30/12/2024

Nói không với hộ chiếu 
“đường lưỡi bò”

Sau phán quyết của PCA, chúng ta cần lên tiếng phản đối mạnh hơn nữa. Chúng ta yêu cầu Trung Quốc phải thay đổi mẫu hộ chiếu, xoá “đường lưỡi bò” phi pháp…

 

Nói không với hộ chiếu 
“đường lưỡi bò”

 

 Sau phán quyết của PCA, chúng ta cần lên tiếng phản đối mạnh hơn nữa. Chúng ta yêu cầu Trung Quốc phải thay đổi mẫu hộ chiếu, xoá “đường lưỡi bò” phi pháp…

 

 

 

 

Nói không với hộ chiếu 
“đường lưỡi bò”
Đoàn du khách Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai, trong số này có bốn hộ chiếu bị đóng dấu huỷ vì có “đường lưỡi bò” – Ảnh: HỒNG THẢO

Toà trọng tài (PCA) vừa ra phán quyết mang tính lịch sử, bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” ngang ngược của Trung Quốc. Nhưng, sau phán quyết đó và ngay khi bạn cầm tờ báo này, hàng triệu “lưỡi bò” tiếp tục đổ vào Việt Nam. Bởi nó nằm trên hộ chiếu Trung Quốc.

Hộ chiếu có “đường lưỡi bò” là một trong những hệ quả xấu đến từ quyết định quảng bá lập trường sai trái của Bắc Kinh về các tranh chấp biển và bản đồ này đã được Toà trọng tài chứng minh là vô giá trị và không có căn cứ lịch sử vào ngày 12-7

GS JONATHAN LONDON (Đại học Thành thị Hong kong)

Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) là một trong những nơi có số lượng người Trung Quốc làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam đông nhất. Mỗi ngày có khoảng 2.000 – 3.000 lượt người Trung Quốc sang Việt Nam du lịch, chuyên gia, lao động, người đi buôn bán…

Từ năm 2012, đồn biên phòng số 7 (biên phòng Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) cùng các bộ phận chức năng làm thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu phát hiện công dân Trung Quốc sử dụng mẫu hộ chiếu mới có những điểm “bất bình thường”, ở một số trang phía cuối có in đường chín đoạn (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”).

Không đóng dấu lên hộ chiếu có “đường lưỡi bò”

Ngay từ thời điểm đó, đồn biên phòng số 7 đã không đóng dấu chứng thực vào tấm hộ chiếu in hình ảnh “đường lưỡi bò”.

Ông Trần Ngọc Tuấn, giám đốc một công ty du lịch tại TP Móng Cái, cho biết: “Đối với khách Trung Quốc sử dụng hộ chiếu mới có in “đường lưỡi bò” thì bộ phận cán bộ phụ trách xuất nhập cảnh thường để riêng ra xử lý. Những khách này phải chấp nhận sử dụng tờ thị thực rời do Việt Nam cấp chứ không được đóng dấu trực tiếp vào hộ chiếu. Mỗi lần như thế chúng tôi đều giải thích cho họ hiểu hình ảnh về “đường lưỡi bò” trên hộ chiếu không có giá trị pháp lý nên Việt Nam không thể đóng dấu vào đây” – ông Tuấn nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 
14-7, ông Nguyễn Xuân Ký – phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh (nguyên bí thư Thành ủy TP Móng Cái nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020, mới chuyển công tác từ giữa tháng 6) – cho biết hộ chiếu của người Trung Quốc có in “đường lưỡi bò” đều là hộ chiếu phổ thông chứ hộ chiếu công vụ thì không in.

“Khi cấp thị thực rời thì các cơ quan chức năng Việt Nam không phải đóng dấu chứng thực vào hộ chiếu của công dân Trung Quốc, qua đó thể hiện quan điểm không công nhận bản đồ “đường lưỡi bò” của họ dưới bất cứ hình thức nào. Du khách Trung Quốc vào Việt Nam sẽ sử dụng thị thực rời này thay hộ chiếu” – ông Ký nói.

Cương quyết từ chối

Một cán bộ làm thủ tục xuất nhập cảnh tại sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết hiện tại mỗi tuần hòn đảo du lịch này đón khoảng 1.000 du khách Trung Quốc.

Để hoàn tất thủ tục nhập cảnh cho những trường hợp sử dụng hộ chiếu có hình “đường lưỡi bò”, bộ phận chức năng sẽ yêu cầu họ cung cấp thêm hình ảnh, thông tin để làm tờ khai nhập cảnh riêng, không có hình ảnh “đường lưỡi bò” trên đó mới được nhập cảnh vào đảo Phú Quốc.

Một lãnh đạo đơn vị công an xuất nhập cảnh TP.HCM cho biết những năm gần đây, các hộ chiếu du khách Trung Quốc khi nhập cảnh vào Việt Nam in bản đồ có hình “đường lưỡi bò” tại các trang số 8, 24, 46.

Do không chấp nhận “đường lưỡi bò” nên cơ quan quản lý xuất nhập cảnh chỉ cấp thị thực rời cho du khách bấm kèm vào hộ chiếu, đồng thời các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cũng không đóng dấu lên hộ chiếu có hình “đường lưỡi bò”.

Tại Đà Nẵng, Chi cục Hải quan sân bay Đà Nẵng đã từng ngăn chặn kịp thời nhiều vụ người Trung Quốc mang vào Việt Nam bản đồ thể hiện “đường lưỡi bò” và ấn phẩm in lãnh thổ Việt Nam không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ông Huỳnh Tấn Vinh – chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng – nói: “Không vì chú trọng đến lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng lên mà đánh mất chủ quyền quốc gia khi chấp nhận cái hộ chiếu trái phép đó. Phải cương quyết từ chối nhập cảnh những du khách nào sử dụng hộ chiếu có in bản đồ “lưỡi bò” trong đó”.

