Treo bảng thịt bò, hoá ra thịt trâu, thịt heo rừng
Có đến hàng trăm cơ sở sản xuất, phân phối thịt bò giá rẻ quảng cáo rầm rộ trên mạng, trong đó phần lớn là các cơ sở “lên đời” cho thịt bò từ thịt trâu nhập từ Ấn Độ.
Treo bảng thịt bò, hoá ra thịt trâu, thịt heo rừng
Có đến hàng trăm cơ sở sản xuất, phân phối thịt bò giá rẻ quảng cáo rầm rộ trên mạng, trong đó phần lớn là các cơ sở “lên đời” cho thịt bò từ thịt trâu nhập từ Ấn Độ.
Cán bộ đoàn liên ngành huyện Củ Chi (TP.HCM) kiểm tra cơ sở biến thịt trâu thành thịt bò bán cho người tiêu dùng sáng 2-4 – Ảnh: Trạm thú y Củ Chi cung cấp |
Cùng với các sản phẩm gia súc, gia cầm khác, các loại thịt trâu (chủ yếu là từ Ấn Độ) được nhập về VN với số lượng lớn nhưng trên thị trường hầu như vắng bóng thịt trâu, thay vào đó là thịt bò giá rẻ. Trong khi đó, nhiều vụ dán nhãn “nhầm” thịt trâu thành thịt bò khi đưa đi tiêu thụ đã bị các cơ quan phát hiện và xử lý.
Thịt bò giá… 100.000 đồng/kg!
Khi nghe chúng tôi đến khảo sát giá thịt bò để mở quán ăn, chủ một cửa hàng bán thịt bò trên đường Tân Kỳ – Tân Quý (TP.HCM) cho biết đây là thịt bò Củ Chi nên giá rất cao, bán với mức giá cho sinh viên sẽ không có lời.
Nếu em sử dụng thịt để chế biến thành món bò né bán quán bình dân, giá rẻ thì phải lấy thịt bò loại khác, loại thịt bò có nguồn gốc nhập khẩu từ Ấn Độ, giá rẻ hơn rất nhiều” – vị này gợi ý và đề nghị chúng tôi để lại số điện thoại để liên lạc sau.
Gọi vào số điện thoại được đăng kèm tại một trang web chuyên cung cấp thịt bò trên mạng, chúng tôi được một người đàn ông tự xưng là Hoà làm việc tại một công ty cung cấp thịt bò Ấn Độ đông lạnh ở Q.Gò Vấp cho biết giá thịt tại đây dao động từ 100.000 – 120.000 đồng/kg.
Khi nghe chúng tôi thắc mắc giá thịt bò tại đây thấp hơn một nửa so với giá thịt bò trên thị trường, ông Hoà thừa nhận tất cả các mặt hàng tại đây đều là thịt trâu được nhập từ Ấn Độ, rồi gắn mác thịt bò cho dễ bán.
“Loại thịt này đang được cung cấp tại một hệ thống siêu thị, chỉ cần đến đó mua theo các mã như thăn ngoại (46), philê (31), đùi gọ (42), bắp hoa (60S) về dùng thử, nếu thấy được thì tới lấy hàng, bởi cùng một nguồn cung” – ông Hòa cho biết.
Tương tự, tại một địa chỉ chuyên cung cấp thịt bò giá rẻ trên đường Nguyễn Thị Tú (Q.Bình Tân), một người đàn ông tên Tuấn lấy từ trong tủ đông ra các tảng thịt được đóng gói trong các bọc nilông phân sẵn khối lượng có ghi xuất xứ từ Ấn Độ để giới thiệu với chúng tôi.
Theo ông Tuấn, các mặt hàng tại đây được bỏ sỉ cho các mối, thường là loại có trọng lượng khoảng 20kg, giá từ 65.000 – 115.000 đồng/kg để dành bán dần, hạn sử dụng trong vòng một năm.
Ông Tuấn khẳng định phần lớn các nhà hàng tiệc cưới trên địa bàn đều sử dụng loại thịt này để chế biến các món ăn, thậm chí có thời gian một nhà hàng trong chuỗi nhà hàng rất nổi tiếng cũng lấy thịt tại cơ sở này để chế biến.
“Chỉ cần sơ chế và ướp, thịt sẽ có hương vị như thịt bò và chắc chắn không bị đen sau khi chế biến” – ông Tuấn khẳng định, đồng thời cho biết luôn nói rõ với khách mua đây là thịt trâu chứ không phải bò nhưng khách hàng đa số mua về đều dùng để chế biến thành các món ăn có gắn mác bò như phở bò, bò né, bò kho, lagu bò… Chúng tôi thử mua 1kg thịt về sơ chế tẩm ướp, khi nấu lên quả thật bằng mắt thường không thể nào nhận ra đây là thịt trâu. Tuy nhiên, trên sớ thịt có máu bầm bị tụ, một số chỗ thịt đổi màu sậm có dấu hiệu bị hư.
80% “thịt bò giá rẻ” là thịt trâu Ấn Độ
Đó là khẳng định của ông Long – một chủ cơ sở bán thịt bò giá rẻ tại Q.Bình Thạnh. Theo ông Long, thịt trâu từ Ấn Độ nhập về được bỏ mối cho các cửa hàng đông lạnh, chợ và các lò mổ để bán ngược ra thị trường. Tương tự, chị Trâm – chủ công ty phân phối thịt trâu Ấn Độ trên đường Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp) – cho biết thường bỏ mối cho các chợ, lò mổ, quán ăn.
