28/12/2024

Nhọc nhằn đời phu mía

Dọc tuyến đường Đông Trường Sơn dẫn từ huyện Kbang về đến thị xã Ayun Pa của tỉnh Gia Lai có hàng trăm chiếc lán dựng tạm sát hai bên đường.

 

Nhọc nhằn đời phu mía

 

 

Dọc tuyến đường Đông Trường Sơn dẫn từ huyện Kbang về đến thị xã Ayun Pa của tỉnh Gia Lai có hàng trăm chiếc lán dựng tạm sát hai bên đường

 

 

 

 

 
 

 

Các phu mía thu hoạch mía trên cánh đồng nguyên liệu của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) - Ảnh: B.D.
Các phu mía thu hoạch mía trên cánh đồng nguyên liệu của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) – Ảnh: B.D.
Có đất, có ruộng thì chẳng ai mong phải dính kiếp chặt mía thuê xa nhà như thế này. Nghèo khó đã đành, nhưng con lớn lên không có ba mẹ ở bên cạnh nên học hành bỏ bê, lớn lên không nghề nghiệp rồi lại đi theo bố mẹ làm thuê. Một vòng tròn luẩn quẩn

Đó là nơi trú tạm của hàng ngàn người dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên… bỏ làng kéo nhau lên đây chặt mía thuê.

Đêm ở chiếc lán giữa cánh đồng mía thôn 6, xã An Trung (Kon Chro, Gia Lai), 13 người làm thuê ở thôn Tân Dân (xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, Bình Định) gác chân lên võng ngủ mê mệt.

Chỉ còn lại chị Nguyễn Thị Lệ Thu vẫn cố mở điện thoại dò sóng gọi cho con nhỏ đang ở quê. Chị Thu bảo hơn hai tháng từ khi vợ chồng chị lên ruộng mía, con trai phải gửi bà ngoại trông giùm.

Còng lưng trên rẫy mía

Chiếc lán vợ chồng chị Thu ở có tổng cộng 14 người, tất cả đều cùng thôn. Anh Phạm Ngọc Minh – chồng chị Thu – cho biết cứ tới đầu tháng 10, khi các chủ mía ở Tây nguyên gọi điện là anh lại kêu người làng gói ghém đồ đạc, mài rựa rồi đón xe ngược lên Tây nguyên.

Để có chỗ ở, mấy anh em dọn dẹp chuồng bò của chủ mía rồi thưng bạt, trải chiếu. Hơn 21g, cánh đồng mía chỉ còn ánh đèn leo lét ở mấy túp lều. Người trong lán của anh Minh ngủ lả trên võng. Mùi mồ hôi, mùi phân bò ngai ngái bốc lên đầy nỗi bần hàn.

“Trông hôi hám thế này nhưng tụi tui vẫn còn may chán, mấy người khác còn phải mắc võng ngoài trời kia kìa” – anh Minh nói rồi chỉ ra ngoài bãi đất, nơi đặt hàng chục túp lều của phu mía đến từ Bình Định, Phú Yên…

Gần trưa, bốn phụ nữ trong dãy lều bạt của làng Định Thắng, xã Hoà Đình Đông (Phú Hoà, Phú Yên) trùm kín mặt cố thổi lửa nấu cơm để đưa ra ruộng.

Những túp lều được chống tạm bằng vài thanh gỗ, phủ bằng bạt, chỉ cao vài mét, nằm dựa sát vào nhau trong vườn của người dân nhưng là chỗ ở suốt ba bốn tháng trời cho hàng trăm con người.

Mấy người phụ nữ bảo mỗi người mắc một chiếc võng, mỗi lán có 15-20 chiếc võng như thế. Ngày đi làm, đêm về ngủ.

Các chủ mía và người dân xung quanh thương phu mía vất vả nên cho xài nước ké, kéo điện vào lều cho dùng.

Chúng tôi định giở vung mấy chiếc nồi đang ám khói thì một phụ nữ vừa cười vừa xua tay. “Đừng có coi, xấu hổ lắm”. Chị Nguyễn Thị Tuyết trong khu lán nói mấy chị em đang kho cá khô nấu nước mắm.

“Ở đây cá thịt được người ta chạy xe máy chở vào nên đắt gấp hai ba lần. Chỉ có người dân mua chứ dân làm thuê không ai dám mua. Chỉ ăn toàn cá khô, canh mì tôm qua bữa, dành dụm tiền về sắm đồ tết cho con” – chị Tuyết nói.

Quá 11g, cánh đồng không một bóng cây, mặt trời chiếu thẳng đứng, nắng thiêu như chảo rang nhưng hàng trăm con người vẫn bịt kín mặt đứng phơi mình trên bãi mía. Chị Phan Thị Nở – người làm thuê ở tốp của thôn Tân Dân – lia dao vào gốc mía rồi hì hục gom, bó.

Chúng tôi khá bất ngờ khi mấy người ở bên cạnh nói vọng qua: “Đừng chụp ảnh bả, bả đang có bầu tháng thứ 5 đấy. Người nông thôn mang bầu là cữ dữ lắm”. Chị Nở gỡ nón ra, khuôn mặt cháy đen, hốc hác cười: “Có bầu mà vẫn đi làm tốt. Con nông dân mà, trời nuôi”.

Nắng nôi vất vả là một chuyện, dân đốn mía thuê cho biết khổ nhất là những lúc phải nhận những ruộng mía cháy.

Giá công vừa thấp vừa mệt nhưng không tốp thợ nào nỡ từ chối vì thương chủ mía thất bát. Mía rỉ mật nhão nhoẹt, ám tro đen như cả cánh đồng vừa bị một bình mực khổng lồ giội xuống. Cả đám người phải hì hục chặt, bó rồi chất lên xe.

