Đi tìm con chữ trên đồng
Cái nắng tháng 4 như đang thiêu đốt người nông dân trên đồng của huyện Tam Bình và thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Trong gian khó, họ vẫn lầm lũi để đổi lấy miếng cơm manh áo và hơn hết là để nuôi dưỡng ước mơ ăn học của con.
CHƯƠNG TRÌNH “VÌ NGÀY MAI PHÁT TRIỂN” LẦN THỨ 420 CỦA BÁO TUỔI TRẺ
Đi tìm con chữ trên đồng
Cái nắng tháng 4 như đang thiêu đốt người nông dân trên đồng của huyện Tam Bình và thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Trong gian khó, họ vẫn lầm lũi để đổi lấy miếng cơm manh áo và hơn hết là để nuôi dưỡng ước mơ ăn học của con.
Bữa cơm trưa vội vã của vợ chồng chị Huệ – Ảnh: Thúy Hằng |
“Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” tỉnh Vĩnh Long * Tổ chức: báo Tuổi Trẻ, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn Vĩnh Long và Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam Tài trợ: Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam
Cơ cực của một đời nông dân khiến họ ý thức rằng chỉ có kiến thức mới đem lại tương lai tươi sáng cho các con, để dù là nông dân cũng phải là người nông dân có tri thức. Hi vọng sau lễ trao vốn vào sáng nay 23-4, họ có thêm một cơ hội vì hành trình đáng trân trọng ấy.
Đời nắng mưa
Nắng trời gay gắt khiến người ta rát cả da. Trong cái nắng ấy, vợ chồng chị Trần Thị Huệ và anh Huỳnh Văn Nam (xã Song Phú, huyện Tam Bình) vẫn miệt mài nhổ từng gốc mạ để giặm cho vuông lúa. Trên mặt anh chị mồ hôi nhễ nhại. Vừa giặm xong đám ruộng, vợ chồng vội trèo lên bờ ranh, đi về phía cái gốc me nhỏ có để sẵn giỏ xách cơm, nước.
Bữa trưa đã quá 12g. Trong giỏ chỉ có mỗi trái dưa leo, chai nước và hộp cơm với vài con cá kho bé tí, cong queo. Món ăn hằng ngày của vợ chồng thường là món cá khi thì kho, khi chiên do đứa con trai câu được vào mỗi buổi trưa sau khi đi học về.
Quệt vội mồ hôi, chị Huệ kể gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, không có đất sản xuất nên hằng ngày vợ chồng phải đi làm thuê làm mướn. Ngày nào có người gọi đi xịt thuốc, bón phân thì anh Nam đi, còn chị đi giặm lúa, đi nhổ lông vịt. Ngày nào anh không đi xịt thuốc thì anh cũng theo chị đi giặm lúa mướn.
“Một ngày công từ sáng sớm, mình phải giặm luôn tới 2g chiều, nghỉ ăn trưa chừng 20 phút thôi. Nắng cũng ráng làm cho đúng theo yêu cầu của người ta, được trả công 80.000 đồng/người. Số tiền ấy lo cơm nước cho cả nhà cũng còn chút đỉnh tích cóp, để dành” – chị Huệ nói.
Ngoài làm thuê, trước đây vợ chồng chị cũng dành dụm và mượn hàng xóm được ít tiền, nuôi được mấy lứa vịt. Thế nhưng lứa nào cũng lỗ. Trong chuồng giờ chỉ còn lại hơn 20 con vịt “đẹt” bị thương lái chê nên không bán được.
Chị Huệ nói: “Hơn tháng trước bán được hơn 300 con. Còn mấy chục con này lái không lấy, để nuôi không có lúa cho nó ăn nên kêu vòng vòng xóm người ta cũng chê không mua”.
Thương cha mẹ quanh năm tần tảo, hai con của chị Huệ và anh Nam đều ngoan và học giỏi. Đứa con trai lớn Trần Thanh Điền, năm nay học lớp 9, ngoài thời gian học em tranh thủ đi tưới bầu giúp mẹ, rồi đi câu cá để cha mẹ có thức ăn mang đi làm.
Bé em Trần Thị Như Ý (mới học lớp 2) nhưng mỗi ngày đi học về đều tự giác mọi việc cá nhân rồi chơi thẩn thơ quanh nhà chờ cha mẹ về.
Bà Nguyễn Thị Tốt chắt chiu từng đồng từ công việc đan thảm – Ảnh: Thuý Hằng |
Một mẹ, ba con và 21 năm cùng cực
21 năm, một chặng đường quá gian khó để một bà mẹ có thể đơn thân lo cho ba đứa con. Vậy mà bà Nguyễn Thị Tốt (xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình) đã một mình lo cho ba đứa trẻ có được miếng cơm manh áo, được đến trường như bạn bè.
