23/12/2024

Ngân hàng đua lãi suất

Các ngân hàng một tay tăng lãi suất huy động, một tay tăng lãi suất cho vay, khiến nhiều người đi vay phập phù như ngồi trên đống lửa.

 

Ngân hàng đua lãi suất

Các ngân hàng một tay tăng lãi suất huy động, một tay tăng lãi suất cho vay, khiến nhiều người đi vay phập phù như ngồi trên đống lửa.




Lãi suất huy động và lãi suất cho vay "dắt tay" cùng tăng -  /// Ảnh: Ngọc Thắng

 

Lãi suất huy động và lãi suất cho vay “dắt tay” cùng tăng –ẢNH: NGỌC THẮNG

VPBank là ngân hàng (NH) thương mại mới nhất vừa tung ra bảng lãi suất (LS) huy động áp dụng từ ngày 2.8, trong đó tăng thêm 0,2 điểm % ở kỳ hạn 15 và 18 tháng, lần lượt lên mức 7% và 7,4%.
Đây là lần tăng LS thứ 4 trong tháng 7 của VPBank và chủ yếu tăng ở kỳ hạn dài. Trước đó, hàng loạt NH như ACB, SCB, OCB, VietCapitalbank, Vietabank, Maritime Bank… cũng đã điều chỉnh tăng LS thêm 0,1 – 0,3 điểm % chủ yếu cho các kỳ hạn dài. LS kỳ hạn 6 tháng ở các NH đa số ở mức 6,3% – 7%/năm, cao nhất thị trường ở kỳ hạn này là SCB với 7%/năm. Trong khi LS tiền gửi kỳ hạn 13 tháng phần lớn nằm trong khoảng 7,2 – 7,5%/năm, thì ở OCB kỳ hạn này đã leo lên đến 7,7%/năm. So với đầu năm, mặt bằng LS huy động mới đã tăng thêm khoảng 0,5 điểm %.
Vay cá nhân nhấp nhổm
Lo giữ chân khách hàng, nhiều NH lớn cũng tăng LS theo. VietinBank và Vietcombank tăng kịch trần LS lên 5,5% các kỳ hạn dưới 6 tháng. LS kỳ hạn 12 – 36 tháng ở VietinBank đã ở mức 6,8%; trên 36 tháng là 7%. Ở Vietcombank, từ 12 – 60 tháng đều ở mức 6,5%.
Đầu vào tăng, đầu ra không thể đứng yên. LS cho vay ngay lập tức chạy theo, chủ yếu ở những khoản vay tiêu dùng, mua nhà đất, xe, với mức tăng xấp xỉ 1 điểm %. Chị Hoa, một khách hàng ngụ Q.7, TP.HCM, cho biết ba tháng trước chị dự tính mua nhà, NH báo LS 7,8%/năm. Nay chị đến hỏi vay Vietbank, nhân viên cho biết LS tín dụng là 8,5% năm đầu tiên.
Năm tiếp theo được xác định bằng LS 13 tháng (hiện là 7,5%) cộng biên độ 2,5, từ năm thứ 3 biên độ 3,5. Như vậy, LS sẽ nhảy lên đến 10 – 11%/năm. Hoặc nếu chọn gói LS cố định đến đầu năm 2018 thì ở mức 9%, nhưng mức LS “kim cương” này chỉ áp dụng đối với những người vay trên 500 triệu đồng, thời hạn dưới 15 năm. Đồng thời, đây là LS dành cho khoản vay thanh toán đúng hẹn, còn nếu trễ sẽ áp dụng mức LS khác. “LS thiên hình vạn trạng. Chị muốn LS thấp 4,5% cố định 3 tháng cũng có, nhưng sau đó sẽ tăng lên 10%/năm”, nhân viên một NH khác nói.
Chị Hoa chạy sang ACB, nơi LS huy động vừa được điều chỉnh giữa tháng 7, nhân viên ở đây cho biết lãi vay mua nhà là 8,7%/năm trong 6 tháng và 9,2%/năm trong 12 tháng kế tiếp. Sau đó, LS thả nổi được tính bằng LS 13 tháng cộng với biên độ 3,9. Chị nhẩm tính, LS 13 tháng của ACB có 2 mức, một mức gửi dưới 100 tỉ đồng là 6,5%, trên 100 tỉ đồng là 7,4%. Như vậy, người vay sẽ bị áp LS cao nhất lên đến 11,3%/năm. Còn ở VietCapitalbank, LS cho vay mua nhà là 9% trong năm đầu tiên, sau thời gian đó là LS 13 tháng (hiện 7,5%) cộng biên độ 3,3 nên sẽ vọt lên 10,8%/năm. “LS vừa cao vừa biến động, chắc tôi không mua nổi nhà đợt này”, chị chép miệng đi về tay không.
