27/12/2024

Mỗi “tấc suối” ở Pa Nậm Cúm

Pa Nậm Cúm là tên một bản nhỏ ở ngã ba nơi dòng suối Nậm Cúm đổ ra sông Nậm Na thuộc xã Ma Ly Pho (H.Phong Thổ, tỉnh Lai Châu).

 

Mỗi “tấc suối” ở Pa Nậm Cúm

 

 

Pa Nậm Cúm là tên một bản nhỏ ở ngã ba nơi dòng suối Nậm Cúm đổ ra sông Nậm Na thuộc xã Ma Ly Pho (H.Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). 

 

 

 

 

 

 

Mỗi “tấc suối” ở Pa Nậm Cúm
Công nhân thi công phần kè bảo vệ bãi bồi bị suối Pa Nậm Cúm đổi dòng xoáy sập ngay ngã ba đổ ra sông Nậm Na – Ảnh: Việt Dũng

Ngay ngã ba sông ấy có một bãi bồi nhỏ.

Hôm chúng tôi đến vào đầu tháng 1-2016, ngay góc bãi bồi Pa Nậm Cúm ấy, giữa trưa nắng, những tốp công nhân vẫn kiên nhẫn cặm cụi thi công bờ kè mới thay cho bờ kè cũ bị con suối đổi dòng xói sập.

Bao nhiêu năm nay, đi dọc dài trên tuyến biên giới Việt – Trung, nghe hàng trăm câu chuyện về nắn dòng chảy, xây kè kiểu “mỏ vịt” hay “mỏ hàn”, từ chiếc cầu cạn bắc qua suối Pò Hèn tận Móng Cái, cho đến tận Pa Nậm Cúm này, nhìn những con nước đổi dòng sau mỗi mùa mưa lũ mới thấm thía vì sao cha ông lại di huấn cho cháu con phải gìn giữ từng thước núi tấc sông.

Khi người dân là 
“cột mốc sống”

“À, cũng 12 năm rồi, cũng dịp tết khỉ như năm nay, hồi đó là Giáp Thân (2004), mùng 4 tết, bố còn nhớ rõ mà, đúng sáng mùng 5 tết, dân bản đang chuẩn bị khai hội xuân thì có người chạy về bản báo:

Bên Trung Quốc đang tập trung xe xúc, xe đào móc sâu xuống lòng suối Pa Nậm Cúm, cho suối chảy xuyên qua, cắt bãi bồi về phía đất họ. Vậy là cả bản chạy xuống mà không chờ cán bộ thông báo đâu” – cụ Thùng Văn Bơn, người được mệnh danh là “cột mốc sống” ở Ma Lù Thàng, bắt đầu câu chuyện về cuộc đấu tranh giữ đất giữ suối với chúng tôi như thế.

Năm ấy, 2004, cụ Bơn đã 76 tuổi. Nhìn những chiếc máy lừng lững với chiếc gàu sắt tua tủa răng nhọn vục sâu vào lòng suối, cụ Bơn cùng dân bản ào xuống suối đứng ngay dưới mũi gà. Vừa ra tết, năm ấy rét đậm.

Những chiếc gàu phía Trung Quốc ngoạm đất đá vừa hạ xuống lòng suối phải ngưng lại, nhưng thay vì ngoạm đá, chúng vục nước vào đầy gàu, đưa thùng gàu lên cao rồi chúc mũi gàu xuống, nước suối lạnh cóng trút ào ào lên đầu người cựu binh già của bản Pa Nậm Cúm.

Chiếc áo trấn thủ chần bông giữ ấm cho ông cụ ướt sũng. Bà con dân bản vội lấy tấm nilông căng ra bốn góc che cho cụ Bơn.

Thấy thế, những chiếc máy đào lại dịch ra phía khác, tiếp tục ngoạm sâu xuống dòng suối, đẩy dòng chảy về phía đất Việt Nam.

Chính lúc ấy, hình ảnh cụ Bơn với mái đầu bạc trắng hiên ngang giữa dòng suối lạnh như một biểu tượng động viên dân bản ào ra siết tay nhau thành hàng, chặn ngang trước mũi gàu của chiếc máy xúc.

