01/11/2024

Gieo những yên vui

Chuyện kể rằng dưới gốc cây kia rất nhiều quả chò đang nằm nghỉ thảnh thơi, có rất nhiều cơn gió ngang qua nhưng chỉ quả chò duy nhất chịu “đi”. Cuộc hành trình của chò bắt đầu từ khi nó quyết định sẽ “đi”.

  

Gieo những yên vui

 

Chuyện kể rằng dưới gốc cây kia rất nhiều quả chò đang nằm nghỉ thảnh thơi, có rất nhiều cơn gió ngang qua nhưng chỉ quả chò duy nhất chịu “đi”. Cuộc hành trình của chò bắt đầu từ khi nó quyết định sẽ “đi”.

 

 

 

 

Gieo những yên vui
Chia sẻ và hình ảnh của cô Loan – một người khuyết tật bán vé số – mà Gieo đã gặp khi đến với nhóm người khuyết tật -Ảnh: M.Trang chụp từ triển lãm

 

 

Quả chò là hình ảnh biểu tượng của Gieo – dự án mang nghệ thuật đến với cộng đồng của Không gian sáng tạo Toa Tàu. Với bảy hành trình Gieo trải dài gần sáu tháng qua, buổi triển lãm và “tâm sự mỏng”, cùng nhau nhìn lại chặng đường của Gieo diễn ra sáng 12-6 tại Không gian Toa Tàu (632 Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã để lại những cảm xúc trong veo với người thưởng thức.

Khi tôi hỏi nghệ thuật là gì? Có rất nhiều câu trả lời làm chúng tôi bất ngờ. Có bạn nói nghệ thuật là cuộc sống, là quê hương, 
là cuộc đời, là những điều chẳng xa vời. Vậy thì tại sao chúng ta không cùng nhau tạo ra nghệ thuật?

Chị THU LÀNH (trưởng dự án Gieo)

Khơi nguồn cảm hứng

“Cũng như cơn gió kia, Gieo không mang đến cho bạn cả một chuyến đi. Gieo chỉ mong khơi nguồn cảm hứng trong bạn, đánh thức những cảm xúc và ước muốn trong bạn. Và rồi chính bạn sẽ là người quyết định bước tiếp như thế nào” – chị Thu Lành, trưởng dự án Gieo, nheo mắt cười nói.

Buổi triển lãm của Gieorất kỳ lạ! Trên một dãy ghế nhiều màu sắc, ba bà mẹ trẻ đang ẵm bồng con nhỏ bằng một tay, tay còn lại là bút màu. Và họ đang vẽ! Họ bật cười thích thú trước những yêu cầu của người hướng dẫn. Niềm vui của họ có thể đong đếm qua ánh mắt, khoé miệng. Ở một góc khác, một người nước ngoài đang cố gắng vẽ cô gái đối diện anh bằng… tay trái.

Đây là lần đầu tiên anh đến với Gieo và không giấu được sự bất ngờ. Ở một góc khác, Hiền Anh – chàng trai khiếm thính và cũng không nói được – chăm chú theo dõi cuộc trò chuyện với sự hỗ trợ của người nói chuyện bằng ngôn ngữ ký hiệu. Và dĩ nhiên, trong không gian rực rỡ những cánh chò xanh đỏ của Gieo không thể thiếu những bạn trẻ giàu năng lượng với nhiều câu chuyện hay, những trải nghiệm thú vị…

Buổi gặp gỡ này thật ra khá giống những lần Gieo mà nhóm thực hiện suốt sáu tháng qua. Đó là đi, gặp gỡ và thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật gieo niềm vui, lắng nghe những câu chuyện, bộc lộ những cảm xúc để cùng nhau “chữa lành” nhiều buồn đau trong cuộc sống.

Gieo đã đến với bọn trẻ xóm ngụ cư trong một buổi chiều lộng gió, cùng nhau làm những con diều xinh đẹp thả bay lên trời. Gieo cũng đến với một nhóm nhân viên văn phòng để cùng nhau vẽ tranh và chia sẻ những câu chuyện nhỏ. Khi được hỏi cách nào thư giãn sau rất nhiều công việc, một chị nghĩ một lúc rồi trả lời: À, lâu rồi không được hôn!

