23/12/2024

Bãi nại xong bị “xù”: có thể khởi kiện?

Pháp luật quy định rất rõ về yêu cầu bãi nại trong các vụ án hình sự cũng như dân sự. Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng phát sinh nhiều tình huống pháp lý cũng như những hệ luỵ đáng tiếc.

 

Bãi nại xong bị “xù”: có thể khởi kiện?

 

Pháp luật quy định rất rõ về yêu cầu bãi nại trong các vụ án hình sự cũng như dân sự. Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng phát sinh nhiều tình huống pháp lý cũng như những hệ luỵ đáng tiếc.

Bãi nại xong bị "xù": có thể khởi kiện?

Minh hoạ: DAD

Nhiều trường hợp người bị hại được nghi phạm, bị can hứa hẹn bồi thường nếu ký vào đơn bãi nại cho họ. Sau khi được hưởng mức án nhẹ hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do có đơn bãi nại của người bị hại thì họ nuốt lời, khiến bị hại phải ngậm đắng nuốt cay.

Thất hứa sau khi được bãi nại

Theo lời kể của anh P.C.T. (23 tuổi, ngụ tỉnh Long An), giữa tháng 7-2016 T. và bạn gái xảy ra mâu thuẫn xô xát. Trong lúc nóng giận, người bạn gái đã lượm một cây kéo gần đó đâm T. một nhát, vị trí vết thương sâu khoảng 1cm gần tim. T. được đưa đi bệnh viện, điều trị một thời gian thì được xuất viện.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, Công an xã Mỹ Yên đã tạm giữ hình sự bạn gái của T. để làm rõ hành vi cố ý gây thương tích.

Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, người nhà bạn gái T. đã đến chăm sóc T. và hứa sẽ lo viện phí, tiền thuốc men cho T.. Nghĩ đến tình nghĩa lâu nay và thiện chí của họ, T. đã làm đơn bãi nại cho bạn gái.

Sau khi có đơn bãi nại, người bạn gái không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng người nhà cô bạn gái không trả viện phí, tiền thuốc men như đã hứa. Anh T. đã nhiều lần liên lạc với họ nhưng họ lảng tránh.

“Cái giá” của đơn bãi nại

Theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM), từ “bãi nại” thường được sử dụng trong các vụ án hình sự và dân sự. Với các vụ án dân sự thì bãi nại là từ bỏ việc khiếu nại hay khiếu kiện.

Còn đối với các vụ án hình sự thì bãi nại là từ bỏ yêu cầu tố cáo hay yêu cầu khởi tố vụ án của người bị hại. Khi bãi nại được đưa ra đồng nghĩa với việc các khiếu nại, yêu cầu khởi tố hình sự trước đó cũng được giải quyết trên tinh thần thoả thuận, chia sẻ và khắc phục hậu quả do chính bị can, bị cáo gây ra.

Nếu các vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng sau đó người bị hại có đơn bãi nại thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ việc điều tra, đình chỉ vụ án (không khởi tố vụ án).

Trong trường hợp người bị hại đã yêu cầu khởi tố nhưng sau đó rút yêu cầu trước ngày mở phiên toà sơ thẩm thì vụ án được đình chỉ.

Ông Trương Hùng Cường (Viện KSND TP.HCM) cho rằng đối với khoản 1 của một số tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122), nếu bị hại có đơn bãi nại (rút yêu cầu khởi tố hình sự) thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát sẽ đình chỉ vụ án.

Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Đối với các tội danh khác hoặc đơn cử đối với tội cố ý gây thương tích nhưng thương tật trên 11% thì đơn bãi nại của bị hại sẽ được xem là tình tiết giảm nhẹ hình phạt đối với bị can, bị cáo.

Trong bản án hình sự, ngoài hình phạt tù, bị cáo còn có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bị hại. Còn việc bồi thường thiệt hại trước khi vụ án được đưa ra xét xử và đã được bị hại chấp nhận thông qua đơn bãi nại sẽ được HĐXX xem xét, cân nhắc để đề nghị mức hình phạt tương xứng.

