Bà con vé số, ve chai… đường hoàng vô nhà hàng sang
Tiếng nhạc xuân rộn rã, bữa tiệc tất niên của những vị khách mời đặc biệt đã bắt đầu cùng nhóm thiện nguyện G9 cháo đêm ấm lòng tại một nhà hàng sang trọng trên đường Cao Thắng (TP.HCM).
Bà con vé số, ve chai… đường hoàng vô nhà hàng sang
Tiếng nhạc xuân rộn rã, bữa tiệc tất niên của những vị khách mời đặc biệt đã bắt đầu cùng nhóm thiện nguyện G9 cháo đêm ấm lòng tại một nhà hàng sang trọng trên đường Cao Thắng (TP.HCM).
Không khí bữa tiệc tất niên cùng người vô gia cư – Ảnh: K.Anh |
Bạn Trần Hoàng Đạt đi siêu thị cùng cụ bà Lê Thị Ngọc Dung (89 tuổi) lượm ve chai kiếm sống – Ảnh: K.Anh |
Mọi người vừa dùng bữa vừa trò chuyện, thăm hỏi lẫn nhau. Có người mới lần đầu gặp nhau nhưng cũng có người đã gặp nhau đôi ba lần nhờ nhịp cầu từ bữa tiệc tất niên này. Ai cũng gác lại những ưu phiền, lo toan và cả những nhọc nhằn mưu sinh trên đường phố để nhìn lại năm cũ và chờ đợi, hi vọng vào năm mới.
Chú Nguyễn Minh Tuấn, 65 tuổi, quê Bến Tre, lượm ve chai để mưu sinh, tâm sự: “Chiều cuối năm được ngồi chung với mọi người ăn bữa tiệc thấy lòng mình bớt tủi thân. Tôi bỏ xứ đi mưu sinh từ khi còn trẻ, vậy mà đến nay vẫn là kẻ không nhà. Già yếu rồi, kiếm ve chai có tiền thì ở nhà trọ, còn không có lại ra đường vất vưởng. Tôi sống cũng nhờ tấm lòng từ thiện của nhiều người. Nhiều hôm mệt quá không đi lượm ve chai được, tối đến ra đường cũng có người cho hộp cơm để ăn”.
Trước khi nhập tiệc, các cụ già vô gia cư đã được các bạn tình nguyện viên dẫn đi siêu thị mua sắm ít quà tết. Chiều 23 tháng chạp, hoà chung không khí chộn rộn của mọi người trong một siêu thị, các cụ đã chọn mua những nhu yếu phẩm cho ngày tết. Chọn một thùng mì gói, chai nước ngọt, ít bánh mứt, dầu ăn, nước tương, cụ bà Lê Thị Ngọc Dung (89 tuổi) đi lượm ve chai kiếm sống cho biết: “Ngày thường nhiều khi còn có những nhóm tình nguyện tặng hộp cơm để ăn nhưng ngày tết thì không có nên tôi đã chuẩn bị mì gói để lót lòng. Mấy cháu tình nguyện dắt tôi đi mua ít bánh mứt cũng thấy chút gì đó là ngày tết truyền thống”.
Còn bà Dương Thị Ngọc Hoa (67 tuổi) sống tại vỉa hè đường Lý Thường Kiệt, lần đầu tiên được tham dự chương trình, xúc động: “Khi nhận thiệp mời tôi cũng lo vì mình nào giờ đâu dám bước vô nhà hàng. Những bữa ăn của tôi toàn là đồ người ta cho hoặc mua cơm bình dân thôi”.
Ban ngày bà Hoa đi bán vé số, ban đêm đợi người ta đóng cửa tiệm, bà chọn vỉa hè có mái hiên để ngủ cho bớt lạnh vì mưa hay sương gió. Bà cũng có quê tại Cà Mau nhưng lưu lạc ở đất Sài thành từ nhỏ nên cả cuộc đời bà bám víu nơi vỉa hè một thân một mình như thế.
“Ngày tết ai cũng muốn ở bên cạnh gia đình, người thân. Còn tôi ngày tết là những ngày buồn tênh vì nhìn vô nhà ai cũng sum vầy. Hôm nay được ăn tiệc tất niên với những người có hoàn cảnh giống mình, tôi thấy rất vui” – bà Hoa chia sẻ.
Với phương châm “giúp người không phải là cho cái mình dư thừa mà là chia sẻ chút ít cái mình đang có”, anh Tống Hoàng Quân – chủ nhiệm nhóm G9 cháo đêm ấm lòng – cho biết bữa tiệc tất niên cùng người vô gia cư được nhóm tổ chức từ năm 2013.
“Năm ấy chỉ còn một tuần nữa là tết, đang tổ chức chương trình trao quà tết cho bà con khó khăn ở tỉnh Bình Phước, tôi chợt nghĩ mình đi làm còn có tiệc tất niên cơ quan hoặc chí ít là tiệc tất niên gia đình, còn người vô gia cư có lẽ không có tiệc tất niên. Thế là tôi đề xuất tổ chức chương trình, không ngờ lần đầu để lại nhiều ấn tượng và cứ thế chương trình được mọi người ủng hộ, sẻ chia. Đến nay đã là năm thứ tư chương trình diễn ra” – anh Quân chia sẻ. Sau bữa tiệc, mỗi cụ còn được mừng tuổi bằng bao lì xì đỏ thắm, lớn tuổi rồi nhận lì xì mà mặt ai cũng rưng rưng…
Những ngày cuối năm, nhà nhà ai cũng rộn rã, cấp tập những mong chuẩn bị một cái tết tươm tất, nhưng cũng còn đó những phận người không nhà dường như không mong tết về bên mái hiên, vỉa hè nơi họ trú ngụ mỗi ngày. Bữa tiệc tất niên cùng người vô gia cư phần nào giúp họ bớt tủi thân, xua đi cảm giác lẻ loi và lan toả chút hơi ấm của các bạn trẻ khiến họ thêm ấm áp trong lòng khi mùa xuân đã đến thật gần.