Nga muốn trở lại cảng Cam Ranh
Theo RIA Novosti, ông Viktor Ozerov, chủ tịch Uỷ ban quốc phòng và an ninh Thượng viện Nga, mới đây cho biết phía Nga đã đặt vấn đề với Việt Nam về việc khôi phục căn cứ hải quân Cam Ranh (tỉnh Khánh Hoà).
Nga muốn trở lại cảng Cam Ranh
Theo RIA Novosti, ông Viktor Ozerov, chủ tịch Uỷ ban quốc phòng và an ninh Thượng viện Nga, mới đây cho biết phía Nga đã đặt vấn đề với Việt Nam về việc khôi phục căn cứ hải quân Cam Ranh (tỉnh Khánh Hoà).
“Vấn đề này từ lâu đã được nêu ra. Nó cũng được thảo luận trong chuyến công tác gần đây nhất của uỷ ban chúng tôi đến Việt Nam. Chúng tôi đặt ra câu hỏi này và phía Việt Nam đã có sự thấu hiểu” – ông Ozerov thông báo, đồng thời cho biết chủ đề này tại Nga đang được thảo luận ở cấp bộ quốc phòng.
“Bây giờ việc cần làm là tìm ra hướng đi và cách thức biến chủ đề này từ lý thuyết sang thực tế” – ông Ozerov giải thích thêm.
Trước đó ngày 17-5, đại sứ Việt Nam tại Nga Nguyễn Thanh Sơn tuyên bố Việt Nam không phản đối Nga trở lại căn cứ quân sự Cam Ranh.
“Chính sách của Việt Nam là không tham gia vào liên minh quân sự hoặc liên kết với một nước chống lại nước thứ ba. Theo định hướng này, việc sử dụng cảng Cam Ranh cho hợp tác quốc tế đa phương với mục đích cung cấp dịch vụ vận tải biển, sửa chữa tàu, phát triển kỹ thuật quân sự để đảm bảo hoà bình, ổn định cho khu vực… là một hướng đi đúng đắn” – ông Nguyễn Thanh Sơn trả lời câu hỏi của RIA Novosti về triển vọng hải quân Nga quay lại căn cứ Cam Ranh.
Thượng tướng Leonid Ivashov, cựu lãnh đạo Cơ quan hợp tác quân sự quốc tế Bộ Quốc phòng Nga – người từng tham gia đàm phán về cảng Cam Ranh hồi năm 1998-2000, nhận định những thông tin gần đây xuất hiện trên truyền thông về việc quân đội Nga sẽ quay lại Việt Nam và Cuba “không chỉ là lời nói suông”.
Theo ông Ivashov, Nga cần tái thiết lập hiện diện tại Cam Ranh vì đây là một trong những cảng nước sâu có vị trí thuận lợi nhất không chỉ ở Biển Đông mà còn cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung.
Căn cứ Cam Ranh có sáu cầu tàu và một sân bay từng được quân đội Liên Xô sử dụng triển khai lực lượng không quân chiến lược, máy bay chống ngầm, trinh sát quân sự…