01/11/2024

Đời người dưới cánh rừng thông

Đó là những người cạo nhựa thông đến từ Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Giang… sống đời “du mục” dưới các tán rừng thông già được các nông trường trồng mấy chục năm trước để khai thác.

 

Đời người dưới cánh rừng thông

 

Đó là những người cạo nhựa thông đến từ Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Giang… sống đời “du mục” dưới các tán rừng thông già được các nông trường trồng mấy chục năm trước để khai thác. 

 

 

 

 

Đời người dưới cánh rừng thông
Hai vợ chồng bà Thắm cùng chị Hoàng Thị Phan lấy nhựa thông trên đồi Đắk Tăng (Kon Tum) – Ảnh: T.Vũ

Họ đi cùng nhiều thế hệ trong gia đình và lập thành những ngôi làng nhỏ, di động, lang thang giữa đại ngàn.

Mặt trời gác sau đỉnh núi Đắk Nưa, bóng tối bắt đầu vây lấy thung lũng Vi Rin (xã Đắk Tăng, Kon Plong, Kon Tum), đó là lúc đoàn người gồng gánh nhựa thông quay về căn lều dã chiến.

Ông Vi Văn Lực (50 tuổi) đeo cây cung và ống tên lủng lẳng trên vai, đưa hai con sóc vừa bắn được, cười bảo: “Bữa tối nay cả nhà đã có thịt!”.

Làm nghề lấy nhựa thông sợ nhất là những cơn mưa rừng bất chợt. Nhựa thông nhẹ hơn nước, phải mất 2 – 3 giờ mới đông cứng, nếu một cơn mưa rừng trút xuống thì một ngày cạo nhựa thông sẽ thành công cốc bởi nhựa sẽ theo nước trôi xuôi

Ba đời dưới gốc thông

Thả bịch củi khô nhặt ở bìa rừng bên mép suối, thằng Tuấn cháu ông Lực vội vã cầm hai con sóc đi làm thịt. Bà Lê Thị Thắm, vợ ông Lực, vừa xua đám ruồi vàng vo ve hút máu, vừa nhổ những cây cải già ngoài vườn rau tự trồng quanh căn lều để chuẩn bị bữa tối.

Bà Thắm bảo gần 30 năm theo chồng lang thang khắp những cánh rừng già ở Tây nguyên sống bằng nghề cạo nhựa thông nên nếp sống ở rừng đã quá quen thuộc.

Bữa cơm tối đượm buồn bên chiếc đèn dầu nhựa thông cháy leo lắt, ánh sáng đủ soi rọi cho bảy con người ngồi trong túp lều phủ bạt. Món thịt sóc kho cải xanh, một ít nước cơm sền sệt đục hoà với muối trắng làm canh, mọi người qua bữa tối.

Nhấp ly rượu trắng, ông Lực kể đến nay gia đình ông đã ba đời sống bằng nghề lấy nhựa thông. Tuổi thơ của ông là những ngày lang thang theo cha đi rảo khắp các cánh rừng ở vùng An Lạc, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang để săn bắt và lấy nhựa thông.

“Có những ngày chúng tôi qua tận bên biên giới Trung Quốc để đi cạo nhựa thông thuê cho những ông chủ bên đó. Năm 1989, tôi vào Tây nguyên và phát hiện những cánh rừng thông bạt ngàn cổ thụ. Tôi nghĩ cuộc đời mình từ đây sẽ thuộc về những gốc thông già này” – ông Lực kể.

Ông Lực nói nghề lấy nhựa thông không ai giàu có, nhưng cuộc sống tự do giữa rừng già giống như con nai, con hoẵng đã cuốn hút ông lúc nào không hay biết.

Từ những cánh rừng thông ở Đắk Lắk, qua Đắk Nông, đến Tu Mơ Rông ở Kon Tum mỗi nơi ông đều dựng lều sống vài ba năm, khi những cây thông cho hết nhựa ông lại vạch rừng tìm những đồi thông khác.

Mỗi cây thông cho nhựa từ 0,5 – 1kg trong một tháng. Nhưng mỗi ngày người đi lấy nhựa thông phải đều đặn cạo lớp vỏ cây thông để nhựa chảy ra.

