26/12/2024

Tham vọng oanh tạc cơ vũ trụ của Nga

Oanh tạc cơ tàng hình bội siêu thanh mà Nga đang phát triển có khả năng mở cuộc tấn công hạt nhân từ vũ trụ.

 

Tham vọng oanh tạc cơ vũ trụ của Nga

Oanh tạc cơ tàng hình bội siêu thanh mà Nga đang phát triển có khả năng mở cuộc tấn công hạt nhân từ vũ trụ.




Phác họa oanh tạc cơ PAK-DA /// Sputnik

Phác hoạ oanh tạc cơ PAK-DASPUTNIK


Truyền thông Nga gần đây loan tin Bộ Quốc phòng đang phát triển một loại máy bay ném bom chiến lược bội siêu thanh, có khả năng tấn công mọi mục tiêu trên trái đất từ ngoài không gian.
Theo Hãng tin RIA-Novosti dẫn lời Giáo sư Aleksei Solodovnikov tại Học viện Quân sự Nga – vốn liên quan tới việc phát triển dự án, máy bay mới sẽ được trang bị các thiết bị tác chiến điện tử tân tiến và sẽ chỉ cần 2 giờ để vươn đến bất cứ nơi nào trên trái đất. Phiên bản thử nghiệm của mẫu máy bay đang được chế tạo và dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên trong vòng 5 năm tới.
Động cơ “hai trong một”
Được gọi là PAK-DA, máy bay ném bom chiến lược mới có khả năng tàng hình trước radar của đối phương. “Máy bay được trang bị động cơ phản lực cánh quạt đẩy, nghĩa là nó có thể hoạt động trong bầu khí quyển và sau đó chuyển sang trạng thái không gian để bay mà không cần không khí”, Giáo sư Solodovnikov thông tin.
Máy bay ném bom sẽ sử dụng nhiên liệu xăng dầu truyền thống khi bay trong bầu khí quyển của trái đất, còn trong không gian sẽ chuyển sang sử dụng khí metan và ô xy để bay. Do đó, PAK-DA sẽ cần hai loại động cơ để chạy hai loại nhiên liệu. Để giải bài toán này, các chuyên gia hướng tới chế tạo động cơ hai mạch cộng hưởng, có khả năng hoạt động được trong cả bầu khí quyển lẫn ngoài không gian cho thế hệ oanh tạc cơ mới này.
Thượng tướng Sergei Karakayev, chỉ huy Lực lượng tên lửa chiến lược Nga xác nhận động cơ mô hình cho chiếc oanh tạc cơ mới đã được chế tạo và thử nghiệm thành công tại chi nhánh Học viện Quân sự Nga ở vùng Serpukhovo. “Khả năng hoạt động của động cơ thử nghiệm đã được chứng minh”, ông Karakayev khẳng định.
Tham vọng oanh tạc cơ vũ trụ của Nga - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

So kè oanh tạc cơ Mỹ – Nga

Máy bay ném bom chiến lược của Mỹ được đánh giá hơn về số lượng nhưng sở hữu vũ khí không lợi hại bằng máy bay cùng loại của Nga.
Phủ đầu từ vũ trụ
Theo RIA-Novosti dẫn lời Giáo sư Solodovnikov, chiếc oanh tạc cơ mới sẽ cất cánh từ sân bay bình thường trước khi bay vào không gian để thực hiện các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân.
“Từ sân bay bình thường, máy bay sẽ cất cánh để tuần tra không phận Nga. Một khi có lệnh, nó sẽ bay vào không gian để thực hiện cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu, sử dụng bom hạt nhân và sau đó quay trở lại căn cứ. Đây sẽ là loại máy bay ném bom chiến lược”, ông Solodovnikov giải thích.
Việc đóng máy bay mới, được cho là sẽ mang được 20 – 25 tấn vũ khí, có sự hỗ trợ của Viện Khí thủy động lực trung ương Nga, nhằm đảm bảo nó có khả năng bay với vận tốc bội siêu thanh, được kỳ vọng sẽ đạt Mach 5 hoặc hơn (hơn 6.000 km/giờ) và có tầm hoạt động chừng 6.000 – 9.000 km.
“Ngay bây giờ chúng tôi đang xem xét mọi vấn đề liên quan tới việc chế tạo máy bay, sẽ mất khoảng một năm. Sau đó, chúng tôi sẽ làm bản thiết kế, có thể khác hoàn toàn so với bản hiện tại. Một khi thống nhất về các kế hoạch, chúng tôi sẽ bắt đầu chế tạo động cơ. Trong năm thứ hai của quá trình phát triển, tức năm 2018, chúng tôi sẽ triển khai lắp đặt. Đến năm 2020, chúng tôi sẽ có một sản phẩm hoàn chỉnh đầy đủ chức năng”, theo Hãng Sputnik dẫn lời chỉ huy Lực lượng tên lửa chiến lược Nga.
Đến cuối tháng 8 tới, các nhà thầu liên quan tới dự án chế tạo máy bay này sẽ được xác định, ông Karakayev nói thêm.
Theo giới chức Nga, phiên bản thử nghiệm của mẫu máy bay mới sẽ ra mắt vào năm 2020, mang được các tên lửa không đối đất và không đối không cũng như bom thông minh. Sau các cuộc thử nghiệm, chiếc PAK-DA sẽ được biên chế cho không quân Nga từ năm 2025 – 2030. Oanh tạc cơ thế hệ mới sẽ thay thế các loại máy bay hoạt động tầm xa Tupolev Tu-95 và Tupolev Tu-160 mà không quân Nga đang sử dụng.
Nga muốn Trung Quốc đầu tư sản xuất PAK-DA?
Theo trang chinatopix.com, Nga được kỳ vọng sẽ kêu gọi Trung Quốc đầu tư vào chế tạo oanh tạc cơ thế hệ mới PAK-DA. Moscow từng một lần đưa ra lời chào mời với Bắc Kinh hồi năm 2014 song dường như bị từ chối. Hiện nhu cầu kêu gọi Trung Quốc đầu tư trở nên cấp thiết hơn do Moscow đang thiếu tiền nghiêm trọng vì chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt kinh tế theo sau cuộc khủng hoảng Ukraine hồi năm 2014. Tuy nhiên, Nga rất xem trọng việc chế tạo máy bay ném bom chiến lược mới nên Tổng thống Putin đã ra lệnh triển khai, bất chấp các yêu cầu công nghệ phức tạp cũng như vấn đề kinh phí. Cũng theo chinatopix.com, dự án PAK-DA gần như đã bị huỷ bỏ vào năm 2012, một phần là do thiếu tiền. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng thời điểm này Trung Quốc có thể muốn đầu tư vì không có chiếc máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6 nào của Trung Quốc (tương đương với chiếc B-52 của Mỹ) có khả năng vươn tới Mỹ. H-6 có tầm hoạt động 3.600 km trong khi khoảng cách từ Bắc Kinh đến Washington D.C là 11.000 km.


 

Danh Toại