27/12/2024

Dạy học sinh chống tham nhũng: quá khó

Nội dung phòng chống tham nhũng được đưa vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đã được hai năm. Tuy nhiên, sự lúng túng, mơ hồ trong giảng dạy vấn đề trên là thực trạng chung ở nhiều nhà trường.

 

Dạy học sinh chống tham nhũng: quá khó

 

Nội dung phòng chống tham nhũng được đưa vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đã được hai năm. Tuy nhiên, sự lúng túng, mơ hồ trong giảng dạy vấn đề trên là thực trạng chung ở nhiều nhà trường.

 

 

 

Dạy học sinh chống tham nhũng: quá khó
Cô Lê Thị Lý – tổ trưởng tổ giáo dục công dân Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM – dạy Luật phòng chống tham nhũng cho học sinh lớp 10A9 – Ảnh: Như Hùng

Học sinh biết nhiều hơn điều có thể dạy, vậy có nên né tránh những vấn đề nhạy cảm không?

Né tránh 
hay không né tránh?

Cô Trần Thị Thu Hương – trưởng nhóm giáo dục công dân thuộc tổ xã hội Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội – cho biết: một trong những khó khăn khi dạy về chủ đề phòng chống tham nhũng là phải thận trọng khi chọn lọc các dẫn chứng, câu chuyện thực tế để đưa vào bài học.

“Không phải vì sợ đụng chạm, mà điều chúng tôi lo lắng chính ở học sinh. Vì khi giáo viên đưa ra những câu chuyện liên quan tới hành vi tham nhũng, nếu không thận trọng sẽ khiến các em mất niềm tin, thiếu tôn trọng người lớn và sẽ phản giáo dục. Nhưng nếu né tránh hết những câu chuyện thực tế thì sẽ rất khó khi dạy về phòng chống tham nhũng” – cô Hương chia sẻ.

Một giáo viên ở Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội kể: “Học sinh trung học ở Hà Nội hiện nay biết rất nhiều chuyện tham nhũng từ báo chí, từ các trang mạng xã hội và do người lớn kể lại. Nên có cố “tô hồng” vào thực trạng tiêu cực của xã hội thì các em cũng không tin. Mà không tin thì các em sẽ coi giờ học là thời gian phải chịu đựng việc nghe những điều giả dối”.

Cô Hương cho biết trong những giờ học giáo dục công dân có lồng ghép đề tài phòng chống tham nhũng, đã có nhiều học sinh đứng lên chất vấn cô giáo, đề nghị cô nói rõ hơn về những vụ tham nhũng nổi tiếng mà báo chí đề cập.

“Khi đó, tôi không thể nói là “không có gì” hoặc né tránh không trả lời. Tuy nhiên, khi giải thích hoặc trả lời học sinh thì không nên đưa vào câu chuyện những suy nghĩ, bình luận bi quan để ảnh hưởng đến suy nghĩ của các em. Việc này không dễ, đòi hỏi giáo viên phải khéo léo trong nhận định, đánh giá vấn đề” – cô Hương nói.

Nói về việc giảng dạy nội dung chống tham nhũng, bà Lê Thị Hoa – Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh – nhận xét: thách thức lớn đối với giáo viên chính ở chỗ tham nhũng là vấn đề rất nhạy cảm, liên quan tới việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Để giảng dạy về đề tài này, giáo viên cũng phải hiểu luật, biết phân tích đánh giá các quy định pháp luật đang tác động vào cuộc sống.

“Nguồn thông tin về phòng chống tham nhũng trên mạng rất nhiều, trong đó có những tài liệu không chính thống. Học sinh, sinh viên có thể dễ dàng tìm thấy các tài liệu này. Các em sẽ có sự so sánh, đánh giá và mang băn khoăn của mình chất vấn lại giáo viên về thực trạng tham nhũng, xử lý vấn nạn tham nhũng ở Việt Nam. Nếu việc này giáo viên không giải quyết tốt, khéo léo sẽ khiến học sinh, sinh viên mất niềm tin, hình thành ở giới trẻ suy nghĩ tiêu cực” – bà Hoa bày tỏ.

Né tránh hay không né tránh? Trả lời câu hỏi này, cô Nguyễn Thị Thu Hà – giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội – khẳng định: “Đã dạy về phòng chống tham nhũng thì không được phép né tránh những câu chuyện nhạy cảm đang diễn ra trong xã hội”.

Theo cô Hà, có khá nhiều vụ án tham nhũng điển hình đã được thảo luận trong tổ bộ môn và đưa ra làm dẫn chứng cho học sinh. Nhưng các thầy cô trong tổ thống nhất ở khía cạnh khai thác. Ví dụ ở vụ án A, việc tham nhũng, vi phạm pháp luật thể hiện ở khía cạnh nào? Điều đó thể hiện sự thiếu phẩm chất, đạo đức như thế nào? Bài học gì rút ra từ câu chuyện đó? Học sinh sẽ thảo luận, phản biện và đánh giá.