Một túi nilông đặt dưới gốc thông để hứng nhựa, cuối tháng khi nhựa thông đông cứng, người đi lấy nhựa sẽ gom các túi nilông này và đóng gói rồi mang đi giao cho chủ hàng.

Xoè đôi bàn tay chai sạm, ông Lực nhẩm tính để có được thu nhập chừng 5 triệu đồng/tháng, mỗi người trung bình một ngày phải cạo khoảng 1.800 – 2.000 gốc thông.

Với giá nhựa thông bán cho chủ 10.000 đồng/kg hiện tại, gia đình ông thu nhập khoảng 6 – 8 triệu đồng/người, trừ các khoản mắm muối, gạo, thuốc mỗi người còn dư ra được 4 – 5 triệu đồng/tháng.

Bà Thắm kể những ngày đầu theo chồng vào rừng sâu nước độc sinh sống, đêm nào bà cũng lặng lẽ gạt nước mắt vì nhớ con, nhớ chòm xóm. Nhưng cứ ở quê quanh quẩn với những cánh đồng thất bát vì mất mùa, với đói rách nên bà quyết định ra đi.

“Mỗi tháng hai vợ chồng ra khỏi rừng, tìm chỗ nào có sóng điện thoại, mua cái thẻ 100.000 đồng nạp vào gọi cho con, gọi cho hàng xóm, nói chuyện hết tiền thì lại chui vào rừng ” – bà Thắm kể.

Rồi bà chợt nghĩ sao không gọi hàng xóm, kêu láng giềng và anh chị em vào đây cùng làm cho đỡ nhớ!? Nhiều đêm trăn trở, bà quyết định để chồng một mình giữa rừng, bắt xe đò về quê, gọi anh em, hàng xóm và dẫn cả cậu con trai vừa xuất ngũ về cùng nhau dắt díu vào Tây nguyên.

Đời người dưới cánh rừng thông
Căn chòi dã chiến của Vi Văn Lý và người yêu giữa rừng Kon Plong – Ảnh: V.Hùng

Lãng khách 
dưới rừng già

Ông Hoàng Văn Ký (49 tuổi) cùng vợ và hai người con là một trong những gia đình ở huyện Sơn Động, Bắc Giang theo ông Lực vào Tây nguyên làm nhựa thông được 4 năm. Ông Ký bảo những ngày đầu còn lớ ngớ chưa biết cầm con dao cạo vỏ cây thông như thế nào.

Rồi ông Lực tận tay chỉ dạy, chưa đầy một tuần sau ông Ký thạo việc. Gia đình ông Lực còn nhường cả cánh rừng thông ông đã khai phá hơn 10.000 gốc cho gia đình ông Ký để tiếp tục khai phá cánh rừng mới.

Cứ thế người thạo việc chỉ dạy cho người mới vào nghề cách lấy nhựa thông, dần dà hàng chục gia đình ở đây ai cũng làm được việc. Người có rừng thông cũ, người thạo việc, thạo rừng lại nhường chính cánh rừng của mình cho những người mới vào nghề để tiếp tục đi khai phá rừng thông mới.

“Ở giữa rừng hoang vắng này chúng tôi không thương yêu nhau, không giúp đỡ nhau thì không tồn tại được” – ông Ký nói.

Ông Ký kể rằng từ ngày bỏ quê, bỏ tay cuốc, tay cày lên Tây nguyên, núi rừng cuốn hút ông một cách mãnh liệt. Cuộc sống giữa rừng tự do, quen mưa nắng và chẳng ồn ào đã níu chân họ.

“Ở đây mọi người làm việc chẳng cần đếm tháng, đếm ngày, mệt ở lều nghỉ, khỏe mang dao ra núi cạo nhựa thông, hết thức ăn thì tối tối mang cung tên ra rừng săn bắt thú nhỏ. Ở đây mấy năm rồi chúng tôi không thấy ánh điện, nhưng chẳng sao cả. Đêm nằm nghe tiếng ếch nhái kêu rồi lăn ra ngủ” – ông Ký vui vẻ nói.

Ngày làm việc của những người lấy nhựa thông bắt đầu từ 5g sáng đến tối mịt mới quay về lều. Bữa trưa là nắm cơm gói trong lá chuối rừng cùng muối trắng, ớt xanh hoặc rau kho.

