Chơi tao nhã, tìm giá trị cuộc sống
Những tưởng thú chơi tao nhã sưu tập đồ cổ chỉ còn với những người có tuổi, ấy vậy mà một số bạn trẻ vẫn đam mê với việc sưu tầm tem, tiền, gốm sứ, các loại đá, đồng hồ cổ…
Chơi tao nhã, tìm giá trị cuộc sống
Những tưởng thú chơi tao nhã sưu tập đồ cổ chỉ còn với những người có tuổi, ấy vậy mà một số bạn trẻ vẫn đam mê với việc sưu tầm tem, tiền, gốm sứ, các loại đá, đồng hồ cổ…
Nguyễn Hiếu Tín bên những món tượng và đồ gốm do anh sưu tập – Ảnh: K.Anh |
Đến với những con tem từ lúc còn là sinh viên năm thứ ba, Nguyễn Hiếu Tín (nay là giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng) tìm tòi đọc về nghệ thuật chơi tem, rồi tham gia sinh hoạt tại CLB Tem Nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM. “Không chỉ chơi, nó còn mang đến những bài học giá trị trong cuộc sống” – Hiếu Tín nói.
Vài ngàn bộ sưu tập
“Người chơi tem không chỉ là người sở hữu nhiều loại tem mà có rất nhiều cách để mình chơi. Ví như chơi theo chủ đề, hình loài hoa, con thú… trên những con tem. Tôi thấy tem thư không đơn thuần là giá trị cước phí bưu chính, mà còn trở thành một loại hình nghệ thuật, có sức sống thực tế. Nó là văn hoá phẩm đặc biệt, phản ánh mọi mặt của thiên nhiên, xã hội, đất nước và con người” – Hiếu Tín chia sẻ.
Từ niềm đam mê tem, Hiếu Tín còn nổi tiếng trong giới trẻ mê sưu tập đó là việc anh sở hữu những bộ sưu tập tượng danh nhân, đồ gốm sứ, lên đến vài ngàn cái.
Nhiều lần mê món đồ gốm hay bức tượng một danh nhân nào đấy Hiếu Tín sẵn sàng vét sạch túi. Chính vì thế, căn nhà ba tầng của anh chỉ dành một phòng sinh hoạt cá nhân, còn lại được Hiếu Tín trưng bày tượng và gốm sứ theo từng chủ đề.
Trong phòng khách, anh trưng bày chính giữa là tượng Trần Hưng Đạo bằng chất liệu gỗ, hai bên là hai bình sứ có tích Hai Bà Trưng cưỡi voi. Trên các lầu của ngôi nhà có rất nhiều bộ sưu tập như các loại bình trà, các lọ hoa có in hình cô dâu chú rể…
Nhà anh như một bảo tàng thu nhỏ với từng chuyên đề trưng bày cho người xem hiểu được những nét văn hoá của đất nước qua từng giai đoạn phát triển. Đây là nơi các sinh viên ngành du lịch thường tới để giới thiệu cho du khách nước ngoài khi họ muốn tìm hiểu về văn hóa Việt.
Còn cô bạn Nguyễn Thị Thanh Hương hiện đang rất say sưa với thú chơi sưu tập tiền. Cách đây sáu năm khi mới chuyển từ sưu tập tem sang sưu tập tiền, Hương lùng mua được rất nhiều tờ tiền giấy của gần 140 nước, nhưng không theo chủ đề nào. Sau này khi định hình được, cô nàng bắt đầu đi vào từng chuyên đề.
Say sưa khoe những đồng tiền được xếp ngay ngắn trong những cuốn sổ có đính kèm những dòng ghi chú rõ ràng về sự ra đời của những đồng tiền ấy, Hương nói cô thích thú với bộ sưu tập tiền giấy “Hiểu biết về tiền tệ Việt Nam – hiểu biết về lịch sử nước nhà” bởi qua từng loại tiền, mệnh giá… đều có những thông tin riêng của nó.
