Bỗng dưng được… tung hô trên mạng
Đang là “hiện tượng mạng” trong những ngày gần đây với clip nói nhiều ngôn ngữ, nhưng cô nữ sinh K.V. cũng nhận không ít lời chỉ trích nặng nề như “trừ tiếng Anh, những ngôn ngữ khác thì sai bét nhè”, “nữ sinh chém gió với ngôn ngữ “lậu”…”.
Bỗng dưng được… tung hô trên mạng
Đang là “hiện tượng mạng” trong những ngày gần đây với clip nói nhiều ngôn ngữ, nhưng cô nữ sinh K.V. cũng nhận không ít lời chỉ trích nặng nề như “trừ tiếng Anh, những ngôn ngữ khác thì sai bét nhè”, “nữ sinh chém gió với ngôn ngữ “lậu”…”.
Chia sẻ với Nhịp sống trẻ, K.V. nói: “Tôi bị áp lực vì clip ban đầu chỉ làm cho vui thôi, nhưng có lẽ nhiều người đã hiểu, diễn giải sai chữ “nói” (ngoại ngữ) của tôi”. Trường hợp gặp rắc rối do bỗng dưng nổi tiếng hoặc được sự quan tâm của xã hội như K.V. không chỉ là thiểu số.
Thêm chút “mắm”, mặn cả đời
Dẫu chuyện đã khép lại từ rất lâu nhưng khi nhớ lại, bạn Trần Thị Hoan vẫn không giấu được nỗi buồn.
Là nạn nhân chất độc da cam nên Hoan mang trên người nhiều khiếm khuyết, dẫu vậy Hoan vẫn gắng học và những nỗ lực của bạn khiến nhiều người nể phục. Nhưng Hoan chẳng ngờ ngày mình thi đậu vào Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) – một trường điểm của thành phố – thì vô vàn muộn phiền kéo đến chỉ sau một bài phỏng vấn.
“Thực chất tôi chỉ vừa đủ điểm đậu, chưa vào học ngày nào ở trường nhưng người phỏng vấn đã chủ quan ghi tôi đậu cao và là học sinh giỏi của trường. Tôi vừa bức xúc, vừa lo sợ và căng thẳng…, vì không biết mọi người sẽ nghĩ gì về mình, phần biết chắc bản thân khó thể trở thành học sinh giỏi.
Tôi đi trong sân trường mà chỉ biết cúi mặt, không dám ngước lên. Tôi thậm chí muốn chuyển trường vì áp lực quá lớn và phải mất một thời gian khá dài để mọi thứ bình thường trở lại dù thầy cô, bạn bè ai cũng rất đáng quý” – Hoan nhớ lại.
Trớ trêu thay, Hoan tiếp tục gặp một câu chuyện tương tự sau đó. “Không phải ai cũng thích được tâng bốc, được nói quá sự thật về mình” – Hoan nói.
Tương tự, chỉ sau một “bài báo” với nhiều ảnh lung linh, bạn P. nhanh chóng trở thành gương mặt được nhiều người biết đến ở một trường THPT tại Q.3. Mọi chuyện không có gì ầm ĩ nếu P. không bị nhắc đến như một anh chàng đúng chuẩn “đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi”.
Gia đình ái ngại, bạn bè liên tục gièm pha, trêu chọc vì sức học, gia cảnh của P. chỉ ở mức bình thường. “Tôi bị “tặng” thêm vài chi tiết không có thật, để giờ khi đã vào đại học mà cái danh P. “nổ” vẫn còn lan truyền” – P. thở dài.
Quay lại câu chuyện của K.V., có tiếp xúc mới thấy bạn không chỉ là một 9X ngoại hình xinh xắn và học lực xuất sắc (K.V. là học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh) mà còn rất lễ phép, khiêm tốn.
Khi đặt câu hỏi rằng nhiều người trong cộng đồng Hàn ngữ, Nhật ngữ…, khẳng định không hiểu bạn nói gì trong clip, K.V. đã thẳng thắn thừa nhận mình chỉ học ở mức căn bản một số ngôn ngữ và đã nói không đúng nhiều ngôn ngữ trong clip.