Hôm chúng tôi đến, những người đàn bà được nghỉ ngơi, họ mang gương, lược ra cắt tóc cho nhau rồi gội đầu bằng thứ cây sa nhân thơm như mùi sả. Những người đàn ông tóc chấn ngang dày cộm không cần tỉa.

Ông Ký cười bảo: “Ở đây chỉ cần vui khoẻ nên chẳng cần đẹp. Áo quần dù hôi mùi khói bếp nhưng ai cũng có mùi như vậy thành quen”.

Với những người lấy nhựa thông thì những cánh rừng thông âm u ở Tu Mơ Rông nhắc nhớ một nỗi khiếp đảm. Có năm cả một mùa đông họ sống dưới tán cây rừng, chìm trong sương mà chẳng thấy ánh mặt trời. Bảy gia đình thì có ba người đi lạc lối. Cả những người một đời thạo rừng như ông Lực cũng phải đốt củi ngủ qua đêm vì không biết lối về.

Ông Lực kể những cây thông ở Tu Mơ Rông, dưới chân núi Ngọc Linh to ba bốn người ôm không xuể, da sần sùi và cho nhựa đến vài ba lít. Dưới gốc thông này, một lớp lá mục dày cả nửa mét, người đi chân không chạm đất và phập phồng như cảm giác đi trên nệm.

“Lạ lùng nhất ở Tu Mơ Rông là một thứ mùi hương phảng phất giữa rừng. Hít phải thứ hương rừng đó, con người có cảm giác cứ u u mê mê và chẳng biết lối ra. Đi một vòng thì quay về chỗ cũ như lạc trong mê cung” – ông Lực rùng mình kể.

Nhưng thứ mang lại cho những người làm nhựa thông yêu thích là sóc rừng nhiều vô kể. Những con sóc đến mùa động đực chạy cả bầy theo con cái, bám từng đoàn trên cành cây.

Ông Lực kể có những tháng mưa dầm dề, nước ở các khe suối dâng cao, ba bốn gia đình chỉ còn muối hột và thịt sóc nấu rau rừng là thứ họ cầm cự qua suốt mùa đông.

Hạnh phúc đơn sơ

Ở thung lũng Vi Rin nhiều gia đình sống quần tụ bên nhau, nhưng cũng có những túp lều bạt dựng đơn độc bên khe suối dành cho những đôi nhân tình trẻ.

Vi Văn Lý (23 tuổi) cùng người yêu của mình trú ngụ trong căn lều chơ vơ như vậy. Một chiếc chiếu, hai tấm chăn cũ, một túi nilông lớn hứng nước mưa từ tấm bạt để đựng nước sinh hoạt là những gì giá trị nhất trong căn lều này.

Năm 16 tuổi Lý cùng những trai tráng trong làng qua tận Quảng Đông (Trung Quốc) để làm cửu vạn. Cuộc sống bốc vác nơi đất khách quê người tiền nhiều nhưng tiêu xài hết, có những năm không còn tiền về quê.

Lý cùng người yêu quyết định theo những cư dân trong làng đi lấy nhựa thông và sống gần như ẩn dật giữa rừng già đã 4 năm.

“Chưa biết ngày mai ra sao nhưng bọn em thấy hạnh phúc. Khi nào có tiền thì kéo nhau về quê làm đám cưới” – Lý thổ lộ ước mơ của mình.

Cũng như Lý, lang thang từ Trung Quốc, qua Lào rồi về Tây nguyên với nghề lấy nhựa thông, Trịnh Văn Phú (26 tuổi, người huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) cùng vợ cắm lều trên một bãi cỏ xanh giữa đồi thông vi vút gió.

Phú bảo bây giờ rất khó dừng chân bởi cuộc đời anh đã như một lãng khách lấy rày đây mai đó làm vui.

Anh bảo bây giờ mình không thể về quê, vì: “Nếu có về thì cũng chỉ vài sào ruộng nước trời khô khốc. Trong khi bọn em ở đây với 4.000 gốc thông cho nhựa, khi nào thông già khô thì đi nơi khác. Sống vậy mà vui”.

TẤN VŨ – VIỆT HÙNG