05/11/2024

Có nên cấm học sinh mang điện thoại đến trường?

Hiện nay có rất nhiều trường học cấm HS mang điện thoại đến trường vì không muốn các em dùng điện thoại chụp ảnh, quay phim và phát tán lên internet làm ảnh hưởng tới trường, và có lý do được đưa ra là các em sẽ mải mê điện thoại bỏ bê học hành.

 

Có nên cấm học sinh mang điện thoại đến trường?

 

Hiện nay có rất nhiều trường học cấm HS mang điện thoại đến trường vì không muốn các em dùng điện thoại chụp ảnh, quay phim và phát tán lên internet làm ảnh hưởng tới trường, và có lý do được đưa ra là các em sẽ mải mê điện thoại bỏ bê học hành.





Học sinh Trường THPT Marie Curie, TP.HCM được sử dụng điện thoại ở trường - Ảnh: Lam Ngọc

 

Học sinh Trường THPT Marie Curie, TP.HCM được sử dụng điện thoại ở trường – Ảnh: Lam Ngọc


Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cấm như thế là vi phạm quyền riêng tư, mang điện thoại đến trường cũng có nhiều cái lợi…
Để rộng đường dư luận, Thanh Niên mở diễn đàn, cùng phụ huynh và nhà trường tìm ra giải pháp phù hợp thông qua các ý kiến tranh luận.
Vi phạm quyền riêng tư
Nhu cầu sử dụng điện thoại di động khi đến trường của học sinh (HS) là cần thiết. Ngoài việc để liên lạc khi đau bệnh, khi cha mẹ cần nhắn gửi thông tin thì điện thoại di động là một phương tiện hữu ích. Điện thoại thông minh (smart phone) còn có thể hỗ trợ rất nhiều cho việc học của các em. Thay vì phải vác cả cuốn từ điển đến lớp, các em có thể tra từ ngay trên điện thoại. Ngoài ra, các em có thể sử dụng điện thoại để giải trí như: nghe nhạc, xem phim nước ngoài… để học tiếng Anh cũng rất tốt.
Nếu trong một bài giảng đôi khi thầy cô giảng chưa giải thích rõ thì giờ chơi các em có thể tranh thủ lên mạng xem thêm để hiểu rõ hơn. Người lớn được dùng mà cấm HS sử dụng điện thoại là một điều vô lý và vi phạm quyền riêng tư.
Cũng có một vài trường hợp HS sử dụng điện thoại để quay phim, chụp ảnh những vụ bạo lực học đường, những việc làm chưa đúng chuẩn của một số giáo viên… tôi cho đây là sự giám sát rất hay, không thể cấm! Nếu cấm HS sử dụng điện thoại để quay, chụp thì cũng chẳng khác nào việc cấm người dân không được quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông mãi lộ. Điều này rất vô lý.
Khi thấy sự cố trong trường thì HS cũng phải tự mình xem xét nên quay, chụp như thế nào là hợp lý và những hình ảnh đó nên đưa cho ai và sử dụng vào mục đích gì mới là quan trọng. Đi kèm với việc cho HS sử dụng điện thoại di động, nhà trường cũng nên khuyến cáo HS không nên sử dụng điện thoại quá mắc tiền và phải có quy định cụ thể để HS tự bảo quản tài sản, khi ra khỏi lớp nên mang theo hoặc để trong ba lô khoá lại, nếu xảy ra chuyện mất mát HS tự chịu, nhà trường không có trách nhiệm đền bù.
Nguyễn Văn Vân (Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, TP.HCM)
Nhiều nguy hại
