wu Felipe Almeida (người Brazil), người giành HCB, thì lại có lợi thế sân nhà, sự cổ vũ của hàng trăm CĐV nhà. Và cuộc đấu của Hoàng Xuân Vinh vì thế lại càng nghẹt thở hơn, hệt như một cuộc “đấu súng” đúng nghĩa.

Xạ thủ của VN xuất sắc dẫn đầu trong phần lớn thời gian trận chung kết. Ngay sau 2 loạt bắn đầu tiên, Xuân Vinh đã vươn lên dẫn đầu và mỗi lúc mỗi bỏ xa các đối thủ. Đến sau loạt thứ 18, 8 tay súng trong trận chung kết bị loại dần và chỉ còn lại 2 người là Xuân Vinh cùng Almeida (theo luật, đến sau loạt thứ 8 xạ thủ thấp điểm nhất sẽ bị loại, và cứ luân phiên loại dần sau mỗi 2 lượt tiếp theo). Và đó cũng là lúc mọi cảm xúc bị đảo lộn.

Các CĐV Brazil bất chấp quy tắc fair-play bất thành văn trong môn đấu súng – “phải giữ im lặng khi các VĐV thi đấu”. Thay vào đó, khi Hoàng Xuân Vinh giương súng lên, những trò âm thanh khó chịu, mục đích quấy nhiễu đối thủ vang lên từ hàng trăm CĐV. Đúng như lo sợ của chúng tôi, Xuân Vinh bắn không tốt ở loạt này khi chỉ ghi được 9,2 điểm, còn Almeida có 10,2 điểm. Kết quả lập tức thay đổi, Xuân Vinh từ chỗ bỏ xa đối thủ 0,8 điểm bỗng nhiên bị dẫn ngược lại 0,2 điểm. Lúc đó, ám ảnh về tấm HCĐ bị trượt trong tích tắc ở Olympic 2012 (kém đối thủ hạng 3 đúng 0,1 điểm) có lẽ đã hiện về với Xuân Vinh.

Trái với sự lo sợ của tôi, HLV Nguyễn Thị Nhung quay sang trấn an: “Không là gì cả, không là gì cả. Mọi thứ vẫn còn”. Nói vậy nhưng trông chị vẫn đầy âu lo trước giờ khắc lịch sử của thể thao VN. Nhưng rồi niềm hạnh phúc vỡ òa cũng đến, Xuân Vinh lập nên kỳ tích với phát đạn gần như hoàn hảo, ghi đến 10,7 điểm (trong khi Almeida chỉ ghi được 10,1 điểm) ở lượt bắn cuối, giúp anh lội ngược dòng ngoạn mục.

Một chiến thắng quá tuyệt vời, không chỉ đưa lịch sử thể thao VN sang trang tại Olympic mà còn ghi tên Hoàng Xuân Vinh vào Olympic với kỷ lục mới được thiết lập: số điểm 202,5. Đó là một chiến thắng không chỉ đến từ tài năng, mà còn là bản lĩnh, tinh thần thép của một sĩ quan quân đội.

Phóng viên Trung Quốc xin chụp hình chung

Giành một chiến thắng quá đẹp, Xuân Vinh qua đó cũng đoạt luôn sự yêu mến, hâm mộ từ cánh truyền thông nước ngoài. Trong buổi họp báo sau trận, Xuân Vinh trở thành nhân vật chính với những câu hỏi như “Cảm xúc của anh thế nào khi mang về tấm HCV đầu tiên trong lịch sử cho quốc gia tại Olympic?”, hay “Vì sao anh không bị phân tâm bởi những tiếng ồn?”… từ cánh phóng viên nước ngoài.

Ra khỏi phòng họp báo, Xuân Vinh vẫn chưa thoát khỏi sự đeo bám của cánh truyền thông, nhiều phóng viên vẫn không “buông tha” anh. Jeremy Walker, một phóng viên của Uỷ ban Olympic châu Á, không giấu nổi sự ngưỡng mộ: “Thật tuyệt vời khi anh ấy có thể chiến thắng trong điều kiện thi đấu ồn như vậy. Tôi đã bật nhảy khi anh ấy giành chiến thắng, vì rõ ràng anh ấy đã thuyết phục được tất cả mọi người”.

Đứng bên cạnh, tôi vui miệng tiết lộ với các đồng nghiệp chi tiết thú vị về việc Xuân Vinh bị cận. Và những câu hỏi lại tới tấp hướng về Xuân Vinh…

Chưa hết, vì ban tổ chức chưa kịp có chuyến xe buýt cho VĐV, Xuân Vinh cùng đồng đội, HLV phải về chung xe buýt với các phóng viên. Ngay khi anh bước lên xe, một tràng reo hò vang dội cất lên cùng với những tràng vỗ tay, những tiếng chúc mừng không ngớt. Và mọi người tiếp tục vây quanh xin chụp hình với Xuân Vinh, trong đó có cả những phóng viên Trung Quốc… Chưa cần đặt chân trở về quê nhà, Xuân Vinh đã được “trải thảm đỏ” một cách đầy ấm cúng như thế trên đất khách.

Đó có lẽ là lần đầu tiên một VĐV VN giành được nhiều sự ngưỡng mộ, được săn đón như một “siêu sao” đến thế tại đấu trường tầm cỡ thế giới. Và hi vọng sau nguồn cảm hứng mang tên Hoàng Xuân Vinh, đó sẽ không phải là lần duy nhất.

“Mưa tiền thưởng” chờ đón Xuân Vinh

Ngay sau kỳ tích mang về tấm HCV đầu tiên cho lịch sử thể thao VN tại đấu trường Olympic, Hoàng Xuân Vinh đã đón hàng loạt tin vui về các khoản thưởng mà anh sẽ nhận được. Trưởng đoàn thể thao VN Trần Đức Phấn cho biết Uỷ ban Olympic VN thưởng anh 10.000 USD, Công ty du lịch Vietravel thưởng thêm 10.000 USD bao gồm 5.000 USD cho tấm HCV cùng 5.000 USD cho việc lập kỷ lục mới ở Olympic. Chưa hết, theo thỏa thuận từ các nhà tài trợ với bộ môn bắn súng, Xuân Vinh sẽ nhận thưởng thêm 50.000 USD nữa. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cũng quyết định tặng 100 triệu đồng: cho Xuân Vinh (60 triệu), HLV Nguyễn Thị Nhung (20 triệu) và chuyên gia Hàn Quốc Park Chung Gun (20 triệu).

Chắc chắn sẽ còn nhiều khoản thưởng khác từ mạnh thường quân, nhà tài trợ… đang chờ Xuân Vinh khi anh trở về VN.

 

Đã chuẩn bị trước bài tập “chống tiếng ồn”

Sau khi bước xuống từ bục huy chương, Xuân Vinh lẫn HLV Nguyễn Thị Nhung chia sẻ rằng đội tuyển đã tập trước cho anh bài tập “chống lại tiếng ồn” này, qua đó các đồng đội thường xuyên la hét khi tập luyện để Xuân Vinh được quen dần với cảm giác ồn ào.

“Thực sự tôi cũng có thoáng xao nhãng vì quá ồn, nhưng rồi trấn tĩnh lại được ngay nhờ đã có chuẩn bị trước. Xin cảm ơn người hâm mộ, ban huấn luyện, đồng đội đã luôn giúp đỡ tôi. Tôi cũng xin dành sự tri ân đặc biệt cho ngành quân đội, nơi giúp tôi trui rèn bản lĩnh của một người lính” – Xuân Vinh nói.