Hai tàu chiến Nhật Bản thăm Cam Ranh
Trưa 12-4, biên đội tàu hộ vệ số 15 của Lực lượng tự vệ biển Nhật Bản gồm hai tàu JS Ariake và JS Setogiri đã cập cảng quốc tế Cam Ranh, bắt đầu chuyến thăm kéo dài đến ngày 15-4.
Hai tàu chiến Nhật Bản thăm Cam Ranh
Trưa 12-4, biên đội tàu hộ vệ số 15 của Lực lượng tự vệ biển Nhật Bản gồm hai tàu JS Ariake và JS Setogiri đã cập cảng quốc tế Cam Ranh, bắt đầu chuyến thăm kéo dài đến ngày 15-4.
Hai tàu hộ vệ của Nhật Bản cập cảng quốc tế Cam Ranh trưa 12-4, bên trái là tàu JS Ariake, bên phải là tàu JS Setogiri - Ảnh: Duy Thanh |
Tham dự lễ đón hai tàu chiến này có ông Fukada Hiroshi, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam. Tiếp tàu có đại diện các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Tại cuộc họp báo ngắn diễn ra ngay trên sân đỗ trực thăng của tàu JS Ariake, đại tá Morishita Osamu, chỉ huy trưởng biên đội tàu hộ vệ số 15, cho biết biên đội tàu này rời cảng ở Hiroshima ngày 19-3 để đến thăm căn cứ hải quân Subic ở Philippines và cảng quốc tế Cam Ranh của Việt Nam, dự kiến sẽ trở lại Nhật Bản vào ngày 27-4.
Hai tàu hộ vệ này chở theo thuỷ thủ đoàn gần 500 người, trong đó có 54 học viên sĩ quan hải quân vừa tốt nghiệp.
Theo đại tá Morishita, chuyến thăm này nhằm rèn luyện kiến thức và kỹ năng cần thiết thông qua quá trình đi biển dài ngày cho các học viên sĩ quan của Lực lượng tự vệ biển Nhật Bản, đồng thời có các hoạt động giao lưu với hải quân các nước nhằm giúp các học viên có kiến thức thực tế, hoàn thiện kỹ năng cần thiết và tăng cường mối quan hệ với hải quân các nước.
Trả lời một số câu hỏi của phóng viên Nhật Bản và Việt Nam, đại tá Morishita cho hay đây là lần đầu tiên biên đội tàu chiến này thăm Cam Ranh, nhưng năm ngoái biên đội đã đến thăm cảng Tiên Sa ở Đà Nẵng.
Nói về lý do vì sao đến Cam Ranh, đại tá Morishita cho hay vì Cam Ranh nằm ở vị trí trung tâm của Biển Đông, là cảng biển tự nhiên tốt nhất trong khu vực và nơi đây vừa khánh thành cảng quốc tế.
Tại buổi lễ đón biên đội tàu hộ vệ của Nhật Bản, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Fukada Hiroshi đã đọc thư của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nhân sự kiện này.
Bức thư có đoạn viết: “Biển Đông phía trước mặt vịnh Cam Ranh là tuyến đường hàng hải quốc tế, nơi có nhiều tàu bè kể cả dân sự và quân sự qua lại 24/24 giờ trong suốt 365 ngày, là một “vùng biển tự do và rộng mở”, giữ vai trò thiết yếu đối với hoà bình và phồn vinh của khu vực. Để vùng biển “tự do và rộng mở” của Biển Đông tiếp tục là vùng biển hoà bình và an toàn trên nguyên tắc tự do hàng hải và luật pháp quốc tế là điều hết sức quan trọng đối với hòa bình và ổn định của toàn khu vực và thế giới”.
Trong thư, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản mong muốn trong thời gian tới, tàu của Lực lượng Tự vệ biển Nhật Bản tiếp tục thăm cảng quốc tế Cam Ranh và tin tưởng các chuyến thăm sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa nhân dân, quân đội hai nước nói chung và lực lượng hải quân nói riêng.
Thông tin từ ban tổ chức lễ đón biên đội tàu hộ vệ Nhật Bản thăm Cam Ranh cho biết, trong thời gian diễn ra chuyến thăm, lãnh đạo của biên đội tàu này sẽ đến chào xã giao lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hoà, Bộ Tư lệnh Vùng 4 hải quân; hải quân hai bên tổ chức thăm tàu của nhau và thi đấu giao hữu bóng chuyền.
Sau khi rời cảng, hai tàu của Lực lượng Tự vệ biển Nhật Bản sẽ tiến hành luyện tập chung sử dụng Bộ quy tắc tránh va chạm ngoài ý muốn trên biển (CUES) với tàu Hải quân Việt Nam.
Tháng 11-2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã đến thăm cảng quốc tế Cam Ranh khi cảng này còn đang trong quá trình xây dựng, sau đó ông có đến thăm Học viện Hải quân Việt Nam tại Nha Trang.
Cảng quốc tế Cam Ranh vừa khánh thành ngày 8-3 năm nay. Đây là lần thứ hai cảng này đón tàu hải quân quốc gia khác đến thăm. Lần đầu tiên là tàu RSS Endurance của hải quân Singapore ghé cảng này từ ngày 17 đến ngày 21-3.
Đại tá Morishita Osamu, chỉ huy trưởng biên đội tàu hộ vệ số 15, trả lời báo chí - Ảnh: Duy Thanh |
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Fukada Hiroshi duyệt đội danh dự của biên đội tàu hộ vệ số 15 Lực lượng Tự vệ biển Nhật Bản – Ảnh: Duy Thanh |
Sĩ quan tàu JS Ariake giới thiệu hệ thống phóng tên lửa trang bị trên tàu - Ảnh: Duy Thanh |
Thông tin về biên đội tàu hộ vệ số 15 của Nhật Bản * Tàu hộ tống Ariake (DD109): lượng giãn nước tiêu chuẩn 4.550 tấn, chiều dài 151m, chiều rộng 17,4m; vũ khí chính gồm pháo cao xạ 76mm, ống phóng theo chiều thẳng đứng, hệ thống tên lửa đối hạm. * Tàu hộ tống Setogiri (DD156): lượng giãn nước tiêu chuẩn 3.550 tấn, chiều dài 137m, chiều rộng 14,6m; vũ khí chính có pháo 76mm, hệ thống tên lửa phòng không, hệ thống tên lửa đối hạm… * Máy bay trực thăng trinh sát SH-60K biên chế trên tàu: tốc độ tối đa 150knot (1 knot bằng 1 hải lý/giờ), dài 20m với tổ bay 4 người. (Nguồn: Ban tổ chức lễ đón 2 tàu hộ vệ của Nhật Bản) |