Hẹp đường liên thông bác sĩ đa khoa
Con đường học liên thông lấy bằng bác sĩ đa khoa ngày càng hẹp khi nhiều trường đào tạo ngành này giảm chỉ tiêu tuyển sinh, thậm chí ngưng đào tạo, khiến mức độ cạnh tranh của thí sinh dự thi liên thông ngành này gay gắt hơn.
Hẹp đường liên thông bác sĩ đa khoa
Con đường học liên thông lấy bằng bác sĩ đa khoa ngày càng hẹp khi nhiều trường đào tạo ngành này giảm chỉ tiêu tuyển sinh, thậm chí ngưng đào tạo, khiến mức độ cạnh tranh của thí sinh dự thi liên thông ngành này gay gắt hơn.
Tập trung vào hệ chính quy
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, năm nay trường sẽ ngưng tuyển sinh liên thông từ y sĩ, y sĩ đa khoa lên bác sĩ đa khoa bậc ĐH. Lý giải quyết định này, PGS-TS Dung cho biết là nhằm đảm bảo cân bằng số lượng đào tạo sinh viên (SV) ngành bác sĩ đa khoa của trường. “Thực ra trường đã có ý định ngưng tuyển sinh liên thông ngành bác sĩ từ năm 2014 nhưng nhu cầu quá nhiều nên tiếp tục duy trì đến năm 2015. Nhưng hiện số lượng SV chính quy 3 năm gần đây tăng mạnh so với trước đó, vì vậy trường ngưng tuyển sinh bậc liên thông để cân đối số lượng và đảm bảo chất lượng đầu vào”.
Như vậy, trường ĐH duy nhất có đào tạo liên thông ngành này tại TP.HCM đã ngừng tuyển sinh năm nay.
Do vậy, thí sinh từ thành phố muốn thi và học liên thông chương trình này sẽ phải di chuyển tới địa phương khác.
Trước đó Trường ĐH Y Dược TP.HCM và Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) không tuyển sinh liên thông lên ĐH với ngành bác sĩ đa khoa. PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết lý do đơn giản vì trường muốn tập trung đào tạo nhân lực ngành này ở bậc ĐH chính quy. “Bác sĩ đa khoa là một ngành đặc thù nên trường không đào tạo hệ liên thông cũng như hệ văn bằng 2. Còn việc học một lúc 2 chương trình (SV học xong năm đầu có điểm tích luỹ theo quy định được phép đăng ký học thêm chương trình thứ 2 – NV), dù quy chế cho phép nhưng thực tế ở trường chưa SV nào làm được việc này vì chương trình học rất nặng”, PGS-TS Khôi nói thêm.
Còn GS-TS Đặng Vạn Phước, Trưởng khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết định hướng của trường đào tạo bác sĩ chuyên sâu, nên nếu có chỉ liên thông từ bác sĩ sang các ngành khác để sau khi tốt nghiệp trở thành bác sĩ chuyên sinh học phân tử, kỹ thuật y sinh… Ngay hệ đào tạo chính quy tập trung, khoa cũng giữ ổn định chỉ với 100 người mỗi năm cho ngành bác sĩ đa khoa.
TIN LIÊN QUAN
Ngành dược là ngành đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế đất nước.
Giảm chỉ tiêu
Những trường năm nay tuyển sinh liên thông ngành bác sĩ đa khoa cũng giảm chỉ tiêu đáng kể. Trường ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên) năm nay tuyển 120 chỉ tiêu liên thông từ TC lên ĐH. Trong số này có 30 chỉ tiêu được giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho khu vực Tây Bắc. So với năm 2015, giảm hơn một nửa. Trường ĐH Tây Nguyên tuyển 150 chỉ tiêu liên thông chính quy cho 10 ngành, riêng ngành bác sĩ đa khoa cũng chỉ 45 người.
Theo đại diện Trường ĐH Y dược Cần Thơ, quy định của Bộ về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh liên thông năm nay thay đổi. Theo quy định cũ chỉ tiêu liên thông chiếm tới 60% chính quy nhưng năm nay chỉ cho phép tối đa 45%. Trong đó riêng với các ngành y dược, tối đa 15%. Do vậy, năm nay chỉ tiêu của cả 2 ngành bác sĩ đa khoa và dược học ở trường này chỉ có 195 người. Trong khi đó, 2 ngành này hiện đã có hơn 1.500 hồ sơ đăng ký dự thi, tỷ lệ chọi xấp xỉ 1/8.
Quy định liên thông cho phép Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tuyển sinh toàn quốc. Do vậy, có không ít thí sinh từ TP.HCM xuống tận Cần Thơ để dự thi. Còn Trường ĐH Tây Nguyên cũng có không ít thí sinh dự thi đến từ: Khánh Hòa, Phú Yên…
Hà Ánh