26/12/2024

‘Bom’ thực phẩm nhiễm chì

Những chai nước uống C2 và Rồng Đỏ bị phát hiện có hàm lượng chì vượt xa mức công bố trong tháng 5 vừa qua khiến người tiêu dùng hoảng hốt.

 ‘Bom’ thực phẩm nhiễm chì

Giám sát việc tiêu hủy nước C2, Rồng Đỏ có hàm lượng chì cao hơn mức công bố /// Ảnh: Mạnh Phan

Những chai nước uống C2 và Rồng Đỏ bị phát hiện có hàm lượng chì vượt xa mức công bố trong tháng 5 vừa qua khiến người tiêu dùng hoảng hốt. 

Theo các chuyên gia, thực phẩm, đồ uống nhiễm chì gây nguy cơ rất lớn cho sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em.

Ngày 20.5, Thanh tra Bộ Y tế đã ra thông báo tạm dừng lưu hành 3 lô sản phẩm nước giải khát C2 và Rồng Đỏ của Công ty TNHH URC sau khi kiểm nghiệm có hàm lượng chì cao hơn từ 4 – 9 lần mức công bố. Sau đó, Bộ Y tế đã ra quyết định buộc thu hồi các lô hàng nêu trên và xử phạt Công ty TNHH URC Hà Nội hơn 5,8 tỉ đồng.

Nguy hại nhiễm qua đường uống

Tuy nhiên, theo thông báo, Công ty URC đã bán 2 lô sản phẩm đầu tiên với tổng giá trị hàng hóa vi phạm gần 3,9 tỉ đồng không thu hồi được. Điều này đồng nghĩa với việc cả triệu chai nước ngọt nhiễm chì đã được người tiêu dùng cả nước sử dụng (tính theo giá bán từ nhà sản xuất cho các đại lý, chỉ trên dưới 4.000 đồng/chai). Đáng lo ngại hơn, theo chính các đại lý nước ngọt, C2 và Rồng Đỏ là những sản phẩm được bán chạy và nhất là trẻ em đều yêu thích. Nên việc hàng triệu chai nước ngọt nhiễm chì không thu hồi được khiến không ít gia đình hoang mang, lo sợ.

 
 
 

An toàn vệ sinh thực phẩm luôn là mối bận tâm của tất cả các quốc gia vì đây là vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đến sự phát triển và vận mệnh của cả một dân tộc

 
 

TS Huỳnh Khánh Duy

 

Chị Trần Thanh Hương (Q.4, TP.HCM) cho biết C2 từng là thức uống yêu thích của hai bé nhà chị trong hơn 2 năm qua với cháu nhỏ và gần 5 năm nay với đứa con lớn. “Vì ngại uống những thức uống có ga bị cảnh báo gây béo phì, tôi toàn cho cháu uống nước C2, Rồng Đỏ khi đón cháu đi học về. Cho đến ngày đọc được tin mấy lô hàng sản phẩm nước ngọt này bị nhiễm chì gấp gần chục lần, tôi thật sự hoảng sợ. Không khéo chính mình lại hại con”, chị Hương chia sẻ với tâm trạng cực kỳ bất an.

Theo TS-BS Trần Văn Ký thuộc Hội Khoa học an toàn thực phẩm VN, tại VN nguy cơ nhiễm chì trong thực phẩm rất cao do môi trường ô nhiễm, ô nhiễm từ nguồn nước và đất, từ phân bón, từ những dụng cụ sử dụng đựng thực phẩm như chén bát, chai lọ, bao bì… nhưng đến nước uống là đã rất nguy hại. Đáng nói là từ trước đến nay rất ít ai quan tâm lấy mẫu thử nghiệm vì chi phí quá cao. Hơn nữa, đến nay một chương trình giám sát chì trong thực phẩm đồ uống cấp quốc gia là hoàn toàn chưa có.

“Vấn đề là nguồn nguyên liệu của chúng ta hiện đang không được kiểm soát tốt, nguy cơ nhiễm chì trong thịt, cá, rau, nước uống, nước giải khát… đều rất cao. Trong khi các cơ quan quản lý thực phẩm nước uống lại chưa thống nhất được cách kiểm soát chặt và hiệu quả. Hoặc có làm cũng còn khá thụ động, thế nên, có thể ví von, “quả bóng” chì trong thực phẩm đang được lãng quên hoặc nếu có “đá” cũng rất uể oải bởi kiểu cha chung không ai khóc”, TS-BS Trần Văn Ký nói.

