Bài toán cuộc đời của cô giáo trẻ
Tuổi Trẻ đăng bài viết đầu tiên gửi cho chương trình của tác giả Hữu Chơn, viết về cô giáo Trần Thị Thêm dạy toán ở Trường THCS Trường Thạnh (P.Trường Thạnh, Q.9, TP.HCM) dạy cho học trò bao bài toán khó nhưng lại chưa giải được bài toán của cuộc đời mình.
CHƯƠNG TRÌNH “ĐỒNG HÀNH CÙNG NGƯỜI THẦY”:
Bài toán cuộc đời của cô giáo trẻ
Tuổi Trẻ đăng bài viết đầu tiên gửi cho chương trình của tác giả Hữu Chơn, viết về cô giáo Trần Thị Thêm dạy toán ở Trường THCS Trường Thạnh (P.Trường Thạnh, Q.9, TP.HCM) dạy cho học trò bao bài toán khó nhưng lại chưa giải được bài toán của cuộc đời mình.
Cô giáo Thêm (phải) chơi cùng bé Trần Minh Quang. Ngồi cạnh là chủ nhà tốt bụng Lê Thị Trình – Ảnh: H.NHƠN |
Thuê căn phòng trọ chưa đầy 12m2 ở tận cuối con hẻm trên đường Lã Xuân Oai thuộc P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9 làm nơi tá túc, nhưng chẳng mấy khi vợ chồng cô giáo Trần Thị Thêm và hai con được họp mặt đông đủ ở nhà.
Nhà bốn người: ở ba miền đất nước
Tiếp tôi tại nơi ở vào một ngày cuối tuần, cô giáo Thêm vẫn chưa hết mệt mỏi, do chỉ trong vòng hai tuần cô đã phải đưa con trai đầu đi Bệnh viện Nhi Đồng 2 đến bốn lần. Bé Trần Minh Quang, 5 tuổi, bị hen suyễn bẩm sinh nên nhiều năm nay trở thành “bệnh nhân thân thiết” của các bác sĩ bệnh viện này, tháng nào cô cũng phải đưa bé đến đây khám vài lần.
Thế nhưng, đó mới chỉ là một phần khiêm tốn trong bao nỗi vất vả của cô giáo dạy toán này. Con trai thứ hai của cô, bé Trần Kim Khoa năm nay gần 2 tuổi nhưng bị chứng nhiễm khuẩn đường ruột từ khi mới hơn 1 tháng tuổi. Hai con đều mắc những bệnh mãn tính, cứ thay nhau đi bệnh viện nên tổng thu nhập 10 triệu đồng/tháng của vợ chồng cô như muối bỏ biển.
Không kham nổi gánh nặng tài chính nên khi bé Khoa mới 11 tháng tuổi, cô đành phải gạt nước mắt gửi con về quê Thái Bình nhờ ông bà ngoại phụ giúp.
Lúc tôi hỏi hằng tháng có phụ tiền sữa với bố mẹ cho Khoa không, cô chỉ ngậm ngùi: “Chuyện này phụ thuộc vào con đi bệnh viện nhiều hay ít”. Tiền nhà trọ, tiền điện, nước mỗi tháng 1,5 triệu đồng, tiền học của Quang 1,5 triệu đồng vừa hết trọn suất lương của cô, rồi bao nhiêu khoản chi tiêu khác. Một bài toán khó mà cô Thêm luôn phải vắt óc suy nghĩ nhưng vẫn chưa tìm ra lời giải.
Vì vậy, lẽ ra mỗi lần trẻ bị bệnh nặng cần được bồi dưỡng nhiều nhưng bé Quang thì ngược lại, phải giảm bớt khẩu phần sữa. Đến đồ chơi của bé Quang cô cũng phải đi xin những người có con đã học xong mầm non.
Cũng vì mưu sinh nên hai vợ chồng cô phải sống cảnh “Ngưu Lang, Chức Nữ”. Năm 2010, cưới nhau xong anh Trần Văn Quân – chồng cô – phải đi làm ở Hà Tĩnh. Cô thì ở quê nhà Thái Bình, vừa phụ cha mẹ chuyện đồng áng, vừa cố gắng xin đi dạy học.
Ngặt nỗi, địa phương của cô không thiếu giáo viên toán, nên chờ hết năm này tháng nọ vẫn không có kết quả. Vậy là cô Thêm lên mạng tìm cơ hội việc làm. Biết ở Q.9, TP.HCM có nhu cầu tuyển giáo viên toán bậc THCS, cô bàn với chồng và quyết định Nam tiến.
Vào tháng 8-2013, cô Thêm xuất sắc vượt qua đợt xét tuyển của Phòng GD-ĐT Q.9, để được đứng lớp.
