23/12/2024

Tàu bệnh viện HQ-561 ở Trường Sa

Trong chuyến công tác ở quần đảo Trường Sa dịp cuối năm cùng lữ đoàn 146 (Vùng 4 hải quân), chúng tôi được đi trên con tàu bệnh viện hiện đại HQ-561 của Hải quân VN.

 

Tàu bệnh viện HQ-561 ở Trường Sa

 

 

Trong chuyến công tác ở quần đảo Trường Sa dịp cuối năm cùng lữ đoàn 146 (Vùng 4 hải quân), chúng tôi được đi trên con tàu bệnh viện hiện đại HQ-561 của Hải quân VN. 

 

 

 

 

 

Con tàu bệnh viện HQ-561 làm nhiệm vụ tại khu vực đảo Trường Sa Đông (quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa), ảnh chụp sáng 18-1 - Ảnh: Ngọc Hiển
Con tàu bệnh viện HQ-561 làm nhiệm vụ tại khu vực đảo Trường Sa Đông (quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa), ảnh chụp sáng 18-1 – Ảnh: Ngọc Hiển

Ba năm nay, tàu HQ-561 hoạt động từ khu vực nhà giàn DK1 vòng qua quần đảo Trường Sa với nhiệm vụ tối thượng: cứu người.

Với những người gắn bó từ khi con tàu này hạ thuỷ, lướt những hải lý đầu tiên, HQ-561 giống như một con người có số phận vừa vinh quang, vừa nhọc nhằn.

“Chúng tôi phải bế anh ấy lên rồi nhanh chóng chẩn đoán và chọc dịch khớp gối, cố định khớp. Chúng tôi vừa chữa bệnh, vừa chăm lo thức ăn từng bữa như anh em trong nhà bởi trên biển ngư dân chỉ có bạn tàu chứ ít khi có thân nhân

Y sĩ Linh kể về trường hợp cấp cứu một ngư dân Quảng Ngãi 30 tuổi

Bệnh viện trên biển

Cuối năm 2012, Vùng 4 hải quân tiếp nhận con tàu HQ-561 từ Công ty đóng tàu Z189. Đây là con tàu quân y vào hạng “5 sao” với tải trọng hơn 150 tấn, chở được hơn 200 người và được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại tương đương một bệnh viện ở đất liền.

Theo đại úy Hoàng Đình Duyến (37 tuổi, thuyền trưởng), con tàu này được đóng hoàn toàn theo công nghệ Hà Lan, đạt tiêu chuẩn quốc tế IMO với thân tàu dài hơn 70m, rộng hơn 13m, chịu được gió cấp 8 và có đôi vây chống lắc.

“Các khoang đều được trang bị điều hoà, tủ lạnh, tivi kết nối truyền hình vệ tinh, hệ thống liên lạc hiện đại qua vệ tinh Vinasat và các phòng bệnh có hệ thống máy móc thuộc dạng tối tân” – đại uý Duyến nói.

Giữa trùng khơi, chữ thập đỏ nổi lên trên thân tàu màu trắng là một điềm lành với những ngư dân trong cảnh nguy nan. Bởi ngoài khám chữa bệnh, tàu còn cấp nước ngọt, thực phẩm miễn phí cho ngư dân.

Nói về nhiệm vụ của tàu, đại uý Duyến cho biết ngoài việc cứu chữa cho cán bộ chiến sĩ và ngư dân trên biển và các đảo, tàu còn đảm đương nhiều trọng trách.

Đó là việc thăm khám cho quân dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 hai năm một lần, mỗi lần kéo dài một tháng rưỡi với trên 3.000 lượt người, phục vụ các chuyến thay quân của đơn vị, chở các đoàn công tác ra thăm, làm việc tại Trường Sa…

Và cũng như những con tàu khác của lực lượng hải quân, HQ-561 luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Dẫn chúng tôi tham quan tàu, thuyền trưởng Duyến cho biết nhiều người khi nhìn thấy trang thiết bị của tàu đều tỏ ra ngạc nhiên.