Đóng dấu “hủy” 
vào thị thực đã cấp

Tại sân bay Nội Bài, mỗi tháng trung bình có khoảng 100.000 người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam, đối với những người sử dụng hộ chiếu phổ thông có in “đường lưỡi bò”, các cơ quan chức năng sẽ không đóng bất cứ dấu nào vào hộ chiếu.

Thay vào đó, bộ phận làm thủ tục xuất nhập cảnh chỉ cấp một tờ thị thực rời cho những hành khách này, đóng dấu nhập cảnh vào chính tờ thị thực rời do Việt Nam cấp. Tại các cửa khẩu quốc tế Lào Cai, Lạng Sơn, các đồn biên phòng cũng có cách làm tương tự.

Tuy nhiên, từ trước khi thực hiện việc cấp thị thực rời, do không phát hiện kịp thời trong một số mẫu hộ chiếu mới của công dân Trung Quốc có in “đường lưỡi bò” nên cơ quan làm thủ tục xuất nhập cảnh tại một số cửa khẩu đã lỡ cấp thị thực vào hộ chiếu này.

Sau đó, khi làm thủ tục xuất nhập cảnh, nếu phát hiện cuốn hộ chiếu nào có “đường lưỡi bò” đã được cấp thị thực thì lực lượng chức năng sẽ đóng dấu “hủy” vào chính thị thực đó.

Thông tin với Tuổi Trẻ ngày 
14-7, một lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết từ năm 2012, Việt Nam đã chính thức lên tiếng phản đối, không công nhận hộ chiếu có in “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Tuy nhiên từ đó đến nay, nhiều công dân Trung Quốc vẫn sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới có in hình “đường lưỡi bò”.

Tất cả những người mà Tuổi Trẻ đặt câu hỏi hôm nay đều cho rằng: Sau phán quyết của PCA, chúng ta cần lên tiếng phản đối mạnh hơn nữa. Chúng ta yêu cầu Trung Quốc phải thay đổi mẫu hộ chiếu, xoá “đường lưỡi bò” phi pháp này.

Vô lý như “trò cười”

Một số chuyên gia nghiên cứu về quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt – Trung cho biết không chỉ Việt Nam mà nhiều nước như Ấn Độ, Philippines cũng lên tiếng mạnh mẽ phản đối mẫu hộ chiếu mới của Trung Quốc in “đường lưỡi bò”. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc rất dễ bị cô lập, người dân của họ gặp nhiều phiền hà nếu tiếp tục sử dụng mẫu hộ chiếu này, nhất là sau khi PCA đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” thì những cuốn hộ chiếu này càng trở nên vô lý giống như “một trò cười”.

Philippines đã tuyên bố sẽ không đóng dấu lên hộ chiếu mới của Trung Quốc, cho rằng việc này chẳng khác nào thừa nhận tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh. “Philippines phản đối mạnh mẽ việc đưa đường chín đoạn trong hộ chiếu bởi nó bao phủ khu vực rõ ràng là một phần phạm vi lãnh thổ và hàng hải của Philippines” – người phát ngôn Philippines Albert del Rosario nói. Thay vào đó, Philippines đóng dấu lên một thị thực rời cho các công dân Trung Quốc.

Không chỉ ở Biển Đông, Ngoại trưởng Ấn Độ khi đó là Salman Khurshid cũng lên án bản đồ vẽ bang Arunachal Pradesh và Aksai Chin thuộc lãnh thổ của Trung Quốc là “không thể chấp nhận được”. Đáp lại, chính quyền New Delhi phát hành thị thực rời với bản đồ các vùng mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền.

THÂN HOÀNG – TRẦN PHƯƠNG

“Lưỡi bò” đã bị cắt bằng “lưỡi dao pháp lý”

PCA ra phán quyết không chỉ bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý, mơ hồ, vô căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông, mà quan trọng hơn nữa tòa đã kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách “quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường chín đoạn.

Nói cách khác, tòa đã làm rất rõ về “quyền lịch sử” đối với “tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường chín đoạn”, chứ không phải “chủ quyền lịch sử” với các thực thể đảo, đá, bãi cạn lúc nổi lúc chìm bên trong đường chín đoạn như cách giải thích của Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Một là thể hiện rõ tính đúng đắn và hợp pháp của phán quyết vì phán quyết này là việc ứng dụng, giải thích UNCLOS 1982 chứ không liên quan đến “chủ quyền/lãnh thổ” và phân định biển, nên Trung Quốc không thể bác bỏ. Hai là bác bỏ “quyền lịch sử” với các tài nguyên biển bên trong đường chín đoạn, hoàn toàn phù hợp với quy định của UNCLOS 1982.

Như vậy, có thể thấy rằng về cơ bản “cái lưỡi bò” đã bị “cắt” một cách chuẩn xác bằng “lưỡi dao pháp lý” được Công ước của Liên hiệp Quốc về Luật biển 1982 “luyện rèn nên”.

Tuy nhiên, nên nhớ rằng trong Biển Đông vẫn còn tồn tại những tranh chấp khác nữa, còn phức tạp hơn nhiều; đòi hỏi các bên liên quan cần có thiện chí để đàm phán giải quyết một cách hoà bình: đó là tranh chấp quyền thụ đắc lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; tranh chấp phân định ranh giới các vùng chồng lấn; tranh chấp về quyền tự do hàng hải, hàng không; về bảo vệ môi trường…

Ông TRẦN CÔNG TRỤC (nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ) - T.HOÀNG ghi

THÂN HOÀNG – ÁI NHÂN
 – VIỆT HÙNG