Cô dạy gần 8 tháng thì bé Khoa ra đời. Niềm vui nhân đôi, nhưng khó khăn lại tăng thêm gấp nhiều lần. Trước đây anh Quân 3-4 tháng vào Sài Gòn thăm vợ con một lần nhưng hơn một năm nay, từ khi phải gửi Khoa về quê ngoại, anh phải luân phiên quý này vào Nam thăm vợ và bé Quang, quý sau thì ra Bắc thăm Khoa và người thân.
Đã thế, mẹ ruột anh Quân bị bệnh thần kinh nên anh còn phải phụ giúp bố lo cho mẹ. Gia đình nhỏ bé của cô Thêm chỉ có bốn người nhưng phải chia ra ở khắp ba miền đất nước.
Phép tính chưa tìm được ẩn số
Hoàn cảnh gia đình khó nhọc là vậy nhưng cô Thêm không bao giờ để ảnh hưởng đến việc dạy học. Thầy Trần Nguyễn Quốc Tuấn – hiệu trưởng Trường THCS Trường Thạnh – cho biết: “Những hôm cô Thêm đưa con đi khám bệnh phải xin nghỉ, do các giáo viên khác cũng có tiết dạy, không ai thay thế, nên cô đã xin dạy bù vào thứ bảy, đảm bảo chương trình và chất lượng chuyên môn”.
Biết hoàn cảnh của cô Thêm, năm nào ban giám hiệu trường cũng đề nghị UBND P.Trường Thạnh và ngành giáo dục trợ cấp khó khăn vào các dịp lễ, tết, góp phần động viên tinh thần cho cô. “Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, vậy mà Tết Bính Thân vừa qua, khi được biết bác bảo vệ của trường có vợ bị bệnh nặng, cô Thêm đã xin nhường suất quà tết của mình cho bác. Nghĩa cử cao đẹp ấy của cô luôn được đồng nghiệp nhắc đến với tất cả sự khâm phục.
Ở hiền gặp lành, cô Thêm được bà chủ nhà trọ Lê Thị Trình xem như ruột thịt. Chính cô cũng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần bé Quang bị bệnh phải nghỉ học, cô gửi con cho bà Trình coi giúp, rồi tranh thủ chạy lên trường dạy đủ hai tiết theo thời khoá biểu.
Tháng nào con đi bệnh viện nhiều cũng đồng nghĩa với việc cô nợ tiền phòng trọ. Biết cô Thêm khó khăn, bà Trình luôn sẵn lòng thông cảm: “Không riêng tôi mà xóm trọ này ai cũng thương hoàn cảnh cô Thêm. Vợ chồng cô còn là tấm gương về nghị lực vượt khó cho chúng tôi”.
Cô Thêm cho chúng tôi biết được nghỉ hè đến hết tháng 6, cô sẽ đi gặp một số người quen, bạn bè mượn tạm ít tiền để hai mẹ con mua vé xe về quê thăm ông bà và bé Khoa. Nghe cô vui mừng kể mà chúng tôi ngậm ngùi, bởi một việc hết sức dễ dàng với nhiều người nhưng lại quá cao xa với cô giáo này.
Mời bạn đọc “Đồng hành cùng người thầy” Nhằm tiếp sức các thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn yên tâm đứng trên bục giảng, báo Tuổi Trẻ và Thành đoàn TP.HCM tổ chức chương trình “Đồng hành cùng người thầy”. Chương trình sẽ trợ vốn vay không lãi suất để làm kinh tế gia đình và các hỗ trợ khác, dành cho những giáo viên vượt khó. Có hai hình thức để bạn đọc báo Tuổi Trẻ tham gia “Đồng hành cùng người thầy”: một là giới thiệu họ tên, số điện thoại và tóm tắt hoàn cảnh của những thầy cô đang giảng dạy có hoàn cảnh khó khăn đến với Tuổi Trẻ. Hai là tham gia viết bài về những thầy cô có tâm, có tài, kiên cường vượt khó bám trụ với nghề và hết lòng với học trò nhưng gặp khó khăn. Bài viết dự thi phải là người thật việc thật, độ dài không quá 1.500 từ, chưa đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Chương trình sẽ trao giải thưởng cho 10 bài viết hay (trị giá 3 triệu đồng/giải, kỷ niệm chương). Trong giai đoạn 1 (2016 – 2018), chương trình sẽ dành 2,2 tỉ đồng để trợ vốn cho 100 giáo viên, trao 100 suất học bổng (2 triệu đồng/suất) và hỗ trợ phương tiện học tập cho con em giáo viên; ngoài ra còn trao giải thưởng cho bài viết hay về người thầy… Các thư giới thiệu hoặc bài viết gửi về ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc email: [email protected]. |