23/12/2024

Nghĩ từ bài toán 3 quả cân bí ẩn của trẻ em Phần Lan

Môn Toán, đối với không ít cha mẹ Việt, nhắc đến là kèm theo nỗi lo lắng. Câu hỏi “môn toán được dạy như thế nào ở nước ngoài?” luôn là đề tài được phụ huynh chúng tôi quan tâm.

 

Nghĩ từ bài toán 3 quả cân bí ẩn của trẻ em Phần Lan 

Môn Toán, đối với không ít cha mẹ Việt, nhắc đến là kèm theo nỗi lo lắng. Câu hỏi “môn toán được dạy như thế nào ở nước ngoài?” luôn là đề tài được phụ huynh chúng tôi quan tâm.

Nghĩ từ bài toán 3 quả cân bí ẩn của trẻ em Phần Lan 
Học sinh Phần Lan dẫn đầu kết quả PISA về môn Toán năm 2003

Trong quá trình tham gia một dự án về giáo dục, nền giáo dục Phần Lan đã khiến tôi rất ấn tượng:

Học sinh Phần Lan dẫn đầu kết quả PISA về môn Toán năm 2003, xếp thứ 2 năm 2006, xếp thứ 3 năm 2009. (PISA -Programme for International Student Assessment - Chương trình đánh giá học sinh quốc tế” do Hiệp hội các nước phát triển (OECD) khởi xướng và chỉ đạo, nhằm tìm kiếm các chỉ số đánh giá tính hiệu quả – chất lượng của hệ thống giáo dục của mỗi nước tham gia).

- Tỉ lệ học sinh cảm thấy căng thẳng vì bài tập Toán về nhà ở Phần Lan là 7% trong khi tỉ lệ trung bình là 29% và tỉ lệ cao nhất là 45% (Pháp và Nhật) trong số 30 nước tham gia khảo sát năm 2003.

Nghĩ từ bài toán 3 quả cân bí ẩn của trẻ em Phần Lan 
Tỉ lệ học sinh cảm thấy căng thẳng vì bài tập Toán về nhà ở Phần Lan là 7%

Vì sao học sinh Phần Lan ít cảm thấy áp lực với môn Toán mà lại đạt kết quả cao như thế?

May mắn được quan sát một buổi học toán của học sinh Phần Lan (lớp 7) trong buổi học làm quen với các phép tính tìm ẩn số (lưu ý là ở Việt Nam, từ lớp 3 các em đã bắt đầu làm toán tìm ẩn số), tôi có một vài quan sát và nhận xét muốn chia sẻ như sau:

Để học sinh dễ dàng tiếp cận với khái niệm tìm ẩn số, giáo viên đã sử dng cái cân có hai đĩa cân để minh hoạ cho kiến thức mới. Giáo viên đặt hai quả cân giống nhau lên hai đĩa cân cho cân bằng và yêu cầu học sinh nhận xét: “hai đĩa cân sẽ cân bằng khi trọng lượng đặt lên hai đĩa bằng nhau”. Bắt đầu đi vào bài học chính, lấy ví dụ phép tính 3x =4+5, giáo viên sẽ đặt vào một đĩa cân 2 quả cân 4 và 5, đĩa cân còn lại có 3 quả cân không có đánh số gì cả, hai đĩa cân cân bằng nhau. Như vậy học sinh dễ dàng nhận ra được rằng 3 quả cân bí ẩn sẽ bằng 9, và phép tính sẽ được giải là 3x = 9, rất nhanh chóng các em suy luận được rằng để tìm được trọng lượng x của 1 quả cân bí ẩn, ta chỉ cần lấy 9_3=3. Bước tiếp theo là giáo viên cho các em học sinh tự tạo ra các bài toán bằng cách đặt các quả cân khác nhau lên bàn cân và thích thú tìm ra được trọng lượng của các quả cân bí ẩn. Lớp học đầy tiếng cười và sự thú vị!

Kiến thức này không phức tạp trong việc giảng dạy, nhưng có lẽ sự khác nhau giữa bài giảng của giáo viên Việt Nam và giáo viên Phần Lan là cách áp dụng phương pháp trực quan sinh động để truyền đạt kiến thức môn toán, một môn vốn được cho là khô cứng, chỉ toàn là những con số khô khan.