“Bom” thực phẩm nhiễm chì 1

Nguy cơ cho giống nòi

Theo quy định của Bộ Y tế, trong quy chuẩn VN về giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm, giới hạn chì tối đa cho phép trong các loại sữa là 0,2 mg/kg, rau ăn quả là 0,1 mg/kg, nước uống đóng chai là 0,01 mg/kg… Nếu vượt quá hàm lượng này đều gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người dùng. Các chuyên gia thực phẩm, hóa học đều khẳng định nếu ăn phải thực phẩm nhiễm chì vượt quá hàm lượng cho phép, người sử dụng có nguy cơ bị ngộ độc chì, nhất là với trẻ em. Sự gây độc của chì cho cơ thể rất nặng nề, lâu dài và hay tái phát do thời gian bán huỷ để thải chì ra khỏi cơ thể là rất lâu, kéo dài hàng chục năm.

 
 

TS-BS Trần Văn Ký nhấn mạnh: “Nếu ở người lớn, lượng chì vào cơ thể lâu ngày tích tụ gây nguy hại thì ở trẻ em còn gây hậu quả nghiêm trọng hơn, đặc biệt khi nồng độ chì trong cơ thể cao sẽ gây ảnh hưởng đến não bộ của trẻ”.

 

TS-BS Trần Văn Ký nhấn mạnh: “Nghiên cứu cho thấy chỉ cần một lượng chì nhỏ cũng làm cho hệ thần kinh của trẻ bị ảnh hưởng, nó còn có thể ảnh hưởng tới việc phát triển tầm vóc của trẻ và khiến các tế bào máu của trẻ không hoạt động bình thường. Với những sản phụ, nhiễm chì sẽ đối diện nguy cơ sinh non, thường trước 37 tuần. Thứ nữa, nhiễm độc chì khiến não trẻ bị tổn thương, thiếu máu do lượng hồng cầu luân chuyển trong cơ thể không đủ. Nhiều giai đoạn phát triển của trẻ bị chậm lại, thậm chí chậm trong giao tiếp và suy nghĩ. Ngoài ra, trẻ nhỏ nạp lượng chì vào cơ thể lớn hơn lượng cho phép, thường dễ bị táo bón, đau dạ dày… Trẻ càng nhỏ, ảnh hưởng từ nhiễm độc chì càng lớn”.

TS Huỳnh Khánh Duy, Khoa Kỹ thuật Hoá học – Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, phân tích thực phẩm có thể bị nhiễm các chất độc hại như nhôm, chì từ nhiều nguồn. Có thể do người sản xuất, buôn bán cố tình cho các chất độc hại vào thực phẩm với mục đích bảo quản, gian lận. Hoặc do nhập lậu thực phẩm chất lượng kém. Thậm chí có sự phá hoại, do thiếu kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm trong vấn đề bảo quản, chế biến, vận chuyển thực phẩm không đúng cách… cũng khiến thực phẩm bị nhiễm nhiều chất độc hại. Nhiễm độc chì có thể gây thiếu máu, các vấn đề tiêu hoá, tổn thương thần kinh (và tổn thương não ở trẻ em), tổn thương thận và hệ sinh sản; thuỷ ngân gây hại cho thận và có thể gây tổn hại cho tim mạch, hô hấp, tiêu hoá, huyết học, hệ thống miễn dịch, sinh sản và thần kinh. Nếu màu có nguồn gốc hữu cơ thì có thể chứa các tạp chất amine thơm, các hợp chất azo, các hợp chất thơm ngưng tụ đa vòng, phthalates… và thường là các chất có khả năng gây ung thư, rối loạn nội tiết.

“Do đó, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là mối bận tâm của tất cả các quốc gia vì đây là vấn đề ảnh hưởng đến sức kho cộng đồng, đến sự phát triển và vận mệnh của cả một dân tộc. Các quốc gia đều có hệ thống luật pháp và cơ sở vật chất để kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy, việc kiểm tra và phát hiện thực phẩm bẩn, thực phẩm có chứa chất độc hại của cơ quan chức năng là việc làm thường xuyên. Tin tức về công bố phát hiện thực phẩm bẩn, thực phẩm chứa chất độc hại chứng tỏ đây là vấn đề đang được toàn xã hội quan tâm và thực trạng kiểm soát thực phẩm bẩn, thực phẩm chứa chất độc hại còn nhiều việc cần được giải quyết”, TS Duy nhấn mạnh.