Một người đi vay khác cũng cho biết, cách đây khoảng 10 ngày NH điều chỉnh tăng LS khoản vay của chị từ mức 11,3% lên 12,5%/năm. Chị “làm dữ”, NH mới để nguyên mức LS cũ, nhưng cũng chỉ trong 3 tháng. “Khoản vay có 150 triệu đồng, chắc tôi cũng phải chạy tiền trả cho xong”, chị cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, LS cho vay chỉ cố định sau một thời gian ngắn ngủi, sau đó tăng thêm 1 – 2 điểm %/năm là gánh nặng cho người vay. “LS vừa cao vừa không ổn định khiến người đi vay khó kiểm soát được tài chính trong suốt quãng thời gian vay”, ông phân tích.
Doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh
Nếu lãi vay cá nhân nhấp nhổm thì lãi vay doanh nghiệp (DN) khá ổn định từ đầu năm đến nay. Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, Phó chủ tịch Hội Cao su – Nhựa TP.HCM, cho biết LS cho vay phổ biến ở mức 7 – 8%/năm. “DN của tôi vay USD LS 3%, vay tiền đồng 6% là khá ổn thoả cho hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông nói. Tuy nhiên, ông cho rằng, DN VN và DN các nước trong khu vực cùng cạnh tranh trên một thị trường và nếu xét ở góc độ này thì DN nội khá thiệt thòi vì ở Malaysia, Singapore… vay LS chỉ có 1,8% trong khi VN 7 – 8% LS ngắn hạn, còn trung dài hạn lên tới 10 – 12%. “Với giá vốn đắt đỏ, DN không có cơ hội đầu tư mở rộng sản xuất, mà tiếp tục sử dụng máy móc, công nghệ cũ, hoạt động trì trệ thêm”, ông phân tích. Theo ông, LS trung dài hạn cần được kéo xuống mức 7%/năm.
Đồng tình, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết đa số DN vay ở mức 7 – 8,7%/năm kỳ ngắn hạn, dài hạn trên 10%/năm. “Danh chính ngôn thuận” thì mức LS không cao, nhưng những khoản chi “dưới bàn” đã làm đội thêm gánh nặng, cũng như làm DN mệt mỏi.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, thống kê 6 tháng đầu năm, số DN giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Hiệu quả sinh lời và lợi nhuận của các DN có xu hướng giảm do các loại phí như chi phí tài chính, chi phí sản xuất, các loại thuế và phí… tăng nhanh và mạnh. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm ở mức 8,16%, cao hơn mức 7,86% cùng kỳ năm ngoái, thì dự báo khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay lên đến 20%. Cùng với dự báo lạm phát năm nay ở mức 5 – 6%, LS huy động sẽ còn đua tăng đẩy LS cho vay nhích lên. Như vậy, DN cần tính toán cẩn trọng hơn trong thời gian tới.
Theo chuyên gia Đinh Tuấn Minh, có 2 lý do khiến LS tăng trong khi hệ thống NH vẫn đang dồi dào thanh khoản.
Thứ nhất, một số NH tăng hút vốn để dự trữ cho nhu cầu tín dụng trong những tháng chuẩn bị hàng hoá sắp tới.
Thứ hai, theo quy định, tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% hiện nay sẽ giảm xuống còn 50% trong năm tới. Do đó, các NH chạy đua tăng LS huy động kỳ hạn dài để cân đối lại nguồn vốn và có thể cho vay trung dài hạn”. Đây là một cuộc đua khốc liệt, vì nếu đi sau vừa bị hút mất tiền, vừa không hút được vốn.

 

Hồng Sương