05/11/2024

Kế làm nông của nhà vua Thái

Khi hỏi đến chuyện thuỷ lợi phục vụ nhà nông, người dân Thái Lan ai cũng nhắc đến nhà vua Bhumibol Adulyadej, người đã suốt cuộc đời trăn trở và nghĩ cách làm sao để cải thiện nền nông nghiệp nước nhà.

 

Kế làm nông của nhà vua Thái

Khi hỏi đến chuyện thuỷ lợi phục vụ nhà nông, người dân Thái Lan ai cũng nhắc đến nhà vua Bhumibol Adulyadej, người đã suốt cuộc đời trăn trở và nghĩ cách làm sao để cải thiện nền nông nghiệp nước nhà.

Trong những ngày lặn lội đi tìm hiểu chuyện người Thái ứng phó với hạn hán như thế nào cho tuyến bài “Ngược dòng Mekong đang hấp hối”, tôi nghe những người nông dân nhắc rất nhiều đến nhà vua Bhumibol Adulyadej.

Ai cũng vậy, khi hỏi đến chuyện thuỷ lợi phục vụ nhà nông là cũng: Nhà vua lên trị vì nước Thái năm 1946. 

Những năm còn trẻ, ông đi rất nhiều đến các vùng miền của đất nước để mục sở thị tình hình cuộc sống của thần dân…

Thái Lan cách đây vài chục năm còn nghèo, mỗi năm một mùa khô và một mùa mưa, nông dân Thái cứ dựa vào đó mà xuống giống gieo trồng. Do trồng trọt được ít nên nông dân một số vùng phía bắc như Chiang Mai, Chiang Rai… trồng cả cây thuốc phiện để kiếm thu nhập nhiều hơn.

Vua Bhumibol băn khoăn và nghĩ cách làm sao để cải thiện nông nghiệp, giúp người dân từ bỏ tập quán này và trồng được những cây lương thực khác không vi phạm luật pháp.

Đầu tiên, vua chỉ cho dân làm thuỷ lợi để không phải phụ thuộc vào thời tiết. Nước theo quy luật chảy từ trên cao xuống chỗ trũng, ông bày cho người dân dùng tre nứa, bao cát làm thành những bậc thang để nước chảy chậm lại, mỗi bậc thang như vậy giữ lại một ít nước nhưng vẫn giữ nguyên dòng chảy tự nhiên.

Công việc này vua và chính quyền Bangkok chọn giải pháp chỉ cung cấp tiền và để cho dân làm theo tình hình địa phương của mình.

Điều đó cũng đã phản ánh một suy nghĩ cấp tiến vì những người vạch ra kế hoạch hiểu rõ rằng mấy ông quan chức chỉ ngồi bàn giấy, không thể hiểu được cặn kẽ nhu cầu dùng nước của nông dân như thế nào, nước ít nhiều ra sao, địa hình địa thế của địa phương thật sự thế nào…

Ngoài ra, sinh viên đại học các ngành nông nghiệp cứ lên năm thứ hai lại được cho ra đồng giúp nông dân làm thuỷ lợi để học hỏi từ thực tế.

Cứ thế, những thế hệ nối tiếp nhau, trao đổi và vun đắp tri thức nông nghiệp bằng những cuộc làm việc thực tế cùng nhau. Nhờ thế nên chẳng lạ với chuyện cây trái, lúa gạo Thái ngày một được nâng chất lượng, trở thành một thương hiệu của khu vực và thậm chí đặt mục tiêu vươn ra toàn cầu.

Tiếp theo, vua Bhumibol nghĩ ra hệ thống đập chứa nước “má khỉ”. Vua cho người khảo sát những nơi khô hạn, nếu nơi nào có điều kiện và địa hình thích hợp người ta sẽ dùng máy bay phun hoá chất tạo mưa ở nơi đó. Mưa này được tính toán sao cho khi rơi xuống sẽ chảy vào các hồ chứa bên dưới.

Vua khuyên người dân không được chặt rừng nữa vì cây cối sẽ giữ nước, che bóng mát giúp nước ít bốc hơi hơn vào mùa khô…

Vị vua thứ IX của Vương triều Chakri năm nay đã gần 90 tuổi, ông không còn đi được nhiều như ngày xưa nhưng vẫn âm thầm giúp đỡ người dân Thái bằng cách này hay cách khác.

Chuyện trò với chúng tôi trong một buổi trưa tại thành phố Udon Thani, ông tỉnh trưởng Chaiyavoot Jarntorn hào hứng kể nhà vua đã bỏ tiền túi 30 triệu baht (gần 850.000 USD) để giúp tỉnh sửa chữa và gia cố 140 đập nước trong mùa khô hạn này.

Rất nhiều nông dân Thái Lan bảo rằng ông vẫn “làm phúc sau lưng Phật”!