Dù đứng san sát nhưng không ai nhận ra nhau bởi… toàn thân bê bết than, mặt cũng ám đen, chỉ còn hàm răng là trắng. Thấy cảnh ấy, mấy người đi đốn mía lại đùa nhau là nông dân lại hóa thành… lính đặc công.

Nhiều đêm đang ngủ nhưng thấy xe vào bốc mía là cả đám lại bật dậy mặc quần áo lao ra đồng, bật đèn hì hục bốc tới sáng. Bốc xong xe mía thì mặt trời cũng vừa lên, thợ mía lại phải đứng giữa đồng cả ngày trời như thế.

Nơi ăn ở của người chặt mía thuê dọc đường Trường Sơn Đông
Nơi ăn ở của người chặt mía thuê dọc đường Trường Sơn Đông

Nghèo khó thương nhau

Dù cơ cực, nghèo khó như nhau nhưng trong câu chuyện của những người phu mía, sự đùm bọc cưu mang nhau nặng đến vô cùng. Ông Nguyễn Quả – 58 tuổi, thôn Tân Dân – người gầy khô, ốm yếu nhưng vẫn được anh em trong tổ cắt mía gọi đi làm cùng.

“Tội nghiệp ổng, 58 tuổi rồi mà vẫn lọ mọ, người khô rọp đi. Mỗi ngày chỉ đốn được 7-8 tạ mía nhưng anh em không ai nỡ nói một lời. Kêu ổng đi chứ ở quê chắc chết đói, vợ đau yếu đi viện miết” – một người trong tổ của ông nói.

Vợ ông Quả bị thần kinh tọa, đau yếu từ mấy năm nay. Để có tiền nuôi vợ, ông Quả theo anh em đi làm thuê khắp nơi.

Không riêng ông Quả mà hầu hết dân làm thuê ở vựa mía đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Người ít ruộng, người không có đất đai nhà cửa, người phải bỏ con từ khi mới lọt lòng vì miếng cơm manh áo, phải rời làng lên đây chặt mía thuê.

Những người làm thuê có một giao ước với nhau: ai đau yếu, già cả hay phụ nữ có thai… thì được ưu tiên làm những việc nhẹ như ở lại lán chuẩn bị cơm nước, đi chợ, lúc nào rỗi mới ra bãi cắt mía phụ người khác.

Những đêm khuya hoặc trưa nắng, chỉ đàn ông khoẻ mạnh mới phải đứng trên bãi chất mía lên xe, người yếu được ở nhà nghỉ ngơi.

Ở cụm lều của những thợ cắt mía dựng lên bên khu vườn trạm mua nguyên liệu tại thôn 6, xã An Trung có một phụ nữ đã 63 tuổi, lưng còng nhưng hằng ngày vẫn theo người làng đi đốn mía kiếm sống.

Đó là bà Nguyễn Thị Chín – thôn 3, xã An Ninh Tây (Tuy An, Phú Yên). Thương bà sức yếu, mấy người trong làng để bà ở nhà nấu cơm. “Tui đi cùng con trai 24 tuổi lên đây chặt mía. Mẹ con đi từ đầu vụ đến giờ vẫn chưa dành dụm nhiều tiền nên cố bám trụ đến tết”.

Đêm cao nguyên đen đặc. Những người làm thuê ngồi dưới ánh đèn điện leo lét kể chuyện ở quê.

Từ chuyện ông Sáu mới cất được căn nhà mới, bà Hai đau ốm phải nhập viện tới chuyện ông Phước có đứa con học đại học ra trường bốn năm chưa xin được việc làm, phải vào Bình Dương làm công nhân.

Cả nhóm bỗng chống cằm, im ắng thở dài khi có người nhắc đến tết: “Còn vài tuần nữa là tới tết, xe vô bốc mía đều thì anh em mình có tiền về quê sắm tết sớm. Nhưng cứ lúc có lúc không như mấy hôm nay thì có khi về quê chỉ đủ tiền xe”.

Bỗng dưng một người cất tiếng chua chát: “Có đất, có ruộng thì chẳng ai mong phải dính kiếp chặt mía thuê xa nhà như thế này. Nghèo khó đã đành, nhưng con lớn lên không có ba mẹ ở bên cạnh nên học hành bỏ bê, lớn lên không nghề nghiệp rồi lại đi theo bố mẹ làm thuê. Một vòng tròn luẩn quẩn”.

Cật lực dưới mặt trời

Công việc của những người đi đốn mía thuê được sắp xếp theo một lịch lặp đi lặp lại: tảng sáng ăn vội miếng cơm độn cá khô rồi ai nấy trùm kín mặt ra ruộng mía đứng từ sáng tới tối.

Các tốp người sẽ cùng nhau đốn mía, ăn cơm trưa tại bãi rồi cuối ngày lại tổng kết công việc sau một ngày cật lực. Lượng mía chặt được sẽ được chia tiền công, mỗi tấn được chủ trả công 180.000 – 200.000 đồng.

Mỗi ngày một người mạnh khoẻ đốn được 1 – 2 tấn, thu nhập 200.000 – 300.000, nhưng có những người già yếu chỉ đốn được dăm tạ, tiền công chỉ 70.000 – 100.000 đồng.

Nhưng để có số tiền ấy không hề đơn giản. Mọi người phải giục nhau ra đồng từ tờ mờ sáng, chịu đứng dưới cái nắng khô khốc cả ngày trời. Nhiều người yếu sức, chóng mặt ngã quỵ dưới bãi mía, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.

THÁI BÁ DŨNG ([email protected])