27/12/2024

Cam kết “Điểm đến không lừa đảo”

Cách làm du lịch ở nước láng giềng đã tạo an tâm cho khách như thế nào? Họ đã cam kết ra sao? VN cần thiết có mô hình “điểm đến không lừa đảo”.

  

Cam kết “Điểm đến không lừa đảo”

 

 

Cách làm du lịch ở nước láng giềng đã tạo an tâm cho khách như thế nào? Họ đã cam kết ra sao? VN cần thiết có mô hình “điểm đến không lừa đảo”.

 

 

 

 

 

Cam kết “Điểm đến không lừa đảo”
Tấm bảng cam kết “Điểm đến không lừa đảo” được đặt ngay quầy vé của công viên – Ảnh: Trường Sơn

Tiếp theo các ý kiến phản hồi về câu chuyện “Bị chê cơm dở, nhân viên nhà hàng hất đồ ăn vào khách”, chúng tôi giới thiệu thêm một cách làm du lịch ở nước láng giềng đã tạo an tâm cho khách.

Tại quầy vé của công viên giải trí Escape trên đảo Penang (Malaysia), du khách khó có thể không để ý đến một tấm bảng khá to đặt ngay trên quầy, với dòng chữ “Scam-free tourist destination”, tức “Điểm đến không lừa đảo”.

Một giá vé và không tiền “lại quả”

Khi được hỏi về tấm biển lạ trên, ông Sim Choo Kheng – giám đốc của khu giải trí rộng đến 18ha này – hào hứng trả lời đầy tự hào về cam kết “không lừa đảo” của mình. Ông cho rằng đó là lời cam kết với du khách, ngay từ khi họ còn chưa bước qua cổng vào công viên, để họ có thể an tâm tận hưởng kỳ nghỉ của mình thay vì nơm nớp lo sợ nạn “chặt 
chém” hay lừa đảo.

Vị giám đốc này cũng cho biết ở “Điểm đến không lừa đảo” này, du khách nước ngoài và bản địa đều trả cùng một mức vé và chủ công viên không phải trả tiền “lại quả” cho bất kỳ hãng du lịch hay hướng dẫn viên nào vì đã mang khách đến cho họ. “Đó là lời hứa chúng tôi không bao giờ thoả hiệp với tiêu cực khi làm du lịch” – vị 
giám đốc nói.

Ông Sim kể cũng như nhiều nơi, tại Malaysia nạn đòi hỏi, lừa đảo trong du lịch là khó tránh khỏi. Nhiều tài xế taxi đã vòi “chút tiền cà phê” khi chở khách đến khu giải trí của ông, nhưng ông đều từ chối.

“Họ nói nếu vậy lần sau sẽ không chở khách đến chỗ tôi nữa, tôi trả lời tôi không cần, thà như thế còn hơn phải thỏa hiệp. Các điểm du lịch phải thu hút khách bằng chất lượng dịch vụ. Nếu ta trông chờ khách đến bằng cách chi tiền cho cánh tài xế taxi, vậy ngành du lịch không được đo lường bằng chất lượng mà bằng quy mô của số tiền “lại quả”” – ông giải thích.

Vì sao ông giám đốc công viên giải trí dám tự tin đến thế? Một lần nữa, câu trả lời đến với chút tự hào ngầm: “Nhiều du khách nói với tôi, họ biết đến nơi này nhờ tìm kiếm trên Internet và xem qua các bài review (đánh giá điểm đến – PV) trên mạng. Vậy tôi cần gì phải trả “tiền cà phê” cho cánh taxi?”.

Đến “Cam kết liêm chính trong du lịch”

“Thời nay đã khác”, ông Sim Choo Kheng kết luận như vậy khi nói về sự hữu ích mà Internet mang đến cho ngành du lịch. Ông cho rằng chính những bài đánh giá của du khách là nhận xét khách quan nhất. Và để có thể tạo được danh tiếng trên mạng để du khách khắp nơi đổ về, chỉ có cách phải bằng chất lượng dịch vụ và thực thi cam kết “không lừa đảo”.

Được biết, ông Sim còn kêu gọi cả ngành du lịch Malaysia cùng chung tay nói không với lừa đảo, bằng việc thực hiện sáng kiến “Tourism integrity pledge” (Cam kết liêm chính trong du lịch) từ cuối năm 2013.

Chiến dịch này được chính thủ hiến bang Penang, ông Lim Guan Eng, thông qua và kêu gọi cả ngành du lịch Penang cùng tham gia, bởi chính ông cũng mong muốn Penang sẽ trở thành bang “du lịch không lừa đảo” đầu tiên của Malaysia.

Từ câu chuyện công viên giải trí Malaysia lại nghĩ đến Việt Nam, nơi du khách nước ngoài vẫn luôn than phiền về chính sách “hai giá” tại nhiều điểm đến và còn nhiều chủ dịch vụ, người bán hàng sẵn sàng lừa đảo những người mang đến nguồn thu cho mình.

Nhưng tệ hơn cảm giác bị lừa, như C., một du khách Mỹ, kể lại sau chuyến thăm Việt Nam, là thái độ của người bán sau khi đã “bẫy” thành công con mồi.

“Tôi sẽ không phiền nếu phải trả gấp đôi so với người bản xứ để mua một quả dừa, nhưng nếu người bán quay sang người bên cạnh nói gì đó và cả hai cùng cười trước mặt tôi thì tôi sẽ bực bội vì cho rằng họ đang cười sự ngu dốt của tôi” – C. kể.

Đến bao giờ tấm biển tương tự sẽ xuất hiện tại các điểm du lịch ở Việt Nam? Bao nhiêu khu du lịch dám tự tin treo bảng “Không lừa đảo” và thật sự làm thế để du khách an lòng khám phá, và trở về nước với những lời khen hay bài review tích cực trên Internet – phương pháp tiếp thị “truyền miệng” hiệu quả hơn bất kỳ chiến lược marketing nào?

Lừa đảo trong du lịch không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam. Nhưng ngay từ lúc này, chúng ta có thể bắt đầu học từ mô hình “điểm đến không lừa đảo” để chuyện du khách bị lừa, “chặt chém” không còn là chuyện “đến hẹn lại lên”.

Thái Lan cũng chống lừa đảo du lịch

Năm 2012, Thái Lan từng cho lập trung tâm dịch vụ chống lừa đảo du lịch tại sáu thành phố lớn, và chính phủ nước này hiện tại cũng đang áp dụng nhiều biện pháp để tăng cường an toàn cho du khách.

Hiệu quả của các biện pháp mà Thái Lan áp dụng có thể thấy được qua các con số thống kê mới nhất vừa được ngành du lịch nước này công bố.

Theo Bộ trưởng du lịch Thái Kobkarn Wattanavrangkul, Thái Lan đón 29,88 triệu lượt khách quốc tế vào năm ngoái và dự kiến đạt mức kỷ lục 32 triệu vào năm nay, bất chấp sự cố đánh bom ở Bangkok tháng 8-2015. Cũng theo bộ trưởng này, tỉ lệ khách quốc tế trở lại Thái Lan lên đến 60-70%.

TRƯỜNG SƠN