Bà Tốt kể khi đang mang thai đứa con thứ ba, vì nghèo khó người chồng đã bỏ lại bà cùng các con thơ. Chồng đi biệt tăm, người đàn bà bất hạnh phải vừa làm mẹ, vừa làm cha của ba đứa trẻ. Được cha mẹ giúp đỡ, bà Tốt cất một căn nhà riêng rồi lo tìm đủ mọi việc để có tiền nuôi các con. Bà đi giặm lúa, nhổ cỏ, đan lục bình, đan thảm.
Ba người con của bà Tốt giờ đã là sinh viên đại học. Hằng ngày bà Tốt vẫn đan thảm, đi giặm lúa mướn để lo cho con. Gánh nặng của bà phần nào được san sẻ khi ba người con đã biết đi làm thêm để có tiền phụ giúp mẹ.
Ngày lễ, như bao người khác, bà Tốt cũng trông các con về thế nhưng đành lủi thủi một mình bên mâm cơm vì các con bận làm thêm. Bà tự an ủi: “Cứ một hai tuần là nó về thăm một lần, không đứa này thì đứa khác nên cũng đỡ nhớ. Con biết lo, mình cũng thấy an tâm phần nào”.
Mấy ngày qua, hay tin được hỗ trợ vốn vay để chăn nuôi, bà Tốt đã lật đật đi dọn lại chuồng heo. Bà bảo cái chuồng đã bỏ trống từ trước tết đến giờ vì đợt heo trước bán xong bà lấy tiền cho con đóng học phí hết nên cụt vốn. Mấy tháng nay bà đan thảm dành dụm, định làm thêm ít đợt nữa, đủ tiền sẽ mua cặp heo mới.
“Ngồi đan một ngày được chừng 40.000 đồng, tui ở nhà hết đồ ăn thì quăng chài bắt cá nên không xài gì nhiều. Tiền làm được để ống đó khi nào con cần thì tui đưa, không thì để nuôi heo, nuôi vịt”.
Bà Tốt tâm sự đời mình khổ rồi nên không muốn các con phải vất vả như mẹ. Dù cực khổ cỡ nào cũng ráng nuôi con học hành, có cái nghề ổn định để tự lo cho bản thân. Cũng có lần một trong ba đứa con nghỉ học để đỡ đần mẹ nhưng bà nhất quyết không cho.
“Hơn 20 năm nay một tay tui nuôi ba chị em nó, sướng khổ gì cũng cùng chịu, không để đứa nào hi sinh vì đứa nào. Tui còn sức thì tui còn lo cho con” – bà Tốt nói.
Mới lớp 5 đã trong ngoài lo lắng Cũng trong cái nắng tháng 4 gay gắt, hai đứa trẻ lặn ngụp trong một ao nước dưới ruộng. Đó là Thạch Còn (lớp 5, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh) và đứa em họ. Mới học lớp 5 nhưng Còn đã biết giúp cha mẹ đi bắt ốc, bắt cua đem ra chợ bán. Được vài chục ngàn Còn mang về đưa cho mẹ, em chỉ xin lại 1.000 đồng để đi học. Chị Thạch Thị Loan, mẹ Còn, cho biết từ nhỏ Còn đã phải chứng kiến cảnh mẹ thường xuyên quằn quại trong cơn đau, cha thì quanh năm làm thuê mới lo đủ bữa cơm cho cả gia đình. Thương cha thương mẹ, Còn cố gắng học hành. Ở nhà Còn nấu cơm, nấu thuốc lo cho mẹ mỗi khi bệnh của mẹ tái phát. Đi học về chạy vòng vòng chơi một chút rồi xách thau ra ao hoặc xuống kênh mò cua bắt ốc. Chị Loan nói: “Cách đây tám năm tui đột nhiên phát bệnh, vào viện điều trị hơn nửa tháng mới về được. Bác sĩ nói bị ung thư máu, điều trị suốt từ đó đến giờ, có một công đất cũng bán luôn rồi mà bệnh thì không có gì thuyên giảm”. Gặp cha của Còn khi anh đang phụ hồ cho một gia đình, gồng mình ôm chồng gạch giữa trưa nắng, anh nói khẽ: “Tui chỉ mong vợ khoẻ lại, hai mẹ con ở nhà lo cho nhau thì đi làm mướn ở xa cũng yên tâm hơn. Có vợ có chồng lo cho con nó được bằng bạn bè, chứ để nó đi mò cua bắt ốc kiểu đó vợ chồng tui đứt ruột lắm”. |