08/01/2025

Không thể giải quyết song phương vấn đề quần đảo Trường Sa

Ngày 14-4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ vấn đề tranh chấp ở Biển Đông nếu liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, nhiều nước thì phải giải quyết đa phương.

 

Không thể giải quyết song phương vấn đề quần đảo Trường Sa

 

 

 

Ngày 14-4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ vấn đề tranh chấp ở Biển Đông nếu liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, nhiều nước thì phải giải quyết đa phương.

 

 

 

 

 

Không thể giải quyết song phương vấn đề quần đảo Trường Sa
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình – Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ

Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc họp báo ngày 13-4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hoan nghênh phát biểu trước báo chí của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov về vấn đề Biển Đông.

Tại cuộc họp báo với truyền thông Nhật Bản, Trung Quốc, và Mông Cổ ngày 12-4 tại thủ đô Matxcơva, ông Sergey Lavrov cho rằng tất cả các bên liên quan đều phải tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực, tiếp tục tìm kiếm các giải pháp giải quyết tranh chấp thông qua kênh chính trị, ngoại giao trên cơ sở đồng thuận giữa các bên.

Ngoại trưởng Nga cũng yêu cầu “các nước đứng ngoài” dừng lại mọi hành vi can thiệp vào hoạt động đàm phán trực tiếp của các bên liên quan hòng quốc tế hoá vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Khi được hỏi về tuyên bố trên của Ngoại trưởng Nga tại họp báo thường kỳ chiều 14-4 ở Hà Nội, Người phát ngôn Lê Hải Bình nêu rõ:

“Đối với vấn đề chỉ liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương, đối với những vấn đề liên quan đến các nước khác ví dụ như là vấn đề quần đảo Trường Sa, thì không thể giải quyết song phương mà phải có sự tham gia của các bên liên quan.

Và đối với những vấn đề liên quan đến cả các nước ngoài khu vực, ví dụ như vấn đề an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, thì phải được bàn bạc và giải quyết với tất cả các nước có chung lợi ích và chung mối quan tâm”.

Ông Bình khẳng định lại lập trường của VN đối với vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Theo đó, Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS) và trên tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Khi được hỏi phản ứng của Việt Nam về việc truyền thông Mỹ đưa tin Trung Quốc đưa chiến đấu cơ Shenyang J-11 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Người phát ngôn Lê Hải Bình tuyên bố hành động này của Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và đe doạ trực tiếp đến hoà bình, ổn định của khu vực.

Ông Lê Hải Bình một lần nữa khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo đó, Việt Nam kiên quyết phản đối và mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay việc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu Bắc Kinh ngay lập tức đưa các máy bay chiến đấu ra khỏi khu vực này và không tái diễn các hành động tương tự.

“Là Uỷ viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đồng thời là quốc gia có vai trò quan trọng trong khu vực, Trung Quốc cần có hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hoà bình, ổn định trong khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS) và trên tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC),” ông Bình tuyên bố.


QUỲNH TRUNG