Obama bắt đầu tấn công Donald Trump
Ban đầu Tổng thống Obama tỏ ra thận trọng khi nhận xét về Donald Trump nhưng càng về sau ông càng công kích mạnh hơn. Các nhà lãnh đạo nhóm các cường quốc G7 cũng sợ những tuyên bố vung vít của Trump.
DONALD TRUMP QUÁI ĐẾN MỨC NÀO – KỲ 7:
Obama bắt đầu tấn công Donald Trump
Ban đầu Tổng thống Obama tỏ ra thận trọng khi nhận xét về Donald Trump nhưng càng về sau ông càng công kích mạnh hơn. Các nhà lãnh đạo nhóm các cường quốc G7 cũng sợ những tuyên bố vung vít của Trump.
Những người ủng hộ Donald Trump tranh cãi với một người mang thông điệp chống đối tại cuộc tập hợp ở California ngày 1-6 – Ảnh: Reuters |
Tháng 11-2015, phần lớn nhà quan sát nghĩ rằng tỉ phú Donald Trump sẽ nhanh chóng dừng cuộc đua và chuyện Trump trở thành ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hoà là điều rất khó tin.
Lúc bấy giờ, trả lời tạp chí GQ, Tổng thống Obama đã nói đùa: “Tôi thích mở chiến dịch ngăn chặn ông ấy. Chuyện này vui đây”. Sáu tháng sau, ông không còn có thể khôi hài được nữa.
Đầu tiên là bông đùa
Đài truyền hình CNN giải thích ban đầu Tổng thống Obama đã để cho người phát ngôn Nhà Trắng phản pháo với những tuyên bố ầm ĩ nhất của Donald Trump. Phần ông nếu có phát ngôn cũng chỉ nói mỉa chuyện Trump ứng cử.
Trước khi ông phát biểu thông điệp liên bang lần cuối cùng trước quốc hội hôm 13-1, Đài truyền hình NBC hỏi: “Liệu năm tới tỉ phú Trump có thể thay thế ông đứng trước quốc hội hay không?”. Ông Obama đã trả lời bông đùa: “À, tôi có thể tưởng tượng điều ấy trong chương trình hài kịch truyền hình Saturday Night Live”.
Trong bữa ăn tối thân mật với các nhà báo ở Nhà Trắng hôm 30-4, Tổng thống Obama cũng nhận xét đùa cợt về ý kiến cho rằng Donald Trump thiếu kinh nghiệm đối ngoại: “Nói công bằng thì ông ấy cũng có trải qua một số năm gặp gỡ những người hàng đầu thế giới như hoa hậu Thuỵ Điển, hoa hậu Argentina, hoa hậu Azerbaijan ấy chứ”. Lời nói đùa của ông nhằm ám chỉ ông Trump trong vai trò tổ chức cuộc thi hoa hậu hoàn vũ.
Cho đến khi Donald Trump chiến thắng ở nhiều bang, ông Obama đã chuyển từ giọng điệu khôi hài sang phê phán gay gắt hơn.
Ngày 15-2, ông tuyên bố: “Tôi tiếp tục tin rằng ông ấy không thể làm tổng thống. Tôi đặt niềm tin lớn vào nhân dân Mỹ. Tôi nghĩ họ phải suy tính làm tổng thống là việc nghiêm túc chứ không phải là hoạt náo chương trình talk-show hay truyền hình thực tế”.
Ông bắt đầu tấn công vào một trong những điểm yếu nhất của Trump là chính sách đối ngoại. Ông giải thích lãnh đạo các nước lớn phải tin chắc rằng tổng thống Mỹ là người biết sự kiện, biết tên, biết vị trí trên bản đồ và biết gì đó về lịch sử sự kiện ấy.
Ông nhấn mạnh: “Người ở vào chỗ của tôi phải mang theo mã phóng hạt nhân. Người ấy có thể đưa các thanh niên 21 tuổi ra chiến trường, phải làm sao để hệ thống ngân hàng đừng sụp đổ, và phải chịu trách nhiệm không chỉ với nước Mỹ mà còn với 20 nước khác có các vấn đề nghiêm trọng”.
Mở chiến dịch “nắn gân”
Hôm 12-5, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest đã nhấn mạnh trong cuộc họp báo rằng Tổng thống Obama nhận thức sâu sắc về kết quả cuộc bầu cử tổng thống sắp tới và đoan chắc: “Tôi có thể bảo đảm trong những tháng tới ngài tổng thống sẽ tích cực tham gia cuộc tranh luận này. Ông ấy đang nóng lòng nắm lấy cơ hội để tham gia quyết liệt hơn”.
Ba ngày sau, phát biểu trước các sinh viên tại Đại học Rutgers, Tổng thống Obama tấn công thẳng vào các tuyên bố của Trump.
