02/11/2024

Hôm nay dân Anh bỏ phiếu đi hay ở EU

Đồng hồ chỉ còn tính theo giờ trước thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu ý dân vốn sẽ quyết định mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và phần còn lại của châu Âu trong nhiều năm tới.

 Hôm nay dân Anh bỏ phiếu đi hay ở EU

Đồng hồ chỉ còn tính theo giờ trước thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu ý dân vốn sẽ quyết định mối quan hệ giữa Vương quốc Anh và phần còn lại của châu Âu trong nhiều năm tới.

Hôm nay dân Anh bỏ phiếu đi hay ở EU

“Nụ hôn chống lại thù ghét”. Đó là nội dung kêu gọi của hai người trẻ Đức ủng hộ Anh ở lại với EU. Ảnh chụp trước Cổng Brandenburg, thủ đô Berlin ngày 19-6 – Ảnh: Reuters

 

“Sẽ không có cơ hội quay đầu nếu chúng ta rời EU. Nếu chọn ra đi, chúng ta sẽ ra đi cùng với những hệ quả dành cho tất cả người dân Anh

Thủ tướng Anh David Cameron

 

Hôm nay 23-6, người dân Anh sẽ trả lời cho câu hỏi thoát ly hay ở lại Liên minh châu Âu (EU). Trước giờ bỏ phiếu, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỉ lệ người ủng hộ “đi” và “ở” gần như ngang nhau, phần “do dự” cũng khá cao với 14% cử tri chưa biết chọn bên nào.

Các thoả thuận thương mại, vấn đề nhập cư, luật lao động, quy định đi lại, các giao dịch tài chính… sẽ là những vấn đề nóng mà Anh và EU phải giải quyết nếu đa số người Anh lựa chọn nói lời chia tay.

Ra đi cũng không đơn giản

Sự kiện một thành viên EU muốn thoát ly khỏi khối là điều chưa có tiền lệ nên không ai biết lộ trình cụ thể sau cuộc trưng cầu ý dân sẽ như thế nào nếu phe Brexit (đòi rời EU) chiến thắng.

Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon về EU (2007) nêu: “Các quốc gia thành viên có quyền rút ra khỏi liên minh theo trình tự quy định bởi hiến pháp của mỗi nước”. Giai đoạn từ lúc Hội đồng châu Âu được thông báo về ý định ra đi của một nước thành viên cho đến lúc nước đó thật sự thoát ly EU có thể kéo dài đến hai năm hoặc hơn.

Một khi điều khoản 50 Hiệp ước Lisbon được thực thi, những điều kiện của Brexit sẽ được quyết định không phải bởi nước Anh nữa mà từ 27 thành viên còn lại của EU. Thoả thuận chỉ có hiệu lực nếu được Nghị viện châu Âu và 72% thành viên EU còn lại, đại diện tối thiểu 65% dân số, thông qua.

Trong giai đoạn này, luật của EU vẫn áp dụng đối với Anh, nước này vẫn tham gia vào các hoạt động chung chỉ trừ các cuộc thảo luận nội bộ của tổ chức. Khi việc thương thảo đã hoàn tất, EU sẽ đặt trước mặt Chính phủ Anh một văn bản dàn xếp việc ra đi cũng như quan hệ tương lai giữa hai bên (nếu họ thoả thuận thành công), London có lựa chọn là “đồng ý” hoặc “bỏ qua”.

Thủ tướng David Cameron trước đó tuyên bố Chính phủ Anh sẽ thực thi điều khoản 50 Hiệp ước Lisbon trong trường hợp Brexit xảy ra để bắt đầu quá trình thoát ly dài lê thê và khá phức tạp.

“Sẽ không có cơ hội quay đầu nếu chúng ta rời EU. Nếu chọn ra đi, chúng ta sẽ ra đi cùng với những hệ quả dành cho tất cả người dân Anh” – ông Cameron khẳng định.

Một số nhà bình luận gợi ý về khả năng một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai để “xác nhận lại” nhưng thực tế không có luật nào quy định điều này. Bản thân ông Cameron và nhiều chính khách EU đều bác bỏ khả năng một cuộc bỏ phiếu lần hai.

Hệ quả của Brexit

Có ý kiến cho rằng cuộc trưng cầu ý dân của Anh ngày 23-6 còn “đáng sợ và quan trọng hơn” so với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Trên hết, do vai trò quan trọng của nền kinh tế Anh, tác động của Brexit đối với hệ thống tài chính toàn cầu chắc chắn sẽ không nhỏ.

