Thế giới cần 40 tỉ USD cho cứu trợ
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc khẳng định thế giới cần tới 40 tỉ USD mỗi năm để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và thiên tai. Sáng kiến mới lấy tiền thuế để cứu trợ được đề xuất.
Thế giới cần 40 tỉ USD cho cứu trợ
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc khẳng định thế giới cần tới 40 tỉ USD mỗi năm để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và thiên tai. Sáng kiến mới lấy tiền thuế để cứu trợ được đề xuất.
Người di cư Syria chen chúc trong một khu trại ở biên giới với Jordan – Ảnh: Reuters |
Chúng ta đang sống trong thời kỳ đại khủng hoảng. Chúng ta đang chứng kiến số tiền cần cho hoạt động nhân đạo và mức thiếu hụt kinh phí nhân đạo toàn cầu lớn hơn bao giờ hết |
Tổng thư ký LHQ BAN KI MOON |
Theo Reuters, uỷ ban gồm chín chuyên gia do Liên Hiệp Quốc (LHQ) chỉ định vừa trình bày báo cáo về tình hình tài chính cho cứu trợ.
Thông tin đáng buồn là thế giới cần thêm 15 tỉ USD mỗi năm cho các hoạt động nhân đạo. “Chưa bao giờ sự hào phóng lại thiếu thốn như vậy” – uỷ ban này nêu trong báo cáo.
Tiền nhiều hơn mà vẫn thiếu
Trong năm 2015, các chính phủ đã bỏ ra 24,5 tỉ USD phục vụ các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho 125 triệu người trên toàn thế giới, gấp hơn 12 lần so với mức chỉ 2 tỉ USD vào năm 2000.
Tuy nhiên, nhiều cơn bão lớn và hạn hán nặng nề hơn một phần do biến đổi khí hậu cùng những cuộc xung đột vũ trang đã gây ra nhiều thiệt hại hơn. Do đó, thế giới cần khoảng 40 tỉ USD mỗi năm để bảo vệ mạng sống con người.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon công bố báo cáo này hôm 17-1 ở Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) trong một cuộc họp với giới chức sở tại.
Số liệu trong báo cáo sẽ giúp định hướng cho các cuộc thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh nhân đạo thế giới lần thứ nhất của LHQ ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 5 năm nay.
Sự thiếu hụt trong kinh phí dành cho hoạt động nhân đạo đã tác động đến những người di cư Syria và những người bị mất nhà cửa tại đây.
Vào tháng 9-2015, Cơ quan Người tị nạn của LHQ đã cảnh báo các tổ chức nhân đạo chỉ quyên góp được 40% số tiền cần thiết.
Việc thiếu hụt tới 4,6 tỉ USD cho Syria vào mùa thu năm ngoái đã khiến nhiều tổ chức nhân đạo cắt giảm chương trình cứu trợ ở các nước tiếp nhận người di cư trong khu vực như Jordan, Libăng, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Ai Cập.
Theo International Business Times, Cơ quan Lương thực của LHQ cũng cắt khẩu phần thực phẩm đối với 1,6 triệu người Syria sống trong các trại tị nạn, một việc được cho là đã gây ra làn sóng người di cư đổ vào châu Âu.
Theo bản báo cáo dài 31 trang, 1,6 triệu người di cư Syria bị thiếu hụt khẩu phần ăn và 750.000 người di cư Syria không thể đến trường.
Tìm tiền từ thuế
Bản báo cáo của LHQ công bố hôm 17-1 cũng vạch ra một số cách để kiếm tiền cho các dự án nhân đạo, bao gồm cả việc đóng thuế tự nguyện từ các hoạt động thể thao hay các buổi hòa nhạc.
Đề xuất “đóng thuế đoàn kết” này được đưa ra sau khi Tổ chức phi chính phủ Unitaid thuyết phục 10 nước áp đặt một khoản thuế nho nhỏ đối với vé máy bay để tăng nguồn kinh phí hỗ trợ nhân đạo cho các bệnh nhân sốt rét và AIDS.
Uỷ viên châu Âu Kristalina Georgieva, thành viên thuộc ủy ban kể trên của LHQ, cho rằng các loại thuế mới đối với vé máy bay, xăng dầu, phim ảnh và những sự kiện thể thao sẽ giúp đem lại kinh phí cho các dịch vụ y tế ở các trại tị nạn hoặc ở những khu vực tiếp nhận người dân mất nhà cửa. “Tôi cảm thấy điều này không phải là không làm được” – bà nhận định.
Uỷ ban của LHQ cũng đề xuất trích một phần tiền trong số tiền đóng góp bắt buộc của đạo Hồi (hay còn gọi là zakat) để tăng quỹ cứu trợ.
Người Hồi giáo quyên góp 232 – 560 tỉ USD hằng năm, theo ước tính của báo cáo. Các chuyên gia nói chỉ 1% của zakat cũng đáng kể đối với quỹ nhân đạo toàn cầu.
“Thu hẹp sự thiếu hụt kinh phí đồng nghĩa với việc không ai sẽ phải chết hoặc sống thiếu thốn nữa – bà Georgieva giải thích – Khoản thiếu hụt 15 tỉ USD là một khoản tiền lớn, nhưng trong một thế giới tạo ra 78.000 tỉ USD mỗi năm thì không khó để bù đắp khoản thiếu hụt”.
Theo AP, bản báo cáo cũng tập trung vào ba giải pháp cải tổ việc cứu trợ nhân đạo. Đó là huy động nguồn kinh phí tăng thêm, đặc biệt từ khối tư nhân; giảm nhu cầu về cứu trợ thông qua việc đưa ra các giải pháp ngăn chặn và cấp kỳ đối với vấn đề; cải thiện tính hiệu quả của việc cứu trợ để đáp ứng nhu cầu thực tế của con người hơn là nhu cầu của các tổ chức cứu trợ.
Bản báo cáo cũng kêu gọi các tổ chức nhân đạo minh bạch hơn để mọi người có thể theo dõi số tiền.