Những chiếc gàu vẫn lì lợm múc nước suối, đưa lên cao rồi vung vẩy giội xuống đội hình dân bản nhằm uy hiếp.

Khi chiếc gàu xúc vừa hạ xuống, cụ Bơn leo ngay vào lòng chiếc gàu thách thức, tay vít chặt thành gàu, tay lái gàu không dám nâng cần gàu lên, dân bản hò la vây kín. Bên kia núng thế, nhưng vẫn cứ để máy lại hiện trường, cần gàu vươn qua đường phân thủy.

Chiều mùng 4 tết, bà con các xã Hoang Thèn và Khổng Lào giáp với Ma Ly Pho được tin, cùng kéo đến hỗ trợ dân bản Pa Nậm Cúm đấu tranh giữ suối.

Nhiều người mang cả bánh chưng, thịt thà ngày tết theo để hỗ trợ chống đói chống rét cho dân bản Pa Nậm Cúm vừa trải qua một ngày dầm trong suối lạnh.

Từ mùng 4 đến mùng 7 tết, cuộc đấu tranh cứ giằng co như thế, xe xúc, gàu múc tiến đến đâu, dân lại ào đến đứng ngay trước mũi xúc, dưới miệng gàu. Không làm gì được, bên kia cho những đám thanh niên đầu tóc nhuộm xanh nhuộm đỏ ra khiêu khích.

Ngay bên suối, họ bày rượu thịt ê hề đánh chén, rồi cười cợt bà con: “Chúng mày đi giữ suối có được cho ăn sung sướng như chúng tao không!”.

Tất nhiên không bà con nào quan tâm cái trò trẻ con hạ tiện ấy. Đội hình cứ siết tay nhau thành hàng hàng lớp lớp không cho một tấc suối nào bị đào sâu, lấn thêm.

Thật ra, có lên những suối sông biên giới mới thấy câu “tiệt nhiên định phận tại thiên thư” (rành rành định phận ở sách trời) của Lý Thường Kiệt vô cùng thâm hậu.

Như ở ngay cửa khẩu Ma Lù Thàng, bờ kè phía bên kia có dùng tiểu xảo thay đổi dòng chảy thế nào thì cũng không thể bằng… trời tính: ngay dưới suối, bờ kè phía Việt Nam đang xây thì gặp ngay một tảng đá ngầm nhô ngang ra từ lưng chừng vách.

Thành ra không cần nắn dòng, con suối Pa Nậm Cúm cứ thế chảy sát vào chân kè phía Trung Quốc và để lại phía Việt Nam một bãi đá cuội mọc đầy lau trắng chạy dài ra gần đến ngã ba sông Nậm Na.

Nhưng tới ngã ba đây thì khác, từ bờ kè phía Trung Quốc, một cái gờ kiểu “mỏ vịt” được tôn lên nhô ra suối, dòng nước tới đây bị đổi dòng, đâm chéo sang phía bãi bồi, xói lở làm sập bờ kè phía Việt Nam, vậy là lại phải… kè lại cho chắc chắn hơn!

Trên bãi bồi ấy, rồi đây sẽ mọc lên khu tái định cư cho bà con ở Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng.

Cuộc chiến đã lùi xa, hiệp định biên giới đã ký kết, những cột mốc đã được yên vị, nhưng nếu không đến đây, nhìn hình ảnh những công nhân lưng áo ướt đẫm mồ hôi đang thi công lại đoạn kè bị sập ở ngã ba suối Nậm Na – Pa Nậm Cúm, nhìn gương mặt đầy nếp nhăn nhưng ánh mắt như có lửa của cụ Thùng Văn Bơn khi nhắc đến chuyện giữ suối, giữ đường biên sẽ không hiểu trọn vẹn vì sao cha ông chúng ta lại nói rằng “thước núi tấc sông!”.

Mỗi “tấc suối” ở Pa Nậm Cúm
Ông Thùng Văn Bơn kể lại chuyện đấu tranh giữ từng tấc suối của nhân dân bản Pa Nậm Cúm với trung tá Nguyễn Đức Hùng, chính trị viên đồn biên phòng Ma Lù Thàng – Ảnh: V.Dũng

Máu thấm vào đất 
như lời nhắc…

“Rạng sáng 17-2-1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công sáu tỉnh biên giới lãnh thổ Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200km”, đấy là dòng chữ mở đầu cho những trang sử viết về cuộc chiến tranh biên giới.

