Trồng sâm đương quy dưới chân núi
Từ trồng thí điểm nhưng mang lại hiệu quả không ngờ, xã vùng cao Ngọc Lây, H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) đầu tư phát triển mạnh diện tích sâm đương quy, xem đây là cây trồng chủ lực cho đồng bào Xê Đăng ổn định cuộc sống.
Trồng sâm đương quy dưới chân núi
Từ trồng thí điểm nhưng mang lại hiệu quả không ngờ, xã vùng cao Ngọc Lây, H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) đầu tư phát triển mạnh diện tích sâm đương quy, xem đây là cây trồng chủ lực cho đồng bào Xê Đăng ổn định cuộc sống.
Lợi nhuận gấp đôi trồng mì
Từng học đại học ngành kinh tế và được đưa về làm Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Lây, vùng đất nằm dưới chân núi Ngọc Linh hùng vĩ, A Biên rất lo khi xã và huyện chọn mình và 3 hộ nữa tiên phong trồng cây sâm đương quy. A Biên biết rằng, nếu làm không đạt thì đồng bào sẽ chê “nó đi xuống thành phố mà không biết học cái tốt”.
Thế là đầu năm 2014, A Biên nghiên cứu, đưa giống về trồng tại làng Đăk King của mình. Hóa ra, trồng cây sâm này không khó gì, chỉ cần làm đất kỹ, tơi xốp, có phân bón lót là xuống giống. Sau đó theo dõi làm cỏ, không cần tưới nước, nhưng giống sâm này vẫn phát triển tốt. Một năm sau, với diện tích 3.000 m2 đã mang thu nhập về cho gia đình A Biên đến hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí cũng có lời trên 60 triệu đồng.
A Biên cho hay, sâm đương quy dễ trồng, dễ chăm sóc, chủ yếu là khâu làm đất và bón phân, nhưng hiệu quả tăng gấp đôi so với trồng mì. “Xưa nay ở đây chưa ai có nhiều tiền bằng trồng cây sâm đương quy như nhà mình và mấy hộ cùng làm”, A Biên khoe.
Đến thôn Măng Rương, xã Ngọc Lây, chúng tôi tìm tới nhà anh A Nô (30 tuổi). A Nô bảo vừa rồi anh trồng cây sâm đương quy thu lãi không bằng A Biên nhưng không kém bao nhiêu. “1.000 m2trồng mì, cao lắm thu về 10 triệu đồng, chưa kể công và tiền mua phân bón, nhưng với sâm đương quy thì thu gấp đôi trở lên”, A Nô nói.
Thấy dễ làm mà hiệu quả, năm 2016 A Nô đã phát triển diện tích sâm đương quy lên 0,5 ha, trong đó đã thay thế phần lớn diện tích cây mì, cây bắp trồng không hiệu quả trước kia.
Nhân rộng diện tích
Theo UBND xã Ngọc Lây, do nhận thấy thổ nhưỡng thích hợp nên năm 2014, UBND H.Tu Mơ Rông tiến hành trồng thử nghiệm 1,2 ha sâm đương quy tại xã. “Đến nay đã thấy cây này quá phù hợp, giá cả lại ổn định nên không lý gì không phát triển mạnh diện tích”, A Điện Chung, Bí thư Đảng uỷ xã Ngọc Lây, quả quyết.
Theo A Điện Chung, sâm đương quy tươi khi thu hoạch bán giá từ 40.000 – 60.000 đồng/kg; khô thì từ 250.000 – 300.000 đồng/kg. Cứ 1.000 m2 trồng được 800 cây sâm đương quy và khi thu hoạch đạt từ 250 – 300 kg. “Trồng giống cây này không những giúp người dân có công ăn việc làm, hạn chế được tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy mà còn giúp người dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu”, A Điện Chung nhận định và cho biết hiện xã Ngọc Lây đã chỉ đạo cán bộ, công chức, các hội đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động bà con các thôn làng hạn chế diện tích trồng mì; phát triển, tận dụng quỹ đất để phát triển diện tích sâm đương quy. Tất cả sản phẩm bà con trồng ra có một doanh nghiệp ở TP.Kon Tum bao tiêu.
Trong khi đó, ông A Hơn, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông, cho biết từ hiệu quả trồng sâm đương quy ở xã Ngọc Lây, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã khác trên địa bàn như Tê Xăng, Ngọc Yêu, Măng Ri… nhân rộng mô hình này. “Địa phương sẽ tạo điều kiện hết sức cho bất cứ doanh nghiệp nào đứng ra liên kết, liên doanh với các xã để đầu tư cho nhân dân trồng và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch”, ông A Hơn khẳng định.
Cây đương quy có tên khoa học là Angelica sinensis, nhiều người còn gọi là “sâm của phụ nữ” vì nó là vị thuốc chữa nhiều bệnh của phụ nữ.
Theo đông y, đương quy có vị ngọt cay, tính ôn, vào 3 kinh: tâm, can, tỳ có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, nhuận táo, hoạt trường, điều huyết, thông kinh. Đương quy là thuốc đầu vị trong các đơn thuốc chữa bệnh của phụ nữ, như dùng chữa bệnh kinh nguyệt không đều, đau bụng khi thấy kinh, người thiếu máu, tay chân đau nhức và lạnh… Ngoài ra, đương quy còn dùng nhiều trong các đơn thuốc bổ và thuốc chữa các bệnh khác.
|
Phạm Anh