“Tôi không ngờ một clip làm chơi mà lại thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Sẵn đây tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến những góp ý, nhận xét của mọi người. Khi được giới thiệu là “biết bảy ngôn ngữ” tôi cũng hơi ngại vì đó chỉ là đích nhắm vì tôi rất mê học ngoại ngữ” – K.V. chia sẻ. K.V. cho biết hiện bạn sẽ hạn chế tiếp xúc để tập trung học tập.
Chỉ cần đẹp là được?
Chẳng khó để nhận thấy hiện đối với nhiều kênh truyền thông dành cho giới trẻ, nếu không có năng lực xuất sắc thì chỉ cần ngoại hình đẹp là đủ xuất hiện “hoành tráng”.
Nhan nhản những tít như “Nữ sinh xinh đẹp hút hồn cư dân mạng”, “Nữ game thủ xinh đẹp khiến bao chàng trai ngưỡng mộ”, “Vẻ đẹp toả nắng của nữ sinh năm cuối”, “Nam sinh đẹp trai gây bão mạng”…, thay vì chia sẻ về những tấm gương giới trẻ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Một số bài viết thực chất chỉ là loạt ảnh lung linh từ đầu đến cuối, còn nhân vật trong bài hoàn toàn không có thành tích, câu chuyện nào đi kèm.
“Vì nổi tiếng đến quá nhanh và quá dễ nên tôi từng bị chao đảo, áp lực đáng kể từ việc bận đồ đi học ra sao, trả lời thế nào với những tin nhắn làm quen đàng hoàng lẫn không đàng hoàng. Bên cạnh đó tôi cũng đối mặt không ít sự ghen ghét từ bạn bè, chẳng biết làm gì khi người ta làm giả và viết bậy trên tài khoản Facebook. Tôi học sút hẳn vào năm lớp 12. Và theo tôi biết thì trường hợp như mình không hề hiếm” – P. kể.
“Có trách thì nên trách những nội dung từ người lớn viết ra, còn người trẻ nói chung và trường hợp K.V. nói riêng tôi tin rằng các bạn không có lỗi vì dẫu sao các bạn vẫn còn non nớt vốn sống. Tôi cũng hi vọng mọi thứ cần được cẩn trọng hơn với người trẻ vì họ rất dễ chông chênh” – Lam Phương (Miss Áo dài nữ sinh TP.HCM 2012) nói.
Khen cũng phải đúng chỗ, đúng lúc “Theo tôi, hiện có sự “thả nổi” chất lượng ở bộ phận quản lý một số báo mạng, kênh truyền thông… Một số bài chỉ có hình, một số khác thậm chí không đáp ứng được các tiêu chí căn bản trong báo chí chứ chưa kể đến nội dung cần sâu sắc, thuyết phục nhưng vẫn xuất hiện” – ThS xã hội học Vũ Thái Hà chia sẻ. ThS Hà nói tiếp: “Việc “tung hô” bạn trẻ một cách dễ dàng sẽ dẫn đến các hệ quả: người trẻ sẽ dễ bị ảo tưởng về giá trị bản thân, không còn động lực cống hiến… Chưa kể bên cạnh đó là niềm tin giữa người trong cuộc lẫn mọi người sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi nhân vật được “thổi phồng” quá sự thật”. Trong khi đó, ông Lê Huy Khoa (hiệu trưởng Trường Hàn ngữ Kanata) chia sẻ: “Không thể phủ nhận về khả năng tiếng Anh của K.V. nhưng thật sự không ổn khi các kênh truyền thông (kể cả kênh truyền hình lớn) liên tục nói em biết bảy ngôn ngữ trong khi tôi không hiểu em đang nói gì ở phần tiếng Hàn. Tôi tự hỏi sao mọi thứ lại dễ dàng được tung hô như vậy?”. “Ca ngợi thiếu kiểm chứng là điều rất nguy hiểm” cũng là quan điểm của tiến sĩ Huỳnh Ngọc Châu, hiện công tác tại Nhật Bản. |