25/12/2024

Sống cảm thông

Bọn trẻ dễ dàng cười nhạo bạn bè khi thấy bạn thất bại, thậm chí thường xuyên nghĩ đến những hành vi xấu để “chơi” bạn. Làm sao để con tôi có thể thay đổi cách cư xử như hiện tại. Chúng tôi làm gì để hướng con đến những tư duy tích cực hơn?

 

Sống cảm thông

Bọn trẻ dễ dàng cười nhạo bạn bè khi thấy bạn thất bại, thậm chí thường xuyên nghĩ đến những hành vi xấu để “chơi” bạn.

Tôi theo dõi các vấn đề trên mạng và nhận thấy các bạn trẻ bây giờ rất thích “dìm hàng” người khác, đặc biệt là tìm mọi cách a-dua với nhau để nhấn chìm bạn bè, khi họ gặp phải thất bại, sai lầm. Có việc nhỏ gì xảy ra là bọn trẻ tụ tập lại và cùng nhau ném không tiếc lời về phía nạn nhân. Việc này khiến tôi đâm lo lắng liệu con mình có như đám đông kia.

Hiện tại cháu đang học lớp 9, càng ngày sự chia sẻ gần gũi giữa cháu và gia đình ngày càng nhạt dần. Hôm trước, tôi phát hiện cháu và các bạn trong lớp tự thành lập một fanpage để tẩy chay một bạn gái, chỉ vì bạn ấy lấy cắp một cây bút của bạn. Đã đành cô bé ấy có lỗi, nhưng hỏi ra tôi mới biết con và các bạn rất thường cô lập, tẩy chay và “dìm” các bạn khác, dù bất cứ vấn đề gì. Bọn trẻ dễ dàng cười nhạo bạn bè khi thấy bạn thất bại, thậm chí thường xuyên nghĩ đến những hành vi xấu để “chơi” bạn.

Thưa chuyên gia, làm sao để con tôi có thể thay đổi cách cư xử như hiện tại. Chúng tôi làm gì để hướng con đến những tư duy tích cực hơn?

Vương Hà (Q.3, TP.HCM)

Song cam thong
Ảnh mang tính minh hoạ: Internet

Anh Vương Hà mến,

Tôi rất ủng hộ quan điểm của anh: muốn con sống tích cực, biết nhận ra những điểm tốt ở người khác để học tập, khen ngợi chứ không chê bai, dìm hàng cũng như biết cảm thông cho những thất bại, sai lầm của người khác… Tôi tin khi muốn, anh đã và sẽ có cách uốn nắn dạy dỗ con nên người. Tôi chỉ xin chia sẻ với anh cùng quý vị độc giả vài điểm nhỏ giúp cha mẹ hiểu trẻ và có cách tác động tích cực đến trẻ.

Cháu và bạn bè đang tuổi dậy thì nên tâm lý có nhiều thay đổi. Một trong những đặc điểm tâm lý nổi bật giai đoạn này là nhu cầu tách khỏi cha mẹ và gắn kết với bạn bè, nhu cầu được bạn bè chấp nhận trong nhóm… vì vậy, các em dễ bị bạn bè lôi kéo, dễ bị tâm lý nhóm, tâm lý đám đông… Vì vậy mà các em cũng dễ bị bạn bè chi phối.

Các em thường bắt chước bạn, nghe bạn, làm theo bạn mà không chú ý nhiều đến hậu quả. Thậm chí, các em biết hậu quả xấu nhưng vẫn làm theo bạn để được bạn chấp nhận, để khẳng định vị thế của mình trong nhóm… Giai đoạn này, cái tôi của các em đang hình thành, các em chưa đủ chín chắn, tự tin để độc lập, tự quyết định, thoát khỏi ảnh hưởng của người khác.

Vì vậy, việc các em tụ tập, chơi theo nhóm, a-dua với nhau là hiện tượng bình thường của tuổi này. Chỉ khác là có nhóm cùng giúp nhau học tập, làm từ thiện, phục vụ cộng đồng, có nhóm chơi bời, lêu lổng, đua xe, nghiện game… Điều này phụ thuộc rất nhiều vào quá trình giáo dục, định hướng từ cha mẹ và thầy cô.

Nguyên nhân của hiện tượng ném đá khá phức tạp. Thanh thiếu niên rất dễ bị lôi kéo vào những hội nhóm này vì thỏa mãn tâm lý thích chê bai, không biết chịu trách nhiệm, bản thân thiếu ước mơ hoài bão nên thời gian rảnh quá nhiều, không biết làm gì có ích cho mình và cộng đồng. Cũng có thể vì chúng ta chưa có chế tài xử phạt thích đáng cho những hành vi lăng mạ người khác nên hiện tượng này mới có cơ hội tồn tại.

Tuổi này các con sẽ không thích bị “dạy khôn” nên cha mẹ cần tôn trọng trẻ, hỏi trẻ và trò chuyện tâm tình nhẹ nhàng hơn là áp đặt, bắt con phải làm theo ý mình. Càng bắt con làm theo suy nghĩ của cha mẹ, con càng phản kháng, dẫn đến tác dụng ngược.

Nhiều khi con biết lỗi nhưng không sửa chỉ vì muốn chống đối cha mẹ. Cha mẹ có thể dùng clip, tranh, ảnh, sách… nói về lòng khoan dung, sự cảm thông để gián tiếp truyền thông điệp cho con. Quan trọng hơn, cần tạo cho con những hoạt động lành mạnh, bổ ích: học nấu ăn, học nhóm, chơi thể thao… Trẻ sẽ bớt thời gian tụ tập, tám nói xấu chê bai bạn.

Chuyện các con lập trang fanpage để chê bai một bạn gái ăn cắp, cha mẹ cần khéo léo phân tích: các con phản kháng lại cái xấu là đúng, nhưng cách làm thì phải xem lại. Nên nói cho con biết mặt trái của mạng xã hội, trên thế giới đã có những bạn phải tự tử vì bị tẩy chay trên mạng xã hội, vì quá nhiều người biết chuyện xấu đó, nạn nhân sẽ không còn con đường để hối cải, thay đổi. Nếu con hay bạn thân của con bị nhóm khác tẩy chay, con có chịu đựng được không?

Trẻ vị thành niên vừa là người lớn nhưng cũng vừa còn trẻ con nên rất cần cha mẹ định hướng, tâm tình để trẻ kịp thời nhận ra những hành vi sai lầm, nhận thức và tự thay đổi. Thay vì đối đầu với con, cha mẹ hãy hợp tác cùng con tìm ra cách ứng xử tốt đẹp hơn.

 

Chuyên tham vấn TS Phạm Thị Thúy