Ở khoang bệnh viện có đầy đủ các phòng chức năng như phòng khám, hồi sức cấp cứu, phòng siêu âm, phòng mổ, các phòng chuyên khoa… với gần 20 giường bệnh.

Trong đó, buồng giảm áp là một trong những buồng hiện đại nhất, để điều trị các bệnh liên quan đến những bệnh lý nặng như trường hợp ngư dân bị giảm áp do đang lặn biển bị nghẽn oxy.

Đặc biệt ở phòng siêu âm có trang bị hệ thống hội chẩn trực tuyến thông qua hệ thống truyền dữ liệu hình ảnh qua vệ tinh với Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM).

“Những ca cấp cứu, mổ… quan trọng chúng tôi đều tiến hành hội chẩn với y bác sĩ Bệnh viện 175 bất kể giờ giấc. Nhờ đó, việc cứu chữa bệnh nhân được kịp thời, dựa trên phác đồ điều trị do Bệnh viện 175 cung cấp” – thuyền trưởng Duyến nói.

Các y bác sĩ của tàu bệnh viện mổ ruột thừa cho một ngư dân Bình Thuận - Ảnh bác sĩ Thái Đàm Lương cung cấp
Các y bác sĩ của tàu bệnh viện mổ ruột thừa cho một ngư dân Bình Thuận – Ảnh bác sĩ Thái Đàm Lương cung cấp

Tất cả vì tính mạng ngư dân

Trong những ngày sống và làm nhiệm vụ trên tàu, bác sĩ Thái Đàm Lương – người gắn bó với tàu từ ngày đầu tiên – nhớ rõ ngày tháng từng ca cấp cứu, chữa trị cho ngư dân. Đầu tháng 7-2015, tàu HQ-561 đã cứu chữa cho 11 ngư dân tàu cá Bình Định bị chìm tàu tại vùng biển Trường Sa.

Theo lời kể của những ngư dân này, khi tàu của họ trên đường từ ngư trường Trường Sa về lại Bình Định thì bị gió bão bất ngờ, tàu bị sóng đánh chìm. Họ chỉ kịp cầm vội vài chai nước rồi lao xuống thuyền thúng.

Họ chia nhau mỗi lần ba người ngồi trên thúng, ba người dưới nước để giữ thúng không bị lật trong cơn sóng dữ. Dù ở trong tình cảnh thập tử nhất sinh nhưng ngư dân vẫn bám trụ, lênh đênh trên biển đến hai ngày trong tình trạng kiệt sức, vừa đói vừa lạnh.

Bác sĩ Lương nhớ lại: “Khi tàu khác cứu được 11 người, chúng tôi liền nhận được tin báo. Với khoảng cách gần 30 hải lý, thời tiết gió bão và sóng cấp 5, cấp 6, gần ba tiếng sau chúng tôi mới cập được mạn tàu tiếp nhận bệnh nhân”.

Lúc đó các ngư dân gần như lả đi, trên người họ chỉ mỗi bộ đồ ướt dính chặt vào người. “Chúng tôi nhanh chóng đưa họ vào phòng khám tổng quát, tiến hành hồi sức. Rất may không ai có vấn đề gì nghiêm trọng” – bác sĩ Lương nói.

Tháng 6-2015, tàu HQ-561 tiếp nhận lần lượt hai trường hợp ngư dân trong tình trạng nguy cấp, đây cũng là ca cấp cứu gian nan mà các y bác sĩ trên tàu không thể nào quên được.

Ngày 12-6-2015, khi tàu đã rời khu vực nhà giàn DK1 thì nhận được điện khẩn của nhà giàn báo có một trường hợp ngư dân cần cấp cứu. 22g, sóng to, tàu quay lại tiếp cận ghe của ngư dân Đặng Văn Bình (51 tuổi, quê Quảng Ngãi). Ông Bình bị chấn thương sọ não, hôn mê dần.

“Chúng tôi hội chẩn với Bệnh viện 175 đến gần 12g đêm. Tình trạng bệnh nhân ngày một xấu, êkip phải điều trị hồi sức tích cực.

