Nước ngọt nghĩa tình
12g trưa, trời nắng như thiêu đốt. Hàng chục người dân đội nắng đứng chờ xe chở nước của thanh niên tình nguyện.
Nước ngọt nghĩa tình
12g trưa, trời nắng như thiêu đốt. Hàng chục người dân đội nắng đứng chờ xe chở nước của thanh niên tình nguyện.
Giúp bà Bùi Thị Nga chở nước ngọt về nhà – Ảnh: Vân Trường |
Trong lúc đó, 10 bạn trẻ dùng xe máy chở nước băng qua những cánh đồng khô nứt nẻ cứu khát cho những gia đình nghèo thiếu nước.
Huyện cù lao Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) nằm ngay cửa biển nên bị nước mặn bao vây từ bốn tháng nay. Toàn bộ kênh rạch cạn khô hoặc bị nhiễm mặn. Người dân phải đổi nước ngọt với giá 150.000 – 200.000 đồng/m3.
Nước ngọt các cháu cho lần trước cũng vừa hết. Hôm nay các cháu lại mang tới. Thiệt là quý giá hết sức! |
Ông NGUYỄN VĂN TRÚ |
Đội nắng chờ nước ngọt
Vừa thấy chiếc xe tải chở ba bồn nước ngọt lấp ló từ xa, bà Phạm Thị Ngọc Sương nói như hét: “Xe nước tới rồi kìa!”.
Cả chục người đang trốn nắng dưới các tán cây ven đường xách bình nhựa loại 30 lít túa ra đường đứng chờ xe tới.
Bà Sương nói giọng run run: “Tui nghe nói huyện đoàn chở nước tới gần bến phà cấp miễn phí cho dân nên đạp xe 3km tới xin mấy thùng về uống. Chạy tới nơi thì hết nước. Nãy giờ chờ chừng một tiếng rồi, mà có chờ hai ba tiếng cũng không sao, miễn là có nước ngọt chở về”.
Xe vừa dừng lại, các bạn trẻ mặc áo xanh tình nguyện lập tức leo lên mở nắp bồn chuyền nước vào hàng trăm chiếc bình nhựa đang “xí chỗ” đặc kín dưới đất. Lo hết nước nên ai cũng cố chen vào gần vòi nước: “Tui tới trước, cho tui lấy trước đi”.
Anh Nguyễn Hoàng Nhựt (phó bí thư Huyện đoàn Tân Phú Đông) nói: “Bà con cứ yên tâm, đừng sợ hết nước. Tụi con sẽ chở nước phục vụ bà con cho đến tối luôn”. Thế là mọi người xếp hàng lấy nước trong trật tự.
Bà Bùi Thị Nga (72 tuổi, ngụ ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh) dắt chiếc xe đạp cà tàng chở theo ba cái bình nhựa đến lấy nước. Nhìn thấy bà đi đứng khó nhọc, chị Trần Thị Diệu Quyên (bí thư Xã đoàn Phú Thạnh) vội chạy ra lấy bình vào hứng đầy nước rồi đẩy xe đưa bà về nhà.
Anh Nguyễn Hoàng Nhựt căn dặn: “Bà cứ ở nhà nghỉ ngơi nha, lát nữa tụi con chở cho bà 10 bình nước. Trời nắng quá chừng, bà dang nắng sẽ bị bệnh đó”.
Gần 13g. Vợ chồng ông Cao Văn Ba chống xuồng ba lá chở theo 10 cái bình nhựa loại 30 lít cập vào bờ, cạnh chiếc xe tải chở nước.
Ông kể: “Hai tháng nay tui không có nước ngọt xài nên ngày nào cũng chống xuồng đi đổi, cứ ba bình thì trả cho người ta 40.000 đồng.
Nước ngọt chỉ để uống và xối qua một lần sau khi tắm bằng nước mặn. Chén bát cũng vậy, rửa nước mặn rồi lấy nước ngọt tráng qua. Nước dùng rồi lại đem cho bò uống chứ không dám để phí giọt nào”.
Chị Trần Thị Búp (ở ấp Bà Tiên 1, xã Phú Đông) nói: “Nhà tui cũng chắt chiu từng giọt nước ngọt y như chú Ba vậy. Nước ngọt quý như vàng nên xài rất tiết kiệm”.
Thanh niên tình nguyện Tân Phú Đông băng đồng chở nước đến nhà dân |
Không để người dân nào bị khát
Chúng tôi theo một nhóm tình nguyện viên chở 12 bình nước (30 lít/bình) đến nhà những hộ khó khăn xã Phú Thạnh và Phú Đông. Sau khi đi qua những con đường ngoằn ngoèo đầy bụi, các bạn dừng xe rồi cẩn thận đổ nước vào cái lu trống rỗng trước nhà bà Lại Thị Sinh, 72 tuổi.
Chị Trần Thị Diệu Quyên cho biết đây là lần thứ hai xã đoàn chở nước ngọt cho bà Sinh. Chồng bà đã 80 tuổi lại bị bệnh mất trí nhớ, gia đình rất neo đơn.
Ngay sau đó nhóm chúng tôi quay lại điểm tập kết chở tiếp 12 bình đến nhà ông Nguyễn Văn Trú (86 tuổi, ngụ ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh).
Nhà ông chơi vơi giữa đồng, nắng gay gắt khiến nhà ông chẳng khác gì lò bánh mì. Thấy các bạn trẻ chở nước tới, ông chống gậy bước ra. Đôi mắt ông chợt đỏ hoe vì hạnh phúc.
