27/12/2024

Tự tạo cơ hội: ‘Vua rừng’ nuôi hươu, nai

Có thu nhập bình quân mỗi năm gần cả tỉ đồng từ trồng rừng, bán cây giống nhưng ông Đào lại bất ngờ chuyển hướng sang đầu tư nuôi hươu, nai.

 

Tự tạo cơ hội: ‘Vua rừng’ nuôi hươu, nai

Có thu nhập bình quân mỗi năm gần cả tỉ đồng từ trồng rừng, bán cây giống nhưng ông Đào lại bất ngờ chuyển hướng sang đầu tư nuôi hươu, nai.




Ông Đào đang chăm sóc một con nai đực sắp lấy nhung /// Hoàng Trọng

Ông Đào đang chăm sóc một con nai đực sắp lấy nhungHOÀNG TRỌNG


Duyên nợ với rừng
Nhiều người dân địa phương gọi ông Nguyễn Bá Đào (50 tuổi, ở thôn Bình Long, xã Canh Vinh, H.Vân Canh, Bình Định) là “vua rừng” Bình Long. Hiện gia đình ông đang sở hữu 50 ha rừng trồng và 2 vườn ươm giống cây để cung cấp thường xuyên cho khách hàng tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai… Ông Đào nói rằng mình không phải là người có rừng trồng nhiều nhất ở địa phương nhưng trong khi nhiều gia đình chỉ xem trồng rừng là nghề phụ, để kiếm thêm thu nhập thì bản thân ông lấy đó làm kế mưu sinh.
Ông Đào bắt đầu tham gia phát rẫy trồng rừng từ năm 17 tuổi. Năm 30 tuổi, khi cưới vợ thì ông đã có 10 ha rừng trồng. Những năm sau đó, vợ chồng ông liên tục mua hoặc thuê dài hạn đất rừng để trồng keo lai. Cùng với việc mở rộng diện tích rừng trồng, ông còn đầu tư vườn ươm để tự cung ứng giống cho mình và bán cho người dân địa phương.
Đến năm 2010, khi phong trào trồng rừng lan rộng, gia đình ông Đào quyết định thành lập 2 vườn ươm cây giống với quy mô lớn. Ngoài ươm hạt, ông còn tiến hành cấy ghép hom giống keo lai để bán. Hiện bình quân mỗi năm vườn ươm của gia đình ông bán ra thị trường khoảng 3 triệu cây keo lai giống, thu về khoảng 500 triệu đồng. Trong vòng 5 năm, 50 ha rừng trồng keo lai sẽ giúp gia đình ông thu về khoảng 3,5 tỉ đồng. Không những vậy, trong khu rừng của mình, ông Đào còn trồng để bảo tồn nhiều giống cây đang có nguy cơ mất dần như: sao xanh, cây ươi, dó bầu, cây xoay…
Nuôi hươu, nai cho thu nhập cao
Năm 2010, ông Đào đầu tư chuồng trại để nuôi bò. Đúng 6 tháng sau, ông bán hết bò, dùng chuồng trại chuyển sang nuôi hươu, nai khiến bạn bè, hàng xóm bất ngờ. Ông mua 2 cặp hươu của một trang trại ở TP.Quy Nhơn với giá 40 triệu đồng. Sau đó, ông lại vào Phú Yên mua 2 cặp nai với giá 100 triệu đồng. Ông tự tìm hiểu kỹ thuật nuôi hươu, nai trên các sách báo, internet và đi tham quan, học hỏi thực tế ở các trang trại đã nuôi thành công.
Theo ông Đào, nuôi hươu, nai không khó như mọi người vẫn nghĩ, thậm chí còn dễ nuôi, vốn đầu tư và công sức bỏ ra ít nhưng thu nhập cao. Thức ăn cho hươu, nai là cỏ và các loại lá cây như: lá sung, lá mít, lá bưởi, lá xoan… Thậm chí, có thể tận dụng các loại trái cây bị hư hỏng mà con người không dùng được để làm thức ăn cho hươu, nai. Tuy nhiên, người nuôi phải chú ý là các con đực rất hung hăng trong mùa động đực nên có thể húc nhau làm gãy sừng, hư hỏng chuồng trại và có thể húc cả con người.
Thu nhập từ nuôi hươu, nai chủ yếu là bán nhung (sừng) và bán con giống, con thịt. Nhu cầu thu mua nhung hươu, nai để làm thuốc rất cao nên khỏi phải lo mối tiêu thụ. Hiện gia đình ông Đào đang nuôi 8 con nai (trong đó có 2 con đực đang lấy nhung) và 10 con hươu (3 con đực đang lấy nhung). Bình quân mỗi năm một con nai đực có thể lấy được khoảng 3 kg nhung (lấy 2 đợt/năm), một con hươu đực mỗi năm lấy được khoảng 1 kg nhung. Với giá nhung hươu khoảng 15 triệu đồng/kg, nhung nai khoảng 10 triệu đồng/kg, gia đình ông thu về khoảng 100 triệu đồng/năm.
Ông Đào đang dự tính trong thời gian đến sẽ mở rộng nuôi hươu, nai kết hợp với trồng rừng. Những con đực lấy nhung sẽ nuôi nhốt trong chuồng, còn những con hươu, nai cái sinh sản và nuôi lấy thịt được thả vào rừng trồng để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên.
 

 

Hoàng Trọng