Chúng tôi phải thức trắng đêm, chạy đua với thời gian để cứu bệnh nhân. Đến 5g sáng, tàu cập đảo Trường Sa Lớn, nhìn thấy trực thăng chờ sẵn để đưa bệnh nhân về Bệnh viện 175 điều trị tiếp chúng tôi mới thở phào” – bác sĩ Lương nói.

Một trường hợp phải mổ ngay trong đêm là ngư dân Huỳnh Văn Kiên (21 tuổi, quê Bình Thuận) đang đánh cá tại khu vực đảo Núi Le thì bị viêm ruột thừa cấp, bệnh đã trở nặng.

Lần này êkip mổ từ 21g40 đến hơn 22g mới kết thúc. Sau đó êkip lại trắng đêm trực, theo dõi sức khoẻ bệnh nhân 24/24 giờ.

Khi kể về các bệnh nhân mình đã cứu chữa những năm qua, các y bác sĩ cho biết: “Thương lắm. Ngư dân mình nghèo, thiếu thốn điều kiện khám chữa bệnh. Nhiều trường hợp trở bệnh nặng trên biển nhưng chưa hết con trăng nên không thể quay về trong khi bệnh tình ngày càng nặng thêm”.

Như trường hợp năm 2013 có chín người trên một tàu đánh cá bị ngộ độc thực phẩm khi ăn cá và hai người trong tình trạng rất nặng. Khi vừa thấy dấu chữ thập bên mạn tàu, các ngư dân đã tăng tốc đến báo ngay bệnh tình và được đưa lên tàu điều trị kịp thời.

“Nếu lúc đó không gặp được tàu bệnh viện đúng lúc thì không biết tính mạng các ngư dân sẽ như thế nào” – bác sĩ Lương nói.

Cứu người trong đất liền đã nhọc nhằn, nhưng với hoàn cảnh sóng gió giữa trời biển mênh mông, nhiệm vụ của các y bác sĩ tàu HQ-561 càng vất vả.

Theo bác sĩ Lương, khi sóng to, việc xử lý các vết thương phần mềm trong quá trình khâu vá rất dễ bị ảnh hưởng nên đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm. Các bác sĩ phải đề nghị thuyền hạ vây giảm sóng, đi xuôi chiều sóng để bớt giảm xóc cho tàu…

Giữa trùng khơi, hàng vạn ngư dân với hàng trăm chứng bệnh nên các y bác sĩ trên tàu vẫn phải tiếp tục học hỏi, nâng cao tay nghề.

“Mỗi lần vào bờ hoặc có các đoàn y bác sĩ của Viện Y học hải quân, Bệnh viện 175, Bệnh viện 87 hay đội điều trị của Vùng 4 công tác trên tàu thì chúng tôi lại học tập, trao đổi để có thêm kinh nghiệm khám chữa bệnh, đem thêm tài liệu y học để đọc thêm” – bác sĩ Lương nói.

Trong môi trường biển độ mặn cao, các bác sĩ ngoài việc khám chữa bệnh còn luôn chú ý bảo quản máy móc thiết bị vì nếu có bất kỳ hư hại nào dù nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến việc chữa trị.

Y sĩ Linh cho biết: “Một tuần chúng tôi có một ngày để chạy tất cả máy móc, như vậy máy không bị ẩm, hư hại”.

“Thấy tàu như thấy nhà”

Giữa trùng khơi, giữa những bất trắc, ngư dân coi con tàu màu trắng có chữ thập đỏ HQ-561 là biểu tượng của sự sống. Khi phát hiện có người của tàu khác bị nạn, nếu trông thấy HQ-561 các ngư dân sẽ thông báo liền cho nhau.

Gần nửa tháng làm nhiệm vụ trên vùng biển Trường Sa, chúng tôi chứng kiến cảnh ngư dân kéo còi, vẫy tay chào mỗi khi đi ngang qua tàu bệnh viện.

“Bà con ngư dân mừng lắm, thấy tàu bệnh viện như thấy nhà. Mong rằng chúng ta ngày càng có nhiều tàu bệnh viện và các tàu làm nhiệm vụ khác hiện đại, tối tân như thế này để giúp đỡ ngư dân yên tâm bám biển” – bác sĩ Lương nói.

YẾN TRINH – NGỌC HIỂN ([email protected])