“Giáo viên hạn chế việc bình phẩm, đưa ra ý kiến chủ quan, vì như thế là áp đặt, không mang lại những bài học bền vững cho học trò” – cô Hà chia sẻ.

Tài liệu ít, tập huấn mơ hồ, thời lượng eo hẹp

Cô Trần Thị Thu Hương chia sẻ về việc đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào chương trình giáo dục nhà trường phổ thông: “Trường tôi đã thực hiện hai năm rồi, chúng tôi cũng được tập huấn về vấn đề này. Nhưng nói thật là giáo viên vẫn thấy mơ hồ lắm, vì thời gian tập huấn ngắn, tài liệu ít, chương trình không cho phép dành riêng một số tiết độc lập cho nội dung này mà chủ yếu phải lồng ghép, tích hợp hoặc tính toán phối hợp với giáo viên bộ môn khác để xây dựng các chuyên đề, hoạt động ngoại khoá”.

Về điều này, tại hội nghị sơ kết hai năm thực hiện giáo dục phòng chống tham nhũng vừa diễn ra, đại diện một số sở GD-ĐT cũng cho biết thời lượng dành cho nội dung trên rất eo hẹp, nên khó có thể đánh giá được hiệu quả thực hiện.

“Chỉ có sáu tiết dạy trong ba năm, thời gian giáo viên có thể tích hợp nội dung này vào các môn học phải tính từng phút. Với thời gian ít ỏi đó chỉ đủ để gợi mở, giải thích cho học sinh hiểu về khái niệm cơ bản thôi” – đại diện sở GD-ĐT một tỉnh cho biết.

Hiệu trưởng một trường THPT ở TP.HCM cũng nhận xét: “Thật ra việc thực hiện tích hợp nội dung phòng chống tham nhũng vào môn giáo dục công dân là do ý thức của mỗi giáo viên, chứ thật sự việc này chưa được coi trọng. Trên thực tế có đơn vị, giáo viên làm theo kiểu đối phó mà thôi. Đội ngũ giáo viên môn giáo dục công dân không được đào tạo bài bản về luật nên việc truyền tải cho học sinh cũng khó trọn vẹn”.

Đã có những điểm sáng

Điều này thuộc về những nhà trường và thầy cô giáo tâm huyết, giàu sáng tạo. Ở Trường Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, ngoài lồng ghép vào bộ môn giáo dục công dân, việc giáo dục phòng chống tham nhũng còn được đưa vào các giờ ngoại khoá, hoạt động ngoài trời, trao đổi nhóm giữa giáo viên chủ nhiệm và học sinh, phụ huynh.

“Chúng tôi xây dựng những tình huống giả định trong giờ học để học sinh đóng vai. Ví dụ tổ chức phiên toà giả định, tái hiện các tình huống theo hình thức tiểu phẩm. Với cách học như thế, học sinh sẽ không thấy khô khan” – cô Nguyễn Thị Thu Hà cho biết.

Theo cô Trần Thị Thu Hương, tổ bộ môn của trường đã trao đổi và đưa nội dung giáo dục phòng chống tham nhũng vào các câu chuyện gần gũi với học sinh như ứng xử của giáo viên với phụ huynh, với học sinh, giữa phụ huynh với giáo viên… và những tiêu cực từng nảy sinh trong các nhà trường hiện nay…

Còn ở Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM, cô Phan Thị Thu Hiền – giáo viên môn giáo dục công dân – cho biết trường đã đưa việc giáo dục phòng chống tham nhũng vào nhiều hoạt động đa dạng… Thông qua các hoạt động trên, học sinh được trang bị những kiến thức cơ bản về Luật phòng chống tham nhũng, biết tham nhũng là gì, biểu hiện ra sao, các em có thái độ ứng xử như thế nào trước những hành vi tham nhũng, và tác hại ghê gớm mà tệ nạn tham nhũng gây ra cho xã hội…

Để việc dạy về phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn

Thanh tra Chính phủ và Bộ GD-ĐT cần xây dựng một trang web riêng, chuyên cung cấp nguồn thông tin và tài liệu chính thống về các vụ án tham nhũng, giúp các giáo viên thuận lợi trong quá trình giảng dạy.

Ngoài ra, cần biên soạn thành một bài giảng hoàn chỉnh (giảng dạy trong 2-3 tiết) với các nội dung cơ bản về tham nhũng như: khái niệm, nguyên nhân, tác hại, biện pháp phòng chống, trách nhiệm của học sinh, sinh viên… đưa vào tiết giáo dục địa phương.

 PHAN THỊ THU HIỀN 
(giáo viên môn giáo dục công dân, Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM)

V.HÀ – H.HƯƠNG