Chạm vào vẻ đẹp

Gieo những yên vui
Cô bé đen nhẻm ở xóm ngụ cư với con diều giấy tự làm cùng Gieo – Ảnh chụp lại từ triển lãm

Câu chuyện của Gieo với nhóm khuyết tật, nhóm trẻ em xương thuỷ tinh, nhóm công nhân, nhóm CLB đội – nhóm… cũng đầy ắp kỷ niệm đẹp được ghi chép cẩn thận và trưng bày thật bắt mắt trong triển lãm.

 Có những người dừng lại rất lâu, đọc kỹ từng câu chuyện, rồi lặng yên suy nghĩ, như câu chuyện của cô Loan – một người khuyết tật đi bán vé số trong lớp học vẽ của Gieo: “Cô ở Bình Dương, nghỉ một ngày bán vé số để tới đây vẽ. Cô cảm ơn vì đã cho cô có thời gian nhìn lại cuộc đời mình, thấy yêu mẹ hơn tất cả. Cô có con gái nhưng nó không có thích gần mình, chắc tại mình như vầy, còn nghèo nữa. Mà thôi kệ nó đi, bữa nay vẽ vui quá rồi…”

Mai Hà – một tình nguyện viên của Gieo – chia sẻ rằng điểm chung trong mỗi lần đi Gieo của cô là đều cố gắng… nhịn khóc. “Những câu chuyện đều đẹp, dù bằng cách này hay cách khác. Dù họ là ai, khi chạm vào vẻ đẹp, người ta sẽ đồng thời chạm vào nơi nguyên sơ, sâu thẳm trong lòng mình; nơi có hết thảy ký ức, mơ ước và hi vọng trong lành”.

Chị Bảo Dung – một phụ nữ hoạt động rất tích cực trong công tác thiện nguyện, nhận nuôi nhiều trẻ cơ nhỡ ở các mái ấm – thừa nhận khi đến với Gieo: “Chỉ khi tham gia cùng Gieo, tôi mới biết mình dở trong nhiều thứ lắm. Từ đó tôi học cách chấp nhận sự dở ấy của mình và thôi nhìn người khác bằng ánh mắt dò xét, chấp nhận sự khác biệt hơn. Cũng từ đây tôi biết được cách làm việc với trẻ, rằng chúng làm gì cũng có lý do của mình và đừng bao giờ chê bai trẻ nhỏ”.

Cuộc triển lãm và trò chuyện của Gieo tưng bừng bởi tranh, ảnh, video, chuyện kể có ở khắp nơi. Người đi xem mỏi chân thì ngồi lại nghe kể chuyện, nghe những ca khúc nhóm tự sáng tác, tự hát rất dễ thương bằng đàn ukulele…

Mới chỉ sáu tháng và hành trình Gieo cũng chỉ vừa đặt những viên gạch đầu tiên: hồng hào, đầy hi vọng. Những người tạo ra Gieo mong rằng cùng với những “viên gạch” khác trong cuộc đời, Gieo sẽ là cơn gió nâng đỡ những cánh chò muốn bay lên, mang đến niềm vui và sự an lành trong cuộc sống.

Gieo những yên vui

Chị Thu Lành – trưởng dự án trong chương trình Gieo tổ chức ở một xóm trẻ ngụ cư – Ảnh: Quang Trầm

Được Không gian sáng tạo Toa Tàu, Quỹ Global Giving của Ford và Trung tâm Live & Learn đồng sáng lập, Gieo là một dự án cộng đồng phi lợi nhuận, hoàn toàn miễn phí dành cho mọi người, đặc biệt là những người ít có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật, nhằm khơi gợi cái đẹp, khuyến khích sự sáng tạo và chia sẻ.

Bắt đầu hành trình vào tháng 11-2015, Gieo đã thực hiện tổng cộng sáu workshop (trò chuyện, thực hành) cho nhiều nhóm đối tượng với độ tuổi đa dạng từ 4-64 tuổi trên khắp địa bàn TP.HCM.

Bắt đầu từ tháng 6-2016, Gieo tiếp tục tìm kiếm những tình nguyện viên (thông qua Facebook Gieo) để thực hiện dự án giai đoạn 2, tổ chức thêm nhiều workshop ý nghĩa tại 
TP.HCM và các tỉnh lân cận.

MINH TRANG