Xin ra khỏi hộ nghèo
Huyện Con Cuông là một huyện miền núi còn rất khó khăn của tỉnh Nghệ An.
Xin ra khỏi hộ nghèo
Huyện Con Cuông là một huyện miền núi còn rất khó khăn của tỉnh Nghệ An.
Nhưng ở huyện này, từ mấy năm nay, đã âm thầm diễn ra một cuộc “cách mạng” – đó là mỗi năm có hàng mấy chục hộ nghèo người dân tộc và người Kinh đã viết đơn “xin ra khỏi hộ nghèo” dù họ đang thực sự ở trong diện nghèo.
Giữa lúc ở nhiều xã trong nước, nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhưng vẫn “xin ở lại diện hộ nghèo” để được hưởng các chính sách cứu trợ của nhà nước, thậm chí có xã còn chạy xin huyện xin tỉnh cho xã mình tiếp tục “ở trong diện hộ nghèo”, thì hành động “xin ra khỏi hộ nghèo” của bà con nghèo H.Con Cuông sáng lên ngọn lửa của lòng tự trọng, ý chí thoát nghèo và một khát khao đổi đời đáng nể phục.
Nhiều hộ xin ra khỏi hộ nghèo ở H.Con Cuông sau mấy năm cần cù lao động đã thực sự thoát nghèo. Không phải họ “chê” những khoản cứu trợ của nhà nước, mà là nói như một cụ ông đã 83 tuổi vẫn xin rút khỏi diện hộ nghèo: “Cứ ngồi hưởng chính sách mãi cũng xấu hổ nên tui phải xin ra thôi”.
Dù cụ biết, con đường để mình thoát nghèo khi tuổi già sức yếu là đầy chông gai. Nhưng lòng tự trọng và ý chí vượt khó, mong làm gương cho con cháu, cho bà con đã thúc đẩy cụ có quyết định dữ dội này. Bởi, một khi đã hưởng những trợ cấp của nhà nước, thì tuy không khá giả nhưng cũng không bị đói, có những hộ nghèo đã trở nên ỷ lại, thiếu ý chí phấn đấu, thiếu cả sự cần cù chăm chỉ vốn là thế mạnh của người nông dân. Họ cứ “bèo dạt mây trôi”, được chăng hay chớ, qua ngày đoạn tháng, và dần dần không còn nghĩ tới tương lai gia đình mình sẽ thế nào.
Những người dân nghèo ở H.Con Cuông, một khi làm đơn xin thoát khỏi hộ nghèo, họ đã quyết không để tương lai con cháu mình cứ mãi mãi ăn gạo trợ cấp, mãi mãi ở trong vòng kiềm tỏa của cái nghèo, mãi mãi không thể ngẩng đầu tự hào như một con người tự lập, tự lo cho cuộc đời mình và cho con cháu mình.
Với những người nghèo ấy, để thoát nghèo không hề là chuyện đơn giản, còn để tái nghèo lại rất dễ dàng. Nhưng họ đã quyết thoát ra khỏi chính sách trợ cấp, cũng là chính sách bao cấp dễ làm con người buông xuôi, và hướng tới những thách thức trên con đường tự lập thoát nghèo, thậm chí vươn lên khá giả. Đó cũng là một hành động khởi nghiệp từ những người nông dân nghèo, và rất đáng được nhà nước biểu dương, khuyến khích, hỗ trợ để họ thành công.
Không ai muốn sống trong nghèo khổ. Nhưng khi đã nghèo mà vẫn không từ bỏ khát khao vươn lên thành hộ “không nghèo”, thì quyết tâm ấy đáng để chúng ta coi là một cuộc cách mạng. Thoát khỏi “cái mạng nghèo” và sống có mục đích trở thành người chủ thực sự của cuộc đời mình, đó chẳng phải là hành động cách mạng sao?
Thanh Thảo