08/01/2025

Hơn 14 tỉ đồng của bạn đọc hướng về vùng hạn, mặn

Tính đến chiều 14-4, chương trình gây quỹ “Nước cho vùng hạn, mặn” đã nhận được hơn 14 tỉ đồng và hơn 11.000 tin nhắn (tương đương 154 triệu đồng) ủng hộ cho người dân vùng hạn, mặn.

 

Hơn 14 tỉ đồng của bạn đọc hướng về vùng hạn, mặn

 

 

Tính đến chiều 14-4, chương trình gây quỹ “Nước cho vùng hạn, mặn” đã nhận được hơn 14 tỉ đồng và hơn 11.000 tin nhắn (tương đương 154 triệu đồng) ủng hộ cho người dân vùng hạn, mặn.

 

 

 

 

Hơn 14 tỉ đồng của bạn đọc hướng về vùng hạn, mặn
Bé Nguyễn Phạm Thuý Hạnh (7 tuổi) cùng mẹ tham gia ủng hộ cho người dân vùng hạn, mặn – Ảnh: Hữu Khoa

Và những tấm lòng thơm thảo của người dân khắp nơi hướng về những vùng đất ruột thịt đang gặp khó khăn vẫn cứ lặng lẽ lan toả…

Thương người miền Tây vất vả

Trưa Sài Gòn quay quắt vì nắng, phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ có một nhân vật rất đặc biệt. Cô tên Nguyệt, một người đi giúp việc nhà hiện đang ở TP Biên Hoà (Đồng Nai). Người phụ nữ hiền lành ấy rụt rè lấy ra 500.000 đồng bảo muốn ủng hộ cho bà con miền Tây đang bị khó khăn vì nhiễm mặn.

Rồi cô lại lấy thêm 200.000 đồng nữa, bảo đây là tiền của bạn nhờ gửi giùm. Hỏi chuyện, cô không giấu được sự ngại ngùng, bối rối khi luôn nói rằng mình không có bao nhiêu, chỉ của ít lòng nhiều, ngại lên báo lắm.

Cô bảo chủ nhà hay đọc báo Tuổi Trẻ, đợi chủ đọc xong, cô đọc ké. Thấy người dân miền Tây nhọc nhằn quá, cô đi xe buýt từ Biên Hoà vượt hơn 20km lên Sài Gòn nhờ Tuổi Trẻ chuyển số tiền trích từ lương giúp việc nhà đến người dân miền Tây. Và đó không chỉ là lần đầu tiên cô ủng hộ những chương trình xã hội của báoTuổi Trẻ.

Cuối giờ chiều, chị Bích Hiền (Q.10, TP.HCM) vội vàng dẫn đứa cháu nhỏ đến phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ gửi tiền ủng hộ cho bà con vùng nhiễm mặn.

Chị Hiền nói: “Má tui kêu đi ủng hộ mấy bữa nay mà bận quá, giờ mới đi được. Mấy bữa rày má đọc báo Tuổi Trẻ thấy nói về bà con miền Tây đời sống khó khăn vì nhiễm mặn, má biểu mang 500.000 đồng góp cho Tuổi Trẻ. Má nói mình góp sức để báo Tuổi Trẻ làm tốt hơn vì Tuổi Trẻ đi trực tiếp giúp đỡ người dân.

Đây là tiền tiết kiệm của má nhưng má biểu lấy tên ba, ghi là cụ ông quá cố Dương Văn Chánh, dặn tui mang giấy về đốt hóa vàng cho ba vui. Ba tui mất gần một năm rồi. Hồi còn sống, ba rất thích đọc báo Tuổi Trẻ. Chương trình nào Tuổi Trẻ phát động, ba cũng ủng hộ”.

Cũng đến ủng hộ chương trình, chị Trần Thị Minh Phú (Q.Tân Bình, TP.HCM) rủ thêm con gái mình – bé Hồ Quỳnh Anh (9 tuổi, học sinh lớp 3) cùng tham gia. Chị Phú cho con gái 100.000 đồng để bé tự tay gửi cô nhân viên báo Tuổi Trẻ.

“Mình nói về những khó khăn, vất vả mà người dân miền Tây đang trải qua để bé hiểu. Bé nghe xong và rất vui vẻ cùng mẹ đi đóng góp. Đây là cách mình muốn dạy cho bé biết thương yêu đồng bào, biết chia sẻ từ những việc nhỏ như vậy” – chị Phú cho biết.

Góp một phần 
cho bà con đỡ khổ

Trao số tiền 2 triệu đồng ủng hộ bà con vùng hạn, mặn, cô sinh viên H.M. (sinh viên năm cuối khoa báo chí Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) chia sẻ: “Đây là tiền của chú em cho lâu rồi nhưng em không tiêu xài gì.

Thấy Tuổi Trẻ phát động chương trình này rất thiết thực và nhân văn nên em hỏi ý kiến ba mẹ để gửi số tiền đó cho chương trình. Em nhớ hoài hình ảnh một người nông dân ngồi trên cánh đồng lúa chết, thấy xót xa và thương quá”. H.M. còn chu đáo hỏi thăm về kế hoạch hỗ trợ dài hơi của Tuổi Trẻ với người dân vùng hạn, mặn vì theo M., việc hỗ trợ, giúp đỡ lúc này chỉ mang tính tạm thời, về lâu dài cần phải làm gì để người dân không vất vả vào những mùa sau, khi tình trạng nhiễm mặn chắc chắn không chỉ xảy ra một lần.

Cũng với tình cảm như cô sinh viên H.M., vừa đón mẹ từ miền Tây lên thăm, chị Nguyễn Thế Huỳnh (27 tuổi, nhân viên Trường Tây Úc, Q.3, TP.HCM) đã đưa mẹ đi ủng hộ chương trình của Tuổi Trẻ.

Chị Huỳnh cho hay: “Cái tên của chương trình làm mình rất xúc động: “Nước cho vùng hạn, mặn”, như là nước mắt của con người, nước mắt của người dân miền Tây. Hồi tết mình về thăm quê, thấy bà con cực quá.

Vĩnh Long quê mình bị nhiễm mặn trước tết. Nguồn nước từ bên ngoài vào nhà rất xa. Người dân rất khó khăn về nước sinh hoạt mà khổ nhất là người già. Cây lúa thì bị chết. Cuộc sống bình thường của người dân đã vất vả, giờ lại càng cực hơn.

Nghe mẹ kể nhiều người phải đi xa kiếm việc làm thuê làm mướn lo bữa cơm từng ngày, mình thấy thương, muốn đóng góp một phần để bà con đỡ khổ hơn”.

Những yêu thương, chia sẻ cứ thế lặng lẽ lan toả với tấm lòng của người dân thành phố và cả những người con xa quê đang đau đáu hướng về những vùng đất đang quằn mình vì hạn, mặn.

MY LĂNG