Rút quân khỏi Syria, Tổng thống Putin thắng lớn
Nhảy vào Syria đã là một bất ngờ táo bạo, mà nay rút quân khỏi Syria cũng lại là một quyết định đột ngột khiến cả Nhà Trắng “cần phải có thời gian để tìm hiểu cụ thể…”.
Rút quân khỏi Syria, Tổng thống Putin thắng lớn
Đúng là ông Putin luôn rất tự tin khi không ít lần tung ra những quyết định mạo hiểm mang tầm thế giới! Lần này là quyết định rút quân khỏi Syria.
Phi công Nga trở về quê hương được đón tiếp như những người hùng với món quà truyền thống bánh mì và muối ở sân bay Buturlinovka thuộc vùng Voronezh ngày 15-3 – Ảnh: Reuters |
Sự kiện sáp nhập Crimea vào Nga tháng 4-2014 chưa kịp lắng dịu thì Tổng thống Vladimir Putin quyết định can thiệp quân sự vào Syria. Không quân Nga đã thực hiện oanh kích “chống khủng bố” bên cạnh chính quyền Damascus từ cuối tháng 9-2015 đến đầu tháng 3 này.
Gây bất ngờ cho mọi bên
Nhảy vào Syria đã là một bất ngờ táo bạo, mà nay rút quân khỏi Syria cũng lại là một quyết định đột ngột khiến cả Nhà Trắng “cần phải có thời gian để tìm hiểu cụ thể…”.
Những quyết định của ông Putin đối với Syria táo bạo, mạo hiểm và bất ngờ nhưng sẵn có lợi thế ít rủi ro hơn so với việc sáp nhập Crimea vào Nga.
Syria không phải là địa bàn thuộc “lợi ích sống còn” của Mỹ và phương Tây. Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ vừa không phải đối thủ xứng tầm với Nga, vừa còn đang rối bời vì những vấn đề cấp thiết hơn đối với hai nước này.
Việc Nga đưa quân vào Syria còn được tính chính danh nhờ một hiệp định ký với Tổng thống Bashar al-Assad hồi tháng 7-2015. Nhưng nếu Nga không nhanh chóng tận dụng các lợi thế này để hoàn thành các mục tiêu và rút quân ra kịp thời, nguy cơ sa lầy là khó tránh khỏi.
Khi tuyên bố rút quân, Tổng thống Putin rất khiêm tốn nhìn nhận hoạt động quân sự của Nga năm tháng qua tại Syria “đã hoàn thành các mục tiêu cơ bản”.
Cụ thể là đã giúp Chính phủ Syria giành lại nhiều địa bàn chiến lược từ tay “quân khủng bố” và tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy đàm phán, tiến tới giải pháp hoà bình tại Syria.
Lời tự nhận xét này của ông Putin là chính xác. Trước khi quân đội Nga can thiệp vào Syria, hồi tháng 7-2015 Tổng thống al-Assad đã công khai thừa nhận không đủ sức giữ nhiều khu vực trong nước, khiến phải quyết định “rút lui chiến thuật”!
Lời thừa nhận này sau đó được biết nhằm biện minh việc ông al-Assad bí mật tới Matxcơva cầu cứu Nga, tạo cơ hội để ông Putin quyết định can thiệp quân sự trực tiếp.
Hoả lực cấp tập của không quân Nga trong năm tháng qua đã giúp quân đội Syria đẩy lùi các lực lượng đối lập trên nhiều mặt trận quan trọng.
Tình thế của phe đối lập ở mặt trận tây bắc Syria nguy khốn đến mức hồi tháng trước, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ đã tính đến phương án cùng can thiệp quân sự vào Syria để “lập lại thế cân bằng” trên chiến trường, thực chất là chặn đà thua trận của quân đối lập.
Nga thu lợi nhiều bề
Nhưng những gì mà Nga đạt được sau vụ can thiệp quân sự vào Syria này còn to lớn và mang tầm chiến lược hơn nhiều. Trước hết, Nga đã thiết lập được hai căn cứ quân sự bền vững trên lãnh thổ Syria.
Căn cứ hải quân ở thành phố cảng Tartus và căn cứ không quân phía nam thành phố Latkia, đều nằm ở khu vực duyên hải tây bắc Syria – cửa ngõ duy nhất của nước này với biển Địa Trung Hải.
Hai căn cứ đó không chỉ khống chế Syria và toàn vùng Tiểu Á gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, Libăng, Jordan, Israel, mà còn khẳng định sự hiện diện của sức mạnh Nga ở phần phía đông Địa Trung Hải. Từ nay, dù Syria do phe phái nào cai trị thì “chỗ đứng” của Nga cũng đã được mặc định.
Và Syria sẽ được Nga tận dụng như một cửa mở thuận lợi để nước này tính toán các mối quan hệ rộng lớn hơn tại Trung Đông và thế giới Ả Rập – khu vực mà Nga đã phải từ bỏ sau khi Liên Xô tan rã.
Lợi thế chiến lược thứ hai mà Nga giành được nhờ cuộc can thiệp quân sự vào Syria trong năm tháng qua là khẳng định vai trò ngang hàng với Mỹ trong việc bảo trợ các vấn đề ở Trung Đông.
Trước sự kiện này, chỉ có Mỹ độc quyền điều phối các vấn đề của khu vực này, trong khi Nga bị gạt ra ngoài và chỉ có thể “gây khó dễ” bằng cách tận dụng lá phiếu phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Sau khi đã giành được những lợi thế to lớn mang tầm chiến lược như thế, Tổng thống Putin quyết định ngưng hoạt động quân sự tốn kém và nhiều rủi ro để chuyển sang phát huy vị thế chính trị đã giành được bằng vũ lực. Đó quả là một quyết định khôn ngoan và rất kịp thời.
Sự chuyển hướng này của Nga còn có những hệ quả tích cực rất quan trọng. Quyết định của ông Putin thật sự đưa Nga từ vị thế đối đầu về chính trị với Mỹ – Ả Rập tại Syria trở thành đối tác tương đồng lợi ích.
Lợi ích chung là duy trì ngưng bắn để cùng nhau dàn xếp một giải pháp chính trị cho Syria theo kịch bản đã được định hình trong nghị quyết số 2254 của Hội đồng Bảo an.
Cũng từ đây, Nga có điều kiện để thật sự tham gia cuộc chiến nhằm tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq. Điều này báo hiệu ngày tan rã của IS tại Syria và Iraq không còn là bất định.
Nga còn có môi trường thuận lợi hơn để cải thiện quan hệ với khối Ả Rập, trước hết là Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh. Khi cuộc nội chiến Syria đã nguội bớt, làn sóng di cư sẽ được chặn lại; quan hệ giữa Nga với Tây Âu sẽ có hi vọng để giảm căng thẳng.
Quyết định bất ngờ của Tổng thống Putin vừa tạo lợi thế và cải thiện hình ảnh của Nga, vừa góp phần mang lại hi vọng chấm dứt được cuộc nội chiến tương tàn thảm khốc tại Syria. Tổng thống Nga quả là thắng lớn!