“Chúng tôi có nói rõ đây là thịt trâu nhưng thường người sử dụng mua về để trộn lẫn vào thịt bò nhằm bán ra thị trường với giá gấp đôi” – chị Trâm nói.
Theo chị Trâm, nhìn bằng mắt thường không thể nào phân biệt được thịt trâu hay thịt bò bởi sau khi được nấu chín, thịt trâu cũng có màu sắc giống như thịt bò bình thường. Người nào sành ăn, tinh tế lắm mới phân biệt được.
Do đó, đa số các quán bò né, bò kho, phở, bún bò… đều sử dụng thịt trâu nhập khẩu từ Ấn Độ bởi giá thành rẻ, lợi nhuận thu về cao hơn nhiều so với thịt bò.
Tìm đến một địa chỉ phân phối chuyên về thịt bò nhập khẩu từ Ấn Độ trên đường số 1 (Q.Gò Vấp), chúng tôi được nhân viên ở đây nhiệt tình hướng dẫn các sản phẩm và cam kết sẽ giao hàng đến tận nhà nếu lấy số lượng lớn. Tuy nhiên, các sản phẩm của công ty đều là thịt trâu chứ không phải thịt bò như thông tin ban đầu.
“Thời hạn sử dụng ghi trên bao bì là một năm, nhưng quá trình nhập khẩu chỉ còn lại 9 – 10 tháng” – người này cho biết.
Cũng tại đây, chúng tôi được giới thiệu loại thịt đùi thái sẵn chuyên dùng để làm bò né, được công ty thường bỏ mối ở các quán ăn với giá 145.000 đồng/kg. Loại thịt này rất mềm và dễ ăn. Theo nhân viên này, các sản phẩm thịt trâu của công ty đều có thể làm tất cả mọi món ăn như thịt bò, từ bò né, bò kho, thịt bò tái đến bò bít tết, khách hàng khó mà nhận biết được loại thịt này vì mùi vị rất giống nhau. Trên danh thiếp của cơ sở này in chuyên cung cấp thịt bò có xuất xứ từ Úc, Ấn Độ… nhưng tất cả đều là thịt trâu Ấn Độ.
Trong vai người cung cấp thịt, chúng tôi tìm đến “tiếp thị” sản phẩm tại một số quán bò né giá rẻ và phở trên địa bàn thành phố, nhưng nhiều chủ quán từ chối với lý do đã có nguồn cung từ người thân.
Tuy nhiên, một số chủ quán ăn vẫn xin số điện thoại của chúng tôi để liên hệ sau.
“Cũng có nhiều người tới đây nói cung cấp loại thịt này nhưng tôi không lấy. Thịt này chỉ dùng cho chiên, xào, nấu chứ còn mấy món tươi, khách hàng đòi coi thịt rồi mới lấy nên khó bán lắm” – chủ một quán lẩu bò trên đường Tây Thạnh (Q.Tân Phú) nói.
Một chủ quán phở trên đường Phan Huy Ích (Q.Gò Vấp) cũng cho biết trước đây quán từng lấy thử loại thịt trâu Ấn Độ này để bán nhưng bị khách hàng chê, trong khi nước xương trâu Ấn Độ nấu xong có màu đục, không dùng được.
“Xương bò bên ngoài bán giá 32.000 đồng còn loại xương trâu này bán giá 25.000 đồng/kg. Giá cả không chênh lệch mấy nên sau lần lấy thử đó tôi không nhập loại thịt này nữa” – vị này khẳng định.
Ngày 25-3, Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với Đội CSGT Rạch Chiếc, Đội QLTT Thủ Đức, TNXP kiểm tra tuyến quốc lộ 1A, phát hiện và xử lý 6 trường hợp vi phạm hành chính trong vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch, trong đó thu giữ 14.500kg thịt trâu Ấn Độ. Cũng trong tháng 3, Chi cục Thú y TP.HCM phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và cơ quan chức năng xã Trung Chánh, xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) phát hiện và tiêu hủy thêm 225kg gân trâu Ấn Độ và 158kg xương trâu bảo quản không đúng quy định. Trước đó, vào ngày 16-1, Chi cục Thú y TP.HCM phối hợp với Trạm thú y Hóc Môn, Đội QLTT huyện Hóc Môn, UBND xã Bà Điểm, UBND xã Xuân Thới Thượng tiến hành kiểm tra, xử lý 7 trường hợp vi phạm trong kinh doanh sản phẩm động vật, giết mổ gia súc trái phép, trong đó có trường hợp kinh doanh thịt trâu Ấn Độ đông lạnh không đúng quy định, thu giữ 145,3kg thịt trâu Ấn Độ. |
Thịt heo cũng được “lên đời” thành thịt bò Không chỉ thịt trâu được dùng làm giả bò, ngay cả thịt heo rừng cũng được “lên đời” thành thịt bò qua bàn tay của các đầu bếp. Tại một quầy hàng bán thịt heo rừng trên đường Bình Long (Q.Bình Tân), người chủ cơ sở này cho biết thịt heo rừng có hai loại với giá 140.000 đồng và 170.000 đồng/kg, có thể “lên đời” thành thịt bò. “Nếu quán ăn có bán bò né và đồ nướng, thịt heo rừng này cũng có thể chế biến thành thịt bò. Tuy nhiên trong thời gian đầu nên lấy thịt mềm, tơ để giữ mối khách. Sau một thời gian có thể lấy thêm loại heo rừng già để trộn vào và quan trọng là phải tẩm ướp sao cho khách không nhận ra” – vị này gợi ý. |