Thu thuế hay tịch thu tài sản bất minh ?
Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau trong phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc giải trình không hợp lý trong dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.
Thu thuế hay tịch thu tài sản bất minh ?
Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau trong phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc giải trình không hợp lý trong dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo tại phiên họp sáng 11.4 ẢNH: QUANG KHÁNH
Báo cáo tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 11.4, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết trong dự thảo lần này, Chính phủ bổ sung quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý theo 2 phương án: phương án 1 quy định thu thuế thu nhập cá nhân với mức thuế 45%; phương án 2 quy định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập tăng thêm. Trong 2 phương án, Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1.
Theo ông Khái, việc lựa chọn phương án 1 phù hợp với điều kiện hoàn cảnh nước ta hiện nay. Bên cạnh đó, việc thu thuế cũng không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai, tránh cách hiểu theo hướng hợp pháp hóa 55% giá trị còn lại của tài sản, thu nhập không có nguồn gốc rõ ràng hoặc trái với các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Đừng để “hợp pháp hóa 55% tài sản còn lại”
Trình bày báo cáo thẩm tra, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của QH, cho biết về vấn đề này các thành viên của Uỷ ban Tư pháp vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo bà Nga, có ý kiến đồng tình với phương án 1, có ý kiến đồng tình với phương án 2, song cũng có ý kiến đề nghị quy định cơ chế tịch thu tài sản theo trình tự tố tụng dân sự có tranh tụng hoặc tịch thu theo trình tự thủ tục hành chính, tư pháp (tương tự trình tự, thủ tục toà án quyết định áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng). Cũng có ý kiến đề nghị hình sự hoá hành vi làm giàu bất hợp pháp.
Cho rằng phương án thu thuế là khả thi, song ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của QH, nói dự thảo luật phải làm rõ thế nào là “giải trình không hợp lý”, nếu không sẽ rất khó đảm bảo tính khả thi vì người này có thể cho rằng hợp lý còn người kia lại không. Ông Định không tán thành quy định cụ thể mức thuế suất là 45%, mà đề xuất phải tính trên thu nhập cụ thể dựa trên luật Thuế thu nhập cá nhân.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng QH, nêu quan điểm: “Thu thuế 45% tài sản bất minh thì có phải chúng ta đang hợp pháp hoá 55% tài sản còn lại?”. Theo ông Phúc, đã xác minh là tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì phải tịch thu, nếu không đồng ý người bị tịch thu có quyền kháng nghị ra tòa. Còn ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng, đề xuất trường hợp tài sản tăng đột biến mà không kê khai thì xử phạt hành chính, vì như vậy là khai gian. Sau khi xử phạt có thể tiếp tục đánh thuế với phần thu nhập tăng thêm.
Ai kiểm soát tài sản, thu nhập ?
Về vấn đề này, dự thảo của Chính phủ cũng đưa ra 2 phương án. Phương án 1 giao trách nhiệm cho hệ thống thanh tra trong các cơ quan, đơn vị. Phương án 2, giao trách nhiệm cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, chính quyền địa phương; TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng QH, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan T.Ư của tổ chức chính trị – xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai công tác tại ngành hoặc cơ quan, tổ chức này; Ban công tác đại biểu thuộc UBTVQH kiểm soát tài sản, thu nhập của đại biểu QH chuyên trách.
Dự thảo của Chính phủ đề nghị lựa chọn phương án 1, nhưng đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp lại tán thành với phương án 2. Ông Lê Minh Khái cho rằng, việc lựa chọn phương án 1 sẽ hình thành theo hướng tập trung hệ thống cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập gồm 120 đầu mối trên phạm vi toàn quốc với vai trò thống nhất quản lý, hướng dẫn thực hiện của Thanh tra Chính phủ. Trong khi đó, theo bà Lê Thị Nga, nếu chọn phương án 1 sẽ dẫn đến quá tải với cơ quan thanh tra.
Ông Nguyễn Khắc Định cho rằng cả 2 phương án được đề xuất đều không ổn mà nên kết hợp phương án hiện hành (cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức chủ động kiểm tra, xác minh kết quả kê khai tài sản, thu nhập đối với những người thuộc quyền quản lý của mình) với giao cơ quan thanh tra là đầu mối giúp Chính phủ thực hiện công tác quản lý nhà nước về phòng chống tham nhũng và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý tài sản, thu nhập. Còn Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị cân nhắc ý kiến thành lập cơ quan độc lập làm nhiệm vụ kiểm soát thu nhập và phòng chống tham nhũng theo kinh nghiệm của Trung Quốc.
Sửa đổi nhiều điều kiện đặc xá
Cụ thể, so với các quy định tại luật hiện hành, dự thảo luật Đặc xá sửa đổi Chính phủ trình tại phiên họp của UBTVQH chiều 11.4 đã bổ sung thêm điều kiện đối tượng được đề nghị đặc xá phải là người phạm tội lần đầu; nâng quy định về thời gian chấp hành hình phạt ít nhất lên 1/2 thời gian (đối với án phạt tù có thời hạn) và 15 năm (với án phạt tù chung thân) thay vì 1/3 thời gian và 14 năm của luật hiện hành.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định tất cả đối tượng muốn được đặc xá đều phải hoàn thành các hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác thay vì chỉ giới hạn đối với tội phạm tham nhũng hoặc một số tội khác do Chủ tịch nước quyết định như luật hiện hành. Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung một số trường hợp không được đặc xá.
|
Mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập
Theo Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, sau khi tiếp thu ý kiến của QH, dự thảo giữ nguyên phương án từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, tuy nhiên có điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi. Theo đó, đối tượng có nghĩa vụ kê khai bao gồm: các đại biểu QH, HĐND các cấp; người ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND; cán bộ, công chức; một số chức danh trong quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc cử giữ chức danh quản lý trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Riêng đối với nhóm đối tượng là cán bộ, công chức khi lần đầu làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước, thì việc kê khai chỉ nhằm hình thành cơ sở dữ liệu chung phục vụ công tác quản lý cán bộ như đang triển khai trên thực tế hiện nay khi kê khai hồ sơ cán bộ, công chức và không thuộc diện kiểm soát tài sản, thu nhập.
|
LÊ HIỆP