Cô giáo nghèo chống chọi với bệnh ung thư
Câu chuyện xúc động về một cô giáo vừa gồng gánh gia đình neo đơn, vừa cố gắng đi dạy, lại đang mang căn bệnh nguy hiểm trong người.
Cô giáo nghèo chống chọi với bệnh ung thư
Câu chuyện xúc động về một cô giáo vừa gồng gánh gia đình neo đơn, vừa cố gắng đi dạy, lại đang mang căn bệnh nguy hiểm trong người.
Cô giáo Sương bên các học sinh |
Năm 2005, chồng cô giáo Hồ Thị Thanh Sương (44 tuổi, ngụ tại tổ 2, phường Thống Nhất, TP Kon Tum) đang làm thợ may thì ngã bệnh ung thư gan, cầm cự được thời gian ngắn, rồi anh qua đời.
“Chồng mất lúc đứa con gái út mới được 2 tuổi, một mình đơn thân gồng gánh nuôi hai con nhỏ, cùng cực lắm em ơi!” – người chị gái Hồ Thị Hồng nghèn nghẹn nói với chúng tôi về hoàn cảnh của người em gái mình.
Chúng tôi tìm về ngôi Trường mầm non tư thục Sao Mai nằm trên đường Phan Chu Trinh, TP Kon Tum, nơi cô Sương đang theo dạy hợp đồng gần 20 năm nay.
Cô giáo Đỗ Thị Thu Thuỷ – chủ tịch công đoàn nhà trường – cho biết: “Hoàn cảnh cô Sương tội nghiệp lắm. Trước đây vừa nuôi mẹ già 91 tuổi bệnh tật (cụ vừa qua đời – PV), vừa chăm sóc hai con thường xuyên đau ốm. Hằng tháng đồng lương gần 4 triệu đồng không thể đắp đổi được cuộc sống hằng ngày, thiếu trước hụt sau, nợ nần giật áo vá vai miết”.
Khi nói đến cô Sương, các đồng nghiệp Trường mầm non Sao Mai cứ tấm tắc khen cô về sự khéo tay, có năng khiếu múa hát… Đặc biệt, các bé người dân tộc thiểu số ở đây rất yêu mến cô Sương bởi sự tận tình, cần mẫn của cô… Mọi người còn cho chúng tôi xem về thành tích đoạt giải cao trong cuộc thi thiết kế đồ dùng dạy học của cô Sương, do Phòng GD-ĐT TP Kon Tum tổ chức.
Cách đây gần hai tháng, khi thấy trong cơ thể có thay đổi khác thường, cô Sương đi khám thì phát hiện mình mắc bệnh ung thư vú. Hoảng sợ trước căn bệnh quái ác, cô Sương đi vay mượn và chi phí hết hơn 14 triệu đồng để vào TP.HCM khám chuyên sâu.
Đã vậy căn nhà lụp xụp mà bà mẹ để lại cho ba mẹ con ở hiện đã quá xuống cấp, cô Sương liều đi vay ngân hàng 50 triệu đồng về sửa chữa.
“Khi sửa nhà xong, trái khoáy thay, phường lại xác định gia đình tôi đã thoát nghèo, nay chỉ thuộc diện hộ cận nghèo thôi” – cô Sương cho biết.
Nỗi buồn về nợ nần chưa dứt, cô lại thêm nẫu ruột khi các bác sĩ tại TP.HCM cho biết chi phí ca mổ của cô phải trên 100 triệu đồng.
Trở về Kon Tum, cô Sương không biết bấu víu vào đâu, đành chạy đi gõ cửa vay mượn tại các ngân hàng. “Nợ cũ chưa trả, nên đến chỗ nào họ cũng lắc đầu” – cô giáo mầm non kể đến đây đã bật khóc.
Đau bệnh, hai tháng nay cô Sương không thể đến trường với các em học sinh, cũng đồng nghĩa với việc cô không được nhận đồng lương nào nữa.
“Cám cảnh quá chú ơi, hàng xóm thấy, ai cũng xót xa. Thằng con đầu Lê Ngọc Triệu Tuấn đang học năm thứ 3 Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, bé sau Lê Ngọc Thanh Lam đang học lớp 8 Trường THCS thực hành Lý Tự Trọng, cả hai cháu đều học rất giỏi, ngoan ngoãn. Mẹ đau bệnh thế này tụi nhỏ phải bỏ học mất thôi” – chị Hồng hàng xóm nói với tôi.
Chia tay chúng tôi, các cô giáo đồng nghiệp còn nói thêm: “Đến thời buổi này, có thấy giáo viên nào còn lóc cóc đạp xe đến trường đi dạy nữa đâu! Vậy mà cô Sương hằng ngày vẫn đạp như thế đến trường đó. Nay lại phải tốn cả trăm triệu đồng để chữa bệnh thì ngoài sức tưởng tượng của mọi người ở đây rồi. Không lương, không nguồn thu nhập, cả ba mẹ con cô giáo nghèo sẽ sống bằng cách nào đây?”.