Tôi hoàn toàn không ủng hộ việc cho các cháu nhỏ xài điện thoại di động vì có rất nhiều cái hại. Ở độ tuổi đó, các cháu dễ nghiện điện thoại. Từ đó, tăng nguy cơ tổn hại mắt, ít vận động, dễ béo phì và ù lì. Hơn nữa, khoa học cũng chứng minh sóng điện thoại ảnh hưởng không tốt đến não đứa trẻ. Trẻ học lớp 8, lớp 9 cũng chưa nên cho xài điện thoại vì trẻ sẽ bị xao nhãng học hành. Sẵn có điện thoại bên mình, trẻ dễ mê game, xem những thông tin, hình ảnh không lành mạnh, hoặc lên mạng xã hội bình luận này nọ, dễ dẫn đến xích mích, đánh nhau…
Với những trẻ có ý thức, việc sử dụng điện thoại mới có lợi. Lúc đó, ba mẹ dễ liên lạc và các cháu có thể cài từ điển học Anh văn hoặc những phần mềm hữu ích khác. Tôi cho rằng chỉ các cháu học THPT trở lên thì phụ huynh và nhà trường mới nên cho sử dụng điện thoại.
Lê Minh Phụng (Khu dân cư Trung Sơn, H.Bình Chánh, TP.HCM)
Không cần thiết
Tôi có hai đứa con đang học lớp 8 và lớp 3. Theo tôi, việc để HS mang điện thoại vào trường là không cần thiết. Bởi vì các tiết học đã sít sao, giờ ra chơi chỉ khoảng 15 – 20 phút, nên để các cháu vui chơi thư giãn. Nếu cho đem điện thoại vào trường, các cháu sẽ mất tập trung học hành vì mải lên Facebook. Tôi chỉ thấy có mặt thuận lợi là các cháu có thể gọi cho cha mẹ trong những tình huống khẩn cấp như đau ốm, cần ba mẹ đón sớm… Tuy nhiên, lâu nay các cháu vẫn có thể mượn điện thoại của bác bảo vệ hoặc cô giám thị rồi.
Nguyễn Thị Thanh Thuý (Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ)
Cực chẳng đã mới đem theo
Trường con có ra thông báo là không cho mang điện thoại di động vào trường. Nhưng lâu lâu con cũng phải lén lút mang theo. Đó là khi ba con đi công tác, nhờ người khác đón và mẹ cần liên lạc hướng dẫn. Cô giáo hay kiểm tra đột xuất nên cực chẳng đã con mới đem theo, phải giấu, dùng lén lút. Lớp con đã bị tịch thu ba cái điện thoại rồi. Nhà trường mời bố mẹ vào làm cam kết hoặc cuối năm mới trả lại, hạ hạnh kiểm… Con tự nhận thấy tụi con hay chat Facebook lắm, rất mất thời gian. Cho nên, nếu nhà trường cho phép, con thấy cũng không cần thiết và cũng không thích mang điện thoại vào trường thường xuyên.
V.T (Học sinh lớp 7 một trường THCS ở Q.3, TP.HCM)
“Cấm” không phải là biện pháp để giải quyết vấn đề
Với HS thì việc sử dụng điện thoại là cần thiết và là nhu cầu tất yếu. Chính vì vậy không nên cấm HS sử dụng điện thoại nhưng cũng yêu cầu các em tắt điện thoại trong giờ học trên lớp. Việc cấm sử dụng điện thoại không phải là biện pháp giải quyết vấn đề mà quan trọng hơn là phải tác động vào ý thức để HS tự cân nhắc nên sử dụng như thế nào cho hợp lý mới là tốt nhất.
Hoàng Gia Thành (Phó hiệu trưởng Trường THCS – THPT Hồng Đức)
Lớp 10 trở lên mới cho sử dụng
Tôi nghĩ vấn đề gì cũng có hai mặt. Mang theo điện thoại, HS có thể liên lạc khi bị bệnh đau đột ngột, hay nghe phụ huynh dặn đi ra cổng này cổng kia. Nhưng tôi thấy tiềm ẩn nhiều mối nguy hại hơn. Các cháu còn nhỏ, đưa điện thoại là mê chơi game liền, dứt ra không được. Theo tôi, HS từ lớp 10 trở lên mới có ý thức nên cho sử dụng, còn nhỏ hơn thì không nên vì các cháu không thể tự giác được.
Lê Văn Thanh (P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Như Lịch – Lam Ngọc (ghi)