Chỉ là tình tiết giảm nhẹ

Trong các vụ án hình sự thì yếu tố có đơn bãi nại của bên bị hại là tình tiết giảm nhẹ đối với bị can, bị cáo (điều 46 Bộ luật hình sự).

Theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn luật sư TP.HCM), trong Luật hình sự không có quy định khi áp dụng tình tiết người bị hại có đơn xin bãi nại cho bị cáo thì hình phạt sẽ giảm hoặc giảm cụ thể bao nhiêu. Việc xử nhẹ hơn mức án trong khung hình phạt bị truy tố hay không còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Tuy nhiên khi bị cáo có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự thì tùy tính chất vụ án, toà sẽ áp dụng điều 47 Bộ luật hình sự để giảm mức án cho bị cáo. Khi đó, toà có thể tuyên dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn. Nếu chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất thì toà có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.

Ngược lại, một bị cáo có thể có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng căn cứ vào mức độ, hành vi phạm tội của người đó thì vẫn có thể bị tuyên mức án cao.

Ông Vũ Hoài Nam (thẩm phán TAND TP.HCM) cho rằng người phạm tội sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ khi họ tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, toà sẽ xem xét thái độ của bị cáo, mức độ thiệt hại… để tuyên mức án phù hợp.

Có thể khởi kiện khi bị thất hứa

Theo luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP.HCM), đối với các hành vi gây xâm hại về sức khỏe thì không có quy định về thời hiệu khởi kiện, thiệt hại tới đâu người bị hại có quyền kiện đòi bồi thường tới đó.

Ngay cả khi đã xét xử hoặc không truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị hại vẫn có quyền kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi của người khác gây ra.

Thậm chí trong trường hợp yêu cầu bồi thường của bị hại đã được toà án giải quyết trong phần dân sự của một vụ án hình sự nhưng bị hại phải mang di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của họ, phải tốn thêm chi phí điều trị phát sinh sau đó thì họ vẫn có thể khởi kiện đòi bồi thường bằng một vụ án dân sự khác.

Tương tự, sau khi bị hại có đơn bãi nại mà vụ án đã được đình chỉ hình sự, nhưng sau đó đối tượng không thực hiện lời hứa thì bị hại cũng có thể khởi kiện theo thủ tục dân sự để đòi bồi thường.

Khi khởi kiện ra toà, người bị hại có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại, còn phía nghi can, bị can, bị cáo cần phải đưa ra giấy tờ chứng minh đã khắc phục hậu quả (nếu có).

Trong khi đó, nếu nhờ việc bãi nại của bị hại mà vụ án hình sự bị đình chỉ thì người bị hại có thể yêu cầu cơ quan công an khởi tố vụ án do bị hại bị ép buộc, cưỡng bức, lừa dối. Nếu vụ án đã được xét xử sơ thẩm, người bị hại có thể kháng cáo rút lại đơn bãi nại.

Khi nào bãi nại bị xem là vô hiệu?

Luật tố tụng hình sự quy định việc bãi nại phải trên cơ sở tự nguyện, không bị ép buộc, lừa dối, cưỡng bức.

Nếu phía nghi can, bị can, bị cáo hứa sẽ bồi thường cho bị hại để được bãi nại nhưng sau đó không thực hiện thì đó là dấu hiệu của sự lừa dối.

Khi khởi kiện ra toà, người bị hại phải chứng minh được việc bãi nại này do bị lừa dối, thông thường khi bồi thường tiền để khắc phục hậu quả, bị hại thường viết giấy cam kết mình đã nhận đủ tiền…

Nếu phía bị can, bị cáo không chứng minh được đã khắc phục hậu quả thì việc bãi nại này trở thành vô hiệu.

Luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP.HCM)