Ông Robert Kahn, thành viên Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR), cho rằng Brexit cũng tạo ra những rủi ro lớn đối với lĩnh vực tài chính của Anh, bởi London từ lâu đã đóng vai trò là “tấm đệm tài chính” cho phần còn lại của châu Âu.

Ông Kahn dự đoán về “sự tan vỡ của các thị trường tài chính” giữa Anh và EU, trong khi đầu tư nước ngoài vào Anh giảm có thể làm suy yếu tăng trưởng.

Theo hai chuyên gia về kinh tế là Sebastian Mallaby và Paul A. Volcker của CFR, ngoài kết quả đầu tiên của Brexit là tình trạng suy thoái kéo dài của Anh, có ba hậu quả có tầm quan trọng lớn hơn về dài hạn:

(1) Nó sẽ làm suy yếu sự đoàn kết của Vương quốc Anh;

(2) Một số nước EU sẽ cảm thấy ít thoải mái hơn về việc ở lại liên minh này nếu Anh ra khỏi EU, trong khi đó các phong trào dân tuý chống EU diễn ra trên khắp châu Âu sẽ bòn rút sinh lực của châu lục này từ tấm gương ra đi của Anh;

(3) Brexit sẽ làm tổn hại đến các ý tưởng hợp tác quốc tế trong thế giới đầy những thách thức và biến động, trong khi EU đóng một vai trò hình mẫu cho sự liên kết (ý tưởng một thị trường, đồng tiền chung…).

Theo trang Modern Diplomacy, nếu chỉ ở mức phân tích thì những ưu và nhược điểm của Brexit (Anh rời EU) và Bremain (Anh ở lại EU) bây giờ là như nhau.

Không ai đánh giá được ảnh hưởng cụ thể của mỗi lựa chọn về kinh tế hoặc chính trị. Brexit là sự hiện thực hóa giấc mơ của Anh về vai trò toàn cầu mới, ký ức về quá khứ thời đế chế, cũng như sự khẳng định thực tế rằng người Anh không, và sẽ không bao giờ, hoàn toàn là người châu Âu và ngược lại.

Vài nét về cuộc trưng cầu ý dân

* Tại sao có cuộc trưng cầu ý dân này?

– Dưới áp lực của những người đòi quyền tự chủ nhiều hơn cho nước Anh, tháng 1-2013, ông David Cameron tuyên bố chính phủ Đảng Bảo thủ sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về việc thoát ly EU nếu trúng cử.

Đảng Bảo thủ thắng cuộc bầu cử năm 2015 và không lâu sau Đạo luật trưng cầu ý dân về EU được Quốc hội Anh thông qua, làm cơ sở pháp lý cho cuộc bỏ phiếu ngày 23-6.

* Thời gian bỏ phiếu là khi nào?

– Các điểm bỏ phiếu ở Anh, Scotland, Xứ Wales và Bắc Ireland sẽ mở cửa từ 7g đến 22g ngày 23-6 (từ 13g ngày 23-6 đến 4g ngày 24-6, theo giờ Việt Nam).

Việc kiểm phiếu sẽ bắt đầu ngay khi điểm bỏ phiếu đóng cửa, kết quả dự kiến sẽ được công bố vào sáng 24-6 (giờ địa phương) nhưng điều này cũng phụ thuộc vào việc tiến độ kiểm đếm của 382 khu vực bỏ phiếu.

* Câu hỏi trưng cầu ý dân là gì?

– “Vương quốc Anh nên tiếp tục là thành viên của Liên minh châu Âu hay rời Liên minh châu Âu?”. Người bỏ phiếu đánh dấu X vào một trong hai lựa chọn: “Ở lại” hoặc “Rời đi”.

* Ai có quyền bỏ phiếu?

– Công dân Anh, Ireland và Khối thịnh vượng chung Anh trên 18 tuổi, đang sinh sống ở Anh hoặc nước ngoài và có tên trong danh sách đăng ký bầu cử tại Anh trong 15 năm qua. Công dân các nước EU khác (trừ Malta, Cyprus và Ireland) không được bỏ phiếu dù đang sinh sống tại Anh.

* Làm sao biết ai thắng?

– Trong một cuộc trưng cầu ý dân, bên nào kiếm được hơn 50% tổng số phiếu xem như thắng.