26/12/2024

Kỳ lạ rừng lùn cao nguyên

Cuối tháng 12-2015, UNESCO đã trao công nhận Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang gồm vườn quốc gia Bidoup – 
núi Bà và đỉnh Lang Biang đã trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ chín của thế giới tại Việt Nam.

 

Kỳ lạ rừng lùn cao nguyên

Cuối tháng 12-2015, UNESCO đã trao công nhận Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang gồm vườn quốc gia Bidoup – 
núi Bà và đỉnh Lang Biang đã trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ chín của thế giới tại Việt Nam. 

 

Kỳ lạ rừng lùn cao nguyên
Thân cây pơ mu nhiều năm tuổi nhưng chỉ to thế này – Ảnh: Hoàng Điệp

Thật ngạc nhiên khi ở đây có những loại cây thường sống trong rừng nhiệt đới hàng ngàn năm tuổi lại thấp lè tè 
(cao 2 – 7m) và thân nhỏ tới mức có thể ôm trọn chỉ với 
đôi bàn tay chụm tròn.

Đèo Hòn Giao cao 1.948m là nơi chúng tôi chọn làm nơi xuất phát để đi xuyên Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), tìm ra buôn của những người già dân tộc Cil.

Chúng tôi đi ở nơi chưa có đường, mây vờn qua tay và để đến được buôn lạ kỳ ấy, đoàn phải xuyên qua trảng rừng lùn độc đáo.

Rừng mây đè

Chỉ tay về đỉnh núi đang ngập trong mây trắng, anh Phạm Hữu Nhân, trạm phó trạm kiểm lâm Hòn Giao, bảo chúng tôi hãy quyết định hướng đi. Anh Nhân “khiêu khích”: “Đi theo hướng chúng tôi hay đi tuần tra thì đi vào lòng mây, nếu muốn thư thả hơn cứ đi theo viền của những đám mây kia”.

Đêm trước, trên đường lên đèo Hòn Giao để ghé trạm kiểm lâm, chúng tôi bị mây vây khi trời vừa sập tối. Đi giữa đám mây trắng đặc, nếu không khéo nhìn vạch đường có thể sẽ bị mất phương hướng và việc lái xe trở nên nguy hiểm.

Ngồi trong xe không có cảm giác mưa nhưng thò tay qua cửa kính lòng tay ướt đẫm kiểu như đi qua một khối nước lơ lửng. Chính cảm giác sờ sợ khi đi qua đám mây đêm và sự tò mò sau lời “khiêu khích” của anh Nhân đã khiến chúng tôi chọn cung đường đi vào lòng mây.

Phủ kín chân bằng cách lồng quần vào trong đôi tất (vớ) dài, cả đoàn lên đường theo chân những kiểm lâm viên của trạm Hòn Giao. Chúng tôi đi vào khu rừng nguyên sinh có những cây cả ngàn năm tuổi nhưng chỉ cao chưa tới 10m. Ở đây nếu vào giờ trưa, ngước mặt có thể nhìn thấy bầu trời xanh một cách dễ dàng.

Điều này không thể thấy ở nhiều khu rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ to đến vài người ôm và tán rộng đan vào nhau. Đem câu chuyện hỏi kiểm lâm Nhân, anh cười bảo: “Không biết nói sao vì chưa có nghiên cứu nào cụ thể nhưng… mây đè thế thì cây nào lớn nổi”.

Rừng lùn trên đỉnh Hòn Giao là rừng nguyên sinh nhưng không có ghi nhận nào cho biết cây nào nhiều tuổi nhất ở cánh rừng này. Tuy nhiên, theo lời anh Nhân, có lần một cây sồi già mục thân ngã xuống. Những cán bộ nghiên cứu rừng của Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà cưa ngang thân để đếm vòng sinh trưởng.

Đếm hết những vòng chi chít trên thân cây cũng không dám khẳng định chính xác số tuổi cây “cổ thụ” chỉ to bằng bắp chân vì quá khó đếm. Do đó, nhóm nghiên cứu đã thống nhất ước lượng rằng cây sồi ấy đã già quá 1.000 tuổi.

Do những tính toán này mà Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà thể hiện trong một số báo cáo đa dạng sinh học rằng cánh rừng lùn trên đỉnh Hòn Giao còn nhiều cây hơn nghìn năm tuổi.

Ông Tôn Thất Minh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới (Vườn quốc gia Bidoup – núi Bà), cho rằng những cây trong rừng lùn phát triển đến một mức độ nào đó rồi chựng lại, không lớn thêm nữa mà chỉ có già đi.

Ông Minh nói thêm có thể những cây nhiệt đới vốn cao to “chọn” cuộc đời èo uột, nhỏ thó để thích nghi với khí hậu lạnh ẩm, khắc nghiệt của Hòn Giao. Đấy cũng là điều bình thường.

Kỳ lạ rừng lùn cao nguyên
Chụp ảnh tư liệu của các loại thực vật trong rừng lùn để xây dựng đa dạng sinh học – Ảnh: Hoàng Điệp

“Dầm mây” giữ rừng

Anh Đinh Bá Kha, trưởng trạm kiểm lâm Giang Ly, bảo: “Nghe mây phủ sương giăng, mưa phùn suốt ngày tưởng lãng mạn lắm nhưng khắc nghiệt vô cùng. Cây cối èo uột, cong queo”. Anh Kha lấy chuyện cây để kể chuyện người, anh bảo anh em giữ rừng ở đây xương cốt nhức hết, cái lạnh thấm theo mỗi bước chân đi len vào lòng mây.

Ở độ cao hơn 1.800m mưa gần như suốt ngày, độ ẩm thường xuyên trên 90% thì đất đá còn phải rã ra, anh Kha cười. Anh Kha và anh Nhân cho chúng tôi xem lòng bàn tay, những vết chai sần nổi đều lên theo những ngón tay. Không vết sần nào lành lặn, thậm chí nứt đôi ra. Anh Nhân kể đấy là dấu vết của những lần “dầm mây” đi tuần dài ngày trong rừng.

Anh nhấn mạnh chữ “dầm mây”. Làm gì có mưa vì mình đã đi vô lòng mưa, lòng của đám mây ôm Hòn Giao quanh năm. Nước nguyên khối lơ lửng, chạm vào người, đất và mọi thứ trong rừng. Đoàn người mặc áo mưa lần theo khe hở giữa hai cây đi theo hướng đã xác định. Phía trước mờ sương, nếu cách quá 5m sẽ khó thấy được nhau.

Chúng tôi thắc mắc về những chuyến đi tuần dài ngày vì rừng cây èo uột thế này ai thèm đụng vào. Anh Nhân bảo: “Hơn 20.000ha rừng lùn có 18 giống lan quý hiếm và hơn 60 loại cây nằm trong nhóm cấm khai thác như du san, pơ mu, bách xanh, thông năm lá, đỉnh tùng… Lơ là chút thôi lâm tặc cuỗm đi ngay”.

Một lý do khác khiến khu rừng lùn này trở nên hấp dẫn với lâm tặc là những thân cây nghìn tuổi chậm lớn người ta đồn rằng có chứa những điều siêu nhiên. Cũng vì tin vào cây rừng nghìn năm linh thiêng, cuối năm 2012 nhóm 19 “lâm tặc” ở vùng giáp ranh giữa Lâm Đồng và Khánh Hoà đã mang cưa máy vào rừng hạ cây và bị bắt quả tang.

Anh Nhân bảo: “Đoàn đi tuần tra rừng mang theo võng dù, thức ăn đủ dùng cho 10 ngày rồi lần bước đi”. Mỗi lần đi tuần là mỗi lần ăn đói do không thể mang theo nhiều thức ăn và việc nấu nướng ngay trong lòng mây cũng không phải là điều dễ dàng. Những kiểm lâm của hai trạm Giang Ly và Hòn Giao phải dùng tấm áo mưa che bếp rồi đánh lửa. Phải đánh hơn chục lần lửa mới bừng lên, mỗi người mỗi tay nấu thật nhanh kẻo lửa tắt lịm.

“Khổ nhất là chuyện ngủ, không phải chui vô võng là ngủ yên. Nước thấm theo dây võng chảy vào. Phải có cách thắt dây đặc biệt. Có lính mới vào nghề không biết cách cột võng, nửa đêm nước lạnh như băng chảy vào khiến giật mình rớt xuống đất” – anh Kha cười kể lối sinh hoạt đặc biệt của những người giữ rừng trên đỉnh Hòn Giao.

Những người đi tuần bảo vệ cánh rừng lùn đặc biệt kể không cần phải tắm khi hành quân, chỉ thay đồ là xong vì có lúc nào được khô ráo. Đi riết rồi những kiểm lâm viên biết cách nhai lá rừng để tránh một số bệnh do rừng lạnh gây ra. Đối với họ, vắt rừng là thứ quá thường. Anh Nhân tâm sự: “Đi không mong bắt quả tang lâm tặc, đi tuần để họ không vác cưa vào rừng. Đâu có mong cây ngã xuống rồi bắt người”.

Hướng dẫn chúng tôi lấy con vắt đang bám cứng vào ống chân sau khi chui qua được lớp vớ (tất) dày, anh Nhân bảo: “Ngồi nghỉ chút rồi hạ độ cao, xuống độ cao chừng 900m sẽ tìm đường đi vào buôn Dưng Iar Giêng”. Nghe anh nhắc, chúng tôi mới thoát ra khỏi câu chuyện rừng lùn, sực nhớ đến ngôi làng cô đơn giữa rừng.

 

 

Kỳ lạ rừng lùn cao nguyên
 

 

MAI VINH – HOÀNG ĐIỆP, [email protected][email protected]