Không chỉ là biết cách giải một bài toán, các em học sinh sẽ thấy được sự liên hệ gần gũi với những vật dụng, những việc các em tiếp xúc, trải nghiệm hàng ngày và như vậy, kiến thức sẽ dễ được tiếp nhận hơn. Hơn nữa, việc tự mình quan sát, đưa ra nhận xét, tự mình trải nghiệm việc tạo ra đề toán giúp các em phát triển kỹ năng quan sát, kỹ năng phân tích, kỹ năng trình bày và kỹ năng sáng tạo. Học toán ở đây không đơn thuần là học cách giải toán, mà học sinh còn có cơ hội phát triển toàn diện nhiều kỹ năng, kích thích nhiều phần não bộ hoạt động một cách tích cực.

Một điểm ấn tượng nữa là sự bao quát của giáo viên trong giờ học. Trong giờ làm bài tập tại lớp, giáo viên di chuyển quanh lớp học để quan sát học sinh làm bài tập ứng dụng như thế nào. Nhờ vào việc theo sát từng em như thế khi các em đang tự mình tìm cách giải bài tập, giáo viên nắm được mức độ hiểu bài của các em, nắm được khó khăn các em gặp phải khi học kiến thức mới và ứng dụng nó.

Đối với các học sinh có mức độ tiếp thu hơi chậm, giáo viên không gây áp lực cho học sinh mà kiên nhẫn đặt các “câu hỏi dẫn đường” để các em từ từ suy luận và tự mình làm được bài. Đáp lại các câu trả lời của học sinh là những lời động viên nhẹ nhàng “cứ tập trung như thế, em sẽ nhanh chóng xử lý hết mấy bài tập này thôi!”, “em làm tốt lắm”…

Góc này góc khác, các em chụm đầu vào thảo luận với nhau, giảng giải cho nhau để nắm bài tốt hơn. Kết thúc buổi học, khi được hỏi, một em được cho là hay gặp khó khăn trong giờ toán vui vẻ bảo “em không thích toán lắm, nhưng hôm nào em cũng làm được hết các bài tập, và khi hoàn tất thì em rất vui!”

Qua trải nghiệm này, tôi thấy có những yếu tố sau giúp trẻ thấy Toán là môn học nhẹ nhàng:

Kiến thức phù hợp với độ tuổi, độ phát triển của trí lực học sinh. Cùng một kiến thức, ví dụ như kiến thức về tìm ẩn số như trong bài vừa nêu, học sinh ở đa số các nước tiên tiến đều chỉ tiếp cận ở cấp trung học, trong khi ở Việt Nam cấp tiểu học đã được (hay bị?) học.

Phương pháp truyền đạt gắn liền với trực quan sinh động của giáo viên. Nếu có thể được thổi “hơi thở của cuộc sống” vào bài giảng, môn học khô khan nào cũng sẽ trở nên tươi mới, sống động và dễ tiếp thu, dễ ghi nhớ hơn rất nhiều.

Khả năng được tham gia vào xây dựng bài học của học sinh. Lứa tuổi phổ thông là lứa tuổi thích được chơi, được khám phá, được tự mình xây nên những viên gạch đầu tiên về nhận thức của mình. Bất kỳ một kỹ năng nào, nếu người học tham gia tích cực và chủ động vào quá trình lĩnh hội kiến thức và thao tác, mức độ “thấm” đều sẽ cao hơn khi tiếp thu thụ động. Toán không phải là ngoại lệ.

Tương tác thân thiện giữa giáo viên và học sinh về mặt giao tiếp: giao tiếp cởi mở, gần gũi và mang tính xây dựng, khuyến khích tư duy độc lập sẽ là chìa khoá giúp giáo viên đưa bài giảng của mình vào “ngân hàng kiến thức” của học sinh nhanh chóng và dễ dàng.

Trông người lại nghĩ đến ta, chắc hẳn tất cả các giáo viên của con tôi, con bạn, ai cũng thích được truyền đạt kiến thức cho học sinh trong sự sáng tạo, chỉ là họ chưa nghĩ đến việc tự tạo ra cơ hội hoặc chưa có đủ điều kiện để làm việc đó mà thôi. Mong lắm một ngày đón con đi học về được nghe con ríu rít “hôm nay giờ toán vui lắm mẹ ơi!”