Pa Nậm Cúm chính là đây, nơi có đồn công an vũ trang 33 (nay là đồn biên phòng Ma Lù Thàng).

Cuộc chiến ở đồn 33 vào sáng 
17-2-1979 ấy cũng khốc liệt như bao nhiêu đồn biên phòng trên toàn tuyến biên giới Việt – Trung thuở ấy, những Pò Hèn, A Mú Sung, Leng Su Sìn, Sì Sờ Lầu… những đồn biên phòng dọc dài trên biên giới chúng tôi đã đi qua.

Đồn nào cũng có một nhà bia ngay trong khuôn viên đồn hay bên cạnh đấy, khắc tên những liệt sĩ đã ngã xuống trên trận tuyến biên giới phía Bắc.

Ở đồn Ma Lù Thàng cũng thế. Ngay cạnh đồn là một nhà bia khang trang xây trên mái đồi, khắc tên tuổi, quê quán của 26 liệt sĩ của đồn, hầu hết hi sinh vào ngày 
17-2-1979, trong đó có tên anh hùng liệt sĩ, thiếu úy Nguyễn Văn Hiền của đồn biên phòng 33.

Những liệt sĩ hi sinh ở điểm đầu tiên trên phòng tuyến biên giới mùa xuân năm ấy hầu hết sinh năm 1960, 1961, nghĩa là khi ngã xuống vào mùa xuân 1979 các anh chỉ mới 18, 19 tuổi!

Thật xúc động khi bên nhà bia nơi biên ải heo hút này lại có một hàng cau cao vút gợi nhớ hình ảnh quê nhà xa xôi của những liệt sĩ, những tên miền quê hương được khắc bên cạnh tên liệt sĩ, những Sóc Sơn, Mê Linh, Yên Lạc, Sông Lô… vùng đất Tổ trung du hay Thiệu Hóa, Nông Cống xứ Thanh.

Xương máu của những người lính biên phòng ngã xuống hơn 40 năm trước để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc nay lại được những thế hệ người lính, con cháu của họ tiếp nối.

Những ngày ở Ma Ly Pho, đi dọc qua những cột mốc 66, 67, 68, gặp những người lính, những đời dân nơi đây mới thấm thía rằng còn một cuộc chiến khác không kém phần khốc liệt trên mỗi mét đường biên.

Giữ đường biên đã khó, làm cho người dân sống bình an no ấm bên đường biên là chuyện không dễ, nhưng với những người lính biên phòng Ma Lù Thàng, các anh đã làm được điều đó cho những người dân ở ngay đây, khi mỗi sớm mai người dân mở cửa nhà mình, ngay trên mảnh sân nhà là… cột mốc chủ quyền biên giới quốc gia.

Không mắc mưu khiêu khích

Thời điểm ấy, anh Lý Quang Minh là bí thư Đảng uỷ xã Ma Ly Pho (nay anh Minh là phó chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, Lai Châu).

Nhắc lại chuyện đấu tranh giữ bản giữ suối, không cho bên kia nắn dòng chảy, anh Minh bảo: Giờ kể lại mấy cũng không lột tả được hết cái không khí, cái tinh thần của bà con mình dạo đó đâu.

Dù quyết liệt ngăn chặn âm mưu đẩy lệch dòng chảy của suối Pa Nậm Cúm về phía Việt Nam, bà con vẫn quyết không manh động hay mắc mưu khiêu khích, những ngón nghề mưu ma chước quỷ mà bên kia vốn hay dùng.

“Họ không làm gì được đâu”

Gặp chúng tôi, nhắc lại vụ đấu tranh giữ suối hồi năm 2004 ấy, anh Đỗ Văn Khôi, nguyên trưởng bản Pa Nậm Cúm, bảo: Không chỉ năm 2004 ấy đâu, năm 2009 tiếp tục có một cuộc nắn dòng xây kè như vậy nữa, nhưng bà con mình có kinh nghiệm từ đợt trước rồi, họ không làm gì được đâu!

LÊ ĐỨC DỤC – ĐỨC BÌNH ([email protected])