Đối với đề nghị của ông Trump về xây tường giữa Mỹ và Mexico nhằm ngăn chặn nạn nhập cư lậu, ông Obama “phản pháo”: “Trong chính trị cũng như trong cuộc sống, dốt nát không phải là tính tốt. Thế giới này kết nối hơn bao giờ hết và mỗi ngày càng kết nối hơn. Xây tường không thay đổi được gì cả”.
Trước đề nghị của Trump về ngăn chặn người Hồi giáo vào Mỹ, ông Obama nhận xét: “Cô lập và gièm pha người Hồi giáo là phản bội lại các giá trị Mỹ, là tha hóa các cộng đồng trong đất nước vốn là các đối tác quan trọng nhất trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực”.
Khi phê phán, Tổng thống Obama ít nêu tên Donald Trump nhưng ai cũng nhận thấy ông đã mở chiến dịch “nắn gân” Trump.
Ông đánh giá Trump như một ứng cử viên chỉ biết quan tâm đến tin viết trên Twitter và tựa đề các bài báo hơn là suy nghĩ đào sâu về những chính sách cần thực hiện để bảo đảm an ninh, thịnh vượng của Mỹ và tình hình ổn định trên thế giới.
“Hầu hết những người trên thế giới đều suy nghĩ như hầu hết người dân Mỹ: Ông Donald Trump ngớ ngẩn một cách hết sức nguy hiểm |
Ông Ricken Patel (giám đốc Tổ chức Avaaz) |
Thế giới chỉ trích…
Gần đây nhất, trong lúc tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật hôm 26-5, Tổng thống Obama nhận xét các nhà lãnh đạo thế giới đều “rúng động” trước các đề nghị của Donald Trump.
Ông ghi nhận: “Họ không biết các tuyên bố đó nghiêm túc đến đâu nhưng các tuyên bố ấy đã làm cho họ sợ”.
Không riêng gì các nước G7, hồi đầu tháng 5 Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng kêu gọi Mỹ nên phân tích mối quan hệ Trung – Mỹ một cách khách quan và hợp lý.
Sở dĩ Trung Quốc lên tiếng bởi trước đó ông Trump đã tuyên bố sẽ đánh thuế hàng nhập khẩu Trung Quốc đến 45%, đồng thời lên án Trung Quốc mở chiến tranh kinh tế dẫn đến hủy diệt công ăn việc làm ở Mỹ.
Nhưng cũng thật lạ là ngay tại Trung Quốc hiện đã xuất hiện những trang “ủng hộ viên” của Donald Trump như Donald Trump Super Fans Club hoặc God Emperor Trump vì họ thích ông rành rẽ về chuyện kinh tế, theo thông tin từ tạp chí Fortunehôm 30-5.
Thậm chí nhà bình luận chính trị Wu Jun của Đài truyền hình Phượng Hoàng còn “đá xoáy” là “Donald Trump có thể trở thành chủ tịch nước tốt nhất cho Trung Quốc”.
Tuyên bố của Trump về việc cấm người Hồi giáo vào Mỹ là tuyên bố gây phản ứng nhiều nhất trên thế giới. Indonesia, đất nước có đông đảo người Hồi giáo nhất thế giới, đánh giá Trump là người theo chủ nghĩa dân tuý vô trách nhiệm.
Hội đồng Các nhà thần học Pakistan đánh giá: “Thật tai hại khi một ứng cử viên Nhà Trắng có thể nói như tất cả tín đồ Hồi giáo là khủng bố. Đây là loại người bài Hồi giáo…”.
Trên thế giới rất hiếm nhà lãnh đạo như Tổng thống Nga Putin khen ông Trump là người xuất sắc và có tài. Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Cách thức phát ngôn của ông ấy và điều làm ông ấy tăng thêm nổi tiếng” chẳng liên quan gì đến Nga!
Dân thế giới đều sợ Công ty nghiên cứu thị trường YouGov ở Anh đã tổ chức thăm dò ý kiến trên mạng với hơn 8.200 người tại Pháp, Anh, Đức, Mexico, Canada và Nhật theo yêu cầu của Tổ chức phi chính phủ Avaaz. Đây là cuộc thăm dò dư luận quốc tế đầu tiên về Donald Trump. Theo kết quả công bố ngày 27-5, 90% số người được hỏi ở Mexico khẳng định không thích hoặc chán ghét Trump. Tỉ lệ này ở Đức là 75%, Nhật 73%, Pháp 71%. Các tư tưởng chính trị của Trump làm thế giới bất an hơn là suy nghĩ của 83% ở Mexico, 79% tại Anh, 75% ở Pháp. Thăm dò được thực hiện sau khi Tổ chức Avaaz gửi thư ngỏ có hơn 2 triệu người trên thế giới ký tên gửi cho Donald Trump. Thư mở đầu bằng câu: “Thưa ông Trump, ông không có phẩm chất của một con người vĩ đại”. |
______________