“Đọc kỹ trong bộ sưu tập, bạn sẽ thấy đồng tiền mệnh giá 500 đồng thời điểm năm 1985 là đồng tiền có giá trị rất lớn, nhưng đến năm 1987 nó lại mất giá đến không ngờ. Tìm hiểu kỹ mình sẽ thấy được sự lạm phát của nền kinh tế trong thời điểm đó…” – Hương cho biết.
Bạn Nguyễn Thị Cẩm Bình với bộ sưu tập “Dệt vải” – Ảnh: K.Anh |
Bộ sưu tập dày 400 trang
Chơi tem hơn 16 năm qua, cô bạn Nguyễn Thị Cẩm Bình (Q.1, TP.HCM) “mất ăn mất ngủ” vì niềm đam mê sưu tập của mình. Cô sở hữu gần ngàn con tem của hơn 20 nước.
Cũng từng học chuyên ngành về công nghệ may, Bình đi vào chơi bộ sưu tập “Dệt vải”. Bộ sưu tập của bạn đã đoạt giải Mạ vàng trong triển lãm Vietstampex toàn quốc năm 2015, dày khoảng 400 trang khổ A4.
Bình viết lời giới thiệu về nghề dệt vải từ quy trình làm ra sợi, kéo sợi, dệt vải từ thủ công đến hiện đại và cả những chất liệu vải dùng trong đời sống hiện tại.
Sở hữu hơn 800 con tem, vậy mà Bình vẫn chật vật tìm kiếm tem minh hoá cho nội dung mình muốn thể hiện.
“Nhiều con tem mình phải mua lại với giá có khi hơn 2 triệu đồng vì nó hiếm và là tem của nước ngoài. Tem Việt Nam không thể tải hết nội dung mình cần trình bày trong bộ sưu tập. Nếu nói giá trị của bộ này có khi vài chục triệu đồng. Cứ hễ có tiền là mình lại mua tem” – Bình say sưa nói.
Chuẩn bị cho bộ sưu tập nào ra đời, góp mặt ở các triển lãm hoặc cuộc thi, nhiều đêm liền Bình phải căng mắt tìm kiếm và chọn tem minh hoạ cho chủ đề.
“Có khi thức trắng vài đêm liền để hoàn thành bộ sưu tập nhưng hôm sau vẫn phải đi làm. Đôi lúc cũng phải nhờ bạn bè ở nước ngoài gửi giúp một lá thư tay từ bên đó về để mình có con tem minh hoạ” – Bình bộc bạch. Hiện Bình đang dịch sang tiếng Anh để gửi bộ sưu tập “Dệt vải” tham dự cuộc thi châu Á – Thái Bình Dương năm 2016.
Kết nối thú chơi trên mạng xã hội
Hiện có rất nhiều nhóm bạn trẻ có cùng đam mê sưu tập giao lưu trên mạng xã hội, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin và kỹ năng tìm kiếm, sưu tập. Qua đó còn phụ giúp nhau tìm kiếm những gì mà bè bạn cần cho bộ sưu tập của họ. Bạn Thanh Hương cho biết: “Công phu lắm đó, để kiếm cho ra tờ tiền có giá trị như mình muốn, có lúc mình phải tìm vài tháng, thậm chí cả năm mới gặp. Khi sở hữu được rồi thì vui lắm. Có những tờ tiền chỉ là một xu ngày trước nhưng phải bỏ ra số tiền kha khá mới mua lại được đấy”. Chị Nguyễn Thị Kim Mai, chủ nhiệm CLB Tem Nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM, cho biết: “Hiện nay dân chơi tem ngày càng trẻ. Không chỉ thanh niên mê sưu tập tem mà còn rất nhiều bạn nhỏ học sinh cũng tham gia CLB tem ở các nhà văn hoá thiếu nhi. Ở CLB có nhiều bạn chơi tem sau khi du học mấy năm ở nước ngoài về vẫn trở lại CLB sinh hoạt chỉ để được nhìn thấy và sở hữu những con tem mình yêu thích”. |