Ông Trú nói rất thật rằng không biết nói lời gì để diễn tả tâm trạng của mình khi đón nhận các bình nước ngọt đầy nghĩa tình từ những người mà ông không hề quen biết.
Ông nói: “Nước ngọt các cháu cho lần trước cũng vừa hết. Hôm nay các cháu lại mang tới. Thiệt là quý giá hết sức!”.
Đã quá trưa, lưng áo các tình nguyện viên ướt đẫm mồ hôi nhưng không một ai kêu đói hay mệt. Xong hộ này, các bạn lại trở về chở nước đến hộ khác theo danh sách đã chuẩn bị từ trước.
Anh Nguyễn Hoàng Nhựt cho biết nhìn thấy dân khổ vì thiếu nước ngọt, anh em ở huyện đoàn chịu không nổi nên mở chiến dịch tình nguyện đưa nước ngọt cứu khát cho người dân từ ngày 9-3 đến nay.
Mỗi tuần lực lượng tình nguyện hai lần chở nước đến các vùng xa, vùng khó khăn cấp miễn phí cho dân.
Cán bộ huyện và xã đoàn xuống địa bàn khảo sát trước 1-2 ngày để chọn điểm cấp phát nước; nắm chắc địa chỉ những hộ nghèo, gia đình chính sách và neo đơn để chở nước ngọt đến tận nhà, cố gắng không để hộ nào thiếu nước ngọt.
Một trong những bạn trẻ tham gia chiến dịch cứu khát cho dân nghèo nhiệt tình nhất trong suốt hơn một tháng qua là Phạm Ngọc Thịnh, ở xã Phú Thạnh. Thịnh mới 21 tuổi, làm tài xế lái xe tải cho gia đình.
Sau Tết Bính Thân, Thịnh chở nước ngọt đổi cho dân với giá 100.000 đồng/m3. Nhưng từ đầu tháng 3-2016 Thịnh tình nguyện mang xe của mình đi chở nước cấp miễn phí cho người dân cùng với anh em tình nguyện viên ở huyện đoàn.
Thịnh tâm sự: “Trên cù lao này ai cũng khổ vì không có nước ngọt. Tôi đổi nước ngọt lấy tiền nhưng thấy không thoải mái lắm, nên khi nghe anh Nhựt rủ tham gia chở nước giúp dân miễn phí là tôi gật đầu liền”.
Anh Nhựt nói cũng nhờ có xe tải của Thịnh chạy xuyên suốt thời gian qua nên lực lượng tình nguyện mới chuyển được hàng trăm mét khối nước ngọt đến cho hơn 1.000 lượt hộ khó khăn trong huyện.
Bơm nước từ bồn vào bình cho dân |
Mang nước đến tận nhà, đổ vào lu cho ông Nguyễn Văn Trú – Ảnh: V.Trường |
Lo cho dân xong mới lo cho mình Anh Nguyễn Hoàng Nhựt cho biết gia đình của tất cả cán bộ Đoàn và tình nguyện viên tham gia hoạt động cứu khát cho dân nghèo cũng bị thiếu nước ngọt nhưng mọi người ưu tiên lo chở nước cho dân trước. Đến cuối ngày, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ chở nước ngọt đến cho người nghèo, họ mới đi lấy nước chở về nhà mình. Theo chị Nguyễn Thị Uyên Trang (bí thư Tỉnh đoàn Tiền Giang), phong trào tình nguyện cứu khát cho dân được tỉnh đoàn phát động ngay sau khi đọc bản tin “Hơn 1.000 hộ dân mất tết vì không có nước ngọt” trên Tuổi Trẻ Online chiều mùng 1 tết. Ngay sau đó 25 bạn trẻ xã Bình Đông, thị xã Gò Công đã mua bình nhựa chở nước bằng xe máy đến cho những hộ nghèo, neo đơn. Đầu tháng 3-2016 huyện đoàn Tân Phú Đông và Gò Công Đông thành lập đội tình nguyện chuyển nước ngọt đến cho dân nghèo, mỗi tuần 2-3 đợt. Ngày 16-4, một nhóm sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM cùng các mạnh thường quân mượn hai xe bồn chở 44m3 nước sạch từ Q.7 (TP.HCM) về cứu khát cho hàng trăm hộ dân xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre). Nhóm mạnh thường quân này cũng hỗ trợ chi phí xăng dầu cho Huyện đoàn Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) để chở nước ngọt miễn phí cho dân. |
Nhắn tin để gửi “Nước cho vùng hạn, mặn” Để góp thêm những giọt nước nghĩa tình gửi đến đồng bào trong cơn hạn hán và nhiễm mặn, bạn đọc có thể đóng góp tại phòng tiếp bạn đọc (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cùng các văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ trên cả nước; hoặc chuyển khoản báo Tuổi Trẻ, số 102010000118248, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3, TP.HCM. Nội dung: Ủng hộ chương trình “Nước cho vùng hạn, mặn”. Hoặc thông qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Điện thoại chương trình: 0913804883. Ngoài ra, bạn đọc có thể soạn tin nhắn: NC và gửi đến 1407, ủng hộ 1m3 nước (tương đương 14.000 đồng) sẻ chia với đồng bào vùng hạn mặn. Mỗi tin nhắn – Một hành động tiếp sức đồng bào vùng hạn, mặn do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400, VTC và Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức tiếp tục diễn ra đến 24g ngày 5-6. |