23/12/2024

4 nguyên nhân ươm mầm bệnh thiếu trung thực của người Việt

Tuỳ tiện trong giáo dục, thiếu sự xử phạt nghiêm minh, đặt cái tôi quá lớn, thiếu rèn luyện và thiếu tính tự lập… là 4 nguyên nhân cơ bản khiến người Việt trẻ thất bại.

 

4 nguyên nhân ươm mầm bệnh thiếu trung thực của người Việt

Tuỳ tiện trong giáo dục, thiếu sự xử phạt nghiêm minh, đặt cái tôi quá lớn, thiếu rèn luyện và thiếu tính tự lập… là 4 nguyên nhân cơ bản khiến người Việt trẻ thất bại.

 

Học sinh Trường THPT An Dương Vương (TP.HCM) làm bài kiểm tra ở sân trường là một trong những cách làm để rèn luyện cho học sinh tính trung thực, sự công bằng trong học tập. - Ảnh: từ Facebook của Trường THPT An Dương Vương
Học sinh Trường THPT An Dương Vương (TP.HCM) làm bài kiểm tra ở sân trường là một trong những cách làm để rèn luyện cho học sinh tính trung thực, sự công bằng trong học tập. - Ảnh: từ Facebook của Trường THPT An Dương Vương

Trên đây là phân tích của bạn đọc Lê Phạm Phương Lan – giảng viên khoa tâm lý Trường ĐH Nguyễn Huệ (Đồng Nai) – sau khi có nhận xét của một người Nhật “Khác Nhật, một số nhân viên người Việt thường giấu sai sót”.

Theo bạn đọc Phương Lan, nhận xét lời thật mất lòng này của cô Yukako Nitta đã phần nào phản ánh chân thực tính cách xấu của người Việt trẻ, để từ đó mỗi người phải nhìn lại mình, những gia đình trẻ nên xem lại cách giáo dục con cái.

Dưới đây là 4 nguyên nhân cơ bản từ giáo dục gia đình và tác giả mong rằng các bậc cha mẹ cũng rút ra cho mình những kinh nghiệm quý báu:

1- Tự do, tuỳ tiện trong giáo dục con cái

Một số cha mẹ vì thiếu quan tâm, bất lực, bế tắc mà để con cái phát triển một cách tự do, tuỳ tiện theo sự thích ứng của môi trường sống. Vì thế, dẫn đến phần lớn các em có thói quen hay ngang tàng, có vẻ tự lập nhưng lại liều lĩnh, coi thường pháp luật.

Từ đó, các em cũng khó hình thành được nét tính cách thật thà hay trung thực trong các mối quan hệ, thậm chí các em còn không hiểu được giá trị cốt cách của sự trung thực này. Có cha mẹ thì lại không mẫu mực, thường xuyên nói dối nên con cái cũng từ đó mà bắt chước làm theo.

Chẳng hạn, một ví dụ mà không ít cha mẹ người Việt mắc phải là: Khi có khách đến vì lý do nào đó mà không muốn tiếp khách nên thường bảo con cái ra nói với người khách nọ là cha mẹ đi vắng để họ ra về. Như vậy, đây chính là bài học “dối trá” mà vô tình trẻ lại được học từ chính cha mẹ mình, đó thật sự là sự phản chiếu trực tiếp đến sự lệch chuẩn của trẻ.

2- Thiếu sự xử phạt nghiêm minh

Giáo dục gia đình trong những năm tháng đầu đời rất quan trọng trong sự hình thành nét tính cách tốt đẹp ở trẻ, ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống lúc trưởng thành. Mỗi lần các em vi phạm, cha mẹ lại không có biện pháp giáo dục hiệu quả thì trẻ càng dễ có cơ hội vi phạm trong các hoàn cảnh tương tự.

Chẳng hạn, những đứa trẻ 6-8 tuổi có biểu hiện gian dối như lấy cắp đồ trong gia đình, khi cha mẹ phát hiện mà vẫn không uốn nắn thì các em càng dễ có những hành vi trộm cắp cũng như nói dối người lớn một cách có chủ đích. Thậm chí có cha mẹ nuông chiều con quá mức, muốn gì được nấy, khi gặp phải thất bại hoặc mắc sai lầm thì trẻ thường suy diễn, bịa đặt, nói dối… để che giấu sự thật.

3- Đừng để trẻ đặt cái tôi quá lớn

Tâm lý một số trẻ luôn đặt “cái tôi” quá lớn, luôn coi mình là nhân vật số một, hay đề cao bản thân, coi mình là trung tâm, cái rốn của vũ trụ. Vì thế, trong nhiều hoàn cảnh trẻ buộc phải nói dối, phải thổi phồng hoặc bóp méo sự thật.

Trường hợp này cha mẹ phải thật nghiêm khắc, yêu cầu trẻ phải thừa nhận khuyết điểm, trung thực một cách tuyệt đối. Nếu không điều chỉnh, cái tôi cá nhân này ảnh hưởng xấu đến lúc trưởng thành, khó hoà nhập, khó thích nghi.

4- Thiếu rèn luyện trước khó khăn và thiếu tính tự lập

Một điều khác biệt rõ nét giữa trẻ Việt Nam với trẻ Nhật Bản là: quan điểm của người Nhật là dạy con biết chịu đựng những khó khăn, vất vả từ rất sớm, trẻ phải thích nghi được với sự nóng nực cũng như sự rét mướt một cách rất tự giác. Đầu tiên là sự thích ứng giữa cơ thể với môi trường tự nhiên, sau đó là sự thích ứng với môi trường xã hội trong các hoạt động như lao động, học tập, sản xuất…

Do đó khi gặp hoàn cảnh phức tạp khác trẻ sẵn sàng chấp nhận thử thách hoặc chấp nhận thất bại chứ không phải nói dối hoặc biện minh cho hành động của mình. Chính sự thử thách nên trẻ Nhật Bản cũng hình thành tính tự lập từ rất sớm. Trong điều kiện có thể, các em sẵn sàng giải quyết bằng chính năng lực của bản thân mà không phải nề hà người khác hoặc che giấu kết quả lao động của mình.

Còn ở Việt Nam không ít trẻ thiếu tính kiên cường, tự chủ khi đối mặt với khó khăn vì luôn có cha mẹ làm thay, nên khi gặp khó khăn, trở ngại thường xảy ra tâm lý trông chờ vào người khác, hoặc tìm ra mọi lý do để biện hộ, đổ thừa cho kết quả không tốt của bản thân.

Hãy gieo lời nói hay để gặt một hành động đúng. Sự trung thực nhất định phải được giáo dục bài bản. Song, để thực hiện tốt điều đó phải có sